Hết lòng với bà con
Không sinh ra và lớn lên ở vùng biên đầy nắng gió nhưng từ nhiều năm nay, Trung úy Đặng Quang Bắc (y sĩ phòng khám Quân dân y kết hợp buôn Drang Phôk, đồn Biên phòng Sêrêpốk, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Đắk Lắk) đã gắn bó với bà con, buôn làng như chính quê hương mình.
Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Quân y, đầu năm 2000, anh được điều động về làm y tá tại đồn Biên phòng Sêrêpốk.
“Những năm đó, đời sống anh em chiến sĩ trong đồn và bà con buôn Drang Phôk rất khó khăn, thiếu thốn. Người lớn chỉ nghĩ đến việc lên rừng làm rẫy, thậm chí lén lút săn thú hay đi làm cửu vạn cho lâm tặc. Bọn trẻ đứa nào cũng lem luốc, bẩn thỉu, thiếu cân và không biết chữ. Cả buôn chỉ có mấy chục hộ nhưng năm nào cũng có người chết vì bệnh tật và sốt rét rừng”, anh Bắc nhớ lại.
Y sỹ Bắc khám cho bệnh nhân buôn Drang Phôk. |
Thế nhưng điều khiến anh trăn trở là bà con rất tin vào thầy cúng. Mắc bệnh, họ không đến Đồn khám mà lại mời thầy cúng về nhà làm lễ bắt ma, trừ tà. Gà, heo, bò trâu cúng hết lễ này đến lễ khác, tài sản cạn dần mà đa phần bệnh nhân không khỏi. Vì vậy hễ nghe tin có người ốm đau, sốt rét anh lại tìm đến tận nhà khám bệnh, cho thuốc, dặn dò cẩn thận liều dùng. Những lần như vậy, bà con nhanh chóng khỏi bệnh. Họ dần tránh xa hủ tục mê tín, có bệnh tật gì đều tìm đến anh.
Từ đó, ai đứt tay, đứt chân, đau đầu, cảm cúm cũng đến phòng khám để được anh chữa trị. Người nào ốm nặng không đến khám được, anh tìm đến nhà khám bệnh, cho thuốc. Những trường hợp bệnh nặng, anh nhanh chóng chuyển tuyến cấp cứu, nhờ đó, nhiều ca bệnh nguy kịch đã được cứu sống. “Gắn bó với buôn, được ăn, ở, sinh hoạt cùng dân giúp tôi nhận ra nhiều điều. Bà con nghèo nhưng rất trọng cái tình, rất quý, rất tin bộ đội. Còn nhớ lần tôi bị gọi dậy giữa đêm, nghĩ có người đau ốm tôi khoác vội áo, lấy túi y cụ rồi đi ngay. Hóa ra con trâu nhà chị H’Siu khó đẻ, nó vạ vật từ trưa đến nửa đêm vẫn chẳng sinh được. Nghĩ tôi là y sĩ, nên chị chạy đi tìm. May mà lần ấy thành công”, anh Bắc cười, kể lại.
Thầy thuốc của buôn làng
Miệt mài với công việc quên cả… lấy vợ, cuối năm 2004, cấp trên tạo điều kiện chuyển anh Bắc về công tác tại bệnh xá Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh. Thế nhưng khi nghe tin đồn Biên phòng Sêrêpốk được cấp trên quan tâm xây dựng Phòng khám quân dân y kết hợp nằm ngay tại buôn Drang Phôk, anh lại nằng nặc xin vào với bà con.
Phòng khám mới được trang bị máy xét nghiệm sốt rét. Để chấm dứt căn bệnh này, anh đến từng nhà hướng dẫn người dân phòng chống muỗi, thông báo lịch để bà con mang chăn màn đến phòng khám tẩm thuốc. Để tuyên truyền về dịch sởi và rubella, anh chuẩn bị sẵn nội dung về nguyên nhân, tác hại, cách phòng chống để nói chuyện với bà con trong buổi sinh hoạt buôn, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm phòng. Sợ bà con không nhớ, anh tự thu băng rồi nhờ một quán tạp hóa trước phân hiệu của Trường Tiểu học Y Jut phát hộ suốt hai tuần liền trước giờ vào học. Anh còn liên hệ với nhà trường để tập huấn cho các cô giáo kỹ năng phòng, chống bệnh sởi và rubella để tuyên truyền đến từng em học sinh. Nhờ vậy, tỉ lệ đi tiêm phòng của buôn đạt 100%.
Không chỉ làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh theo mùa cho bà con, y sĩ Bắc còn thường xuyên đến thăm hỏi, giúp đỡ những người già neo đơn. Từ ngày có phòng khám mới, có anh, bà con vui mừng lắm. Già làng Y Phưn (tên thường gọi là Ama Xí) tự hào: “Bộ đội tốt với người dân buôn mình lắm. Cậu ấy không chỉ khám, chữa bệnh miễn phí mà còn hướng dẫn bà con dọn dẹp vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, bảo vệ sức khỏe. Nhờ vậy, nhiều năm liền trên địa bàn không có dịch bệnh, đời sống bà con ngày càng được nâng cao”.
Trung úy Đặng Quang Bắc không chỉ nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của đơn vị, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Đắk Lắk mà còn được bình chọn là một trong 10 gương mặt Thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2015.