Ăn chậm, nhai kỹ
Ăn nhanh rất có hại cho sức khỏe, đặc biệt nếu nó còn đi kèm việc bạn ngồi lom khom vừa ăn vừa làm việc.
Theo nhà dinh dưỡng Shona Wilkinson (Mỹ), nguyên tắc ăn đúng là phải ngồi thẳng, nhai chậm. Ngồi thẳng khi ăn sẽ giúp tiêu hóa tốt hơn, tránh đầy bụng và khó chịu sau khi ăn. Ăn chậm giúp cơ thể có cơ hội giải phóng cholecystokinin (một loại hormone do tế bào ở đầu ruột non tiết ra để kích thích túi mật làm việc). Cholecystokinin được tiết ra là tín hiệu báo cho não biết ta đã no và ngừng ăn.
Nếu ta ăn quá nhanh, cơ thể sẽ không kịp giải phóng cholecystokinin và ta có thể sẽ ăn nhiều hơn mức cơ thể cần.
Bên cạnh đó, nhai thật kỹ giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn, giúp cơ thể hấp thu tốt chất dinh dưỡng có trong thực phẩm.
Ngược lại nhai và nuốt quá nhanh dễ khiến bụng đầy hơn vì các mẩu thực phẩm không được nhai kỹ sẽ khó được tiêu hóa và lên men trong ruột.
Nhiều người vì muốn tiết kiệm thời gian bữa trưa để làm việc, họ chọn ăn thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến vốn có nhiều bột đường, đường, muối, nhưng lại ít chất xơ, không có lợi cho sức khỏe. Chưa kể những bữa ăn nhanh này lại thường không giữ no lâu, người ăn sẽ cảm thấy đói vào khoảng 4h chiều, cảm thấy thiếu năng lượng làm việc, thậm chí còn bị hạ đường huyết, phải tìm tới kẹo bánh để cứu nguy.
Trong khi đó, nếu ăn một bữa ăn cân đối dưỡng chất vào bữa trưa, protein sẽ làm chậm lại quá trình thẩm thấu đường từ trong tinh bột vào máu, khiến người ăn no lâu và giữ năng lượng lâu hơn.
Những việc nên và không nên làm vào bữa trưa
- Không uống nước có chứa calorie trong bữa ăn, chỉ nên dùng nước lọc. Nên nhớ một ly nước ép trái cây cũng chứa lượng đường bằng lượng đường trong một chiếc bánh nướng Doughnut, đặc biệt các loại nước ngọt đóng chai thì càng không nên.
- Không ngồi ăn trước màn hình. Một nghiên cứu về dinh dưỡng của bác sĩ Connie Diekman (Mỹ) cho thấy chúng ta có xu hướng tiêu thụ nhiều calorie khi ăn trước màn hình máy tính hay xem tivi. Tốt nhất là nên dành ít nhất 20 phút cho bữa trưa, chỉ để ngồi và tập trung thưởng thức bữa ăn.
- Nên chọn mua những thức ăn vặt lành mạnh để trên bàn làm việc (như các loại quả hạch, trái cây như táo…) và ăn một ít chúng vào khoảng giữa bữa sáng và bữa trưa sẽ giúp bạn kiềm chế cơn thèm đồ béo và khó tiêu.
- Bỏ qua cữ café sáng. Caffeine sẽ khiến cơ thể sản sinh hormone gây căng thẳng cortissol và có thể sẽ dẫn bạn đến cơn thèm ngọt sau đó. Uống chỉ từ 1-2 tách café mỗi ngày. Lựa chọn tốt hơn là trà xanh vì nó giúp tăng cường chuyển hóa và chống oxy hóa rất tốt.
- Không uống trong khi ăn. Muốn uống nước, nên nhớ lời dặn dò quen thuộc của các nhà dinh dưỡng là: “Chỉ uống nước trước và sau bữa ăn ít nhất 5 phút.” Uống nước trong khi ăn sẽ làm chậm hoạt động của hệ thống tiêu hóa và gây đầy bụng.