Bị cáo Lê Văn Thức (bên trái) và Lê Tùng Lâm tại tòa. Ảnh: Hồng Hạnh. |
Trưa 30/3, phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo trong vụ giết người gây rúng động trên phố Láng Hạ vào tháng 9/2022 khép lại. Kẻ đâm chết tình địch lĩnh khung hình phạt cao nhất, còn người giúp sức cho anh ta phải vào tù.
Ở hàng ghế phía dưới, gia đình nạn nhân ôm theo di ảnh con trai, lặng lẽ chăm chú dõi theo phiên tòa. Mẹ nạn nhân phờ phạc, mắt đỏ hoe ôm chặt di ảnh con trai bước vào tòa. Người chồng thất thần, ánh mắt vô hồn đi bên cạnh. Nguyện vọng lớn nhất của họ là kẻ thủ ác phải nhận hình phạt thích đáng.
Vụ án từng gây sự chú ý rất lớn của dư luận xã hội vì hung thủ gây án manh động, liều lĩnh và nguyên nhân bắt nguồn từ mối quan hệ tay tư.
Nhát dao chí mạng
Các bị cáo hầu tòa gồm: Lê Văn Thức (SN 1993, trú xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) bị xét xử các tội danh Giết người và Bắt, giữ người trái pháp luật và bị cáo Lê Tùng Lâm (SN 1995, trú phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) bị xét xử về tội Bắt, giữ người trái pháp luật.
Theo hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, tháng 3/2019, thông qua mối quan hệ xã hội, Thức quen biết và nảy sinh tình cảm với chị Nguyễn Thị T. (SN 1993, trú huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) dù cả hai đã có gia đình. Thức và chị T. thuê trọ, sống với nhau như vợ chồng tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tháng 8/2022, Thức phát hiện chị T. có quan hệ tình cảm yêu đương với anh Nguyễn Quang Th. (SN 1995, trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Từ đây, Thức và T. xảy ra mâu thuẫn. Uất ức, Thức lên kế hoạch sát hại tình địch.
Khoảng 21h ngày 15/9/2022, Thức chuẩn bị con dao nhọn và nhờ anh rể là Nguyễn Minh Đức (SN 1983, trú tại Thái Nguyên) thuê xe taxi chở xuống Hà Nội, nhưng Thức không nói để đi tìm anh Th. Anh Đức gọi cho người quen là Lê Tùng Lâm để chở Thức từ Thái Nguyên xuống Hà Nội.
Anh Nguyễn Quang Th. bị đâm tử vong trên phố Láng Hạ. Ảnh: Đ.X. |
Khoảng 23h cùng ngày, Lâm lái ôtô chở Thức đến phố Nguyễn Thị Định (Hà Nội) thì nhìn thấy anh Th. điều khiển xe máy chở chị T. vào cửa hàng điện thoại di động. Chừng 20 phút sau, đôi trai gái này trở ra và đi theo tuyến đường Trần Duy Hưng - Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ. Thấy vậy, Thức bảo Lâm lái xe taxi bám theo phía sau.
Đến đường Láng Hạ, Thức yêu cầu Lâm vượt lên ép xe máy anh Th. vào bên phải đường nên Lâm tăng ga, đánh lái sang phải áp sát xe máy anh Th. Khi thấy anh Th. đi chậm, Thức mở cửa ôtô bên phải làm cánh cửa xe va vào xe máy của anh Th. khiến đôi tình nhân ngã xuống đường. Thừa cơ hội, Thức lao ra khỏi ôtô, cầm dao xông về phía anh Th. và vung dao đâm nhát vào đầu, nhát vào ngực trái của anh Th. Nạn nhân tử vong tại chỗ.
Sau đó, Thức dùng dao khống chế, kéo chị T. lên ghế sau xe taxi và bảo Lâm chở về TP Thái Nguyên. Trên đường đi, Thức liên tục cầm dao khống chế, đe dọa và đâm nhát vào cẳng chân phải chị T. Thức yêu cầu người tình đi sang Trung Quốc, nhưng chị T. không đồng ý. Sau đó. Thức gọi điện cho anh Đức kể việc đâm anh Th. và đang bắt giữ chị T. Anh Đức khuyên Thức bình tĩnh không được làm hại chị T. và hẹn đến cầu Gia Bảy, TP Thái Nguyên để nói chuyện.
Trong lúc chờ Thức đến, anh Đức đã báo công an. Ôtô của Lâm đến giữa cầu Gia Bảy thì dừng lại. Thấy anh Đức và vợ đang chờ, Thức vừa cầm dao đe dọa, vừa túm tóc chị T. lôi khỏi xe, còn Lâm lái xe bỏ đi. Vợ chồng anh Đức đi lại gần, thì Thức dọa không được, nếu không sẽ giết T. Lợi dụng sơ sở, chị T. vùng bỏ chạy nhưng đến đầu cầu thì bị Thức bắt lại, dùng dao đâm 6 nhát vào lưng, ngực, vai.
Tiếp đó, Thức yêu cầu vợ chồng anh Đức đưa Thức và chị T. đi khỏi cầu Gia Bảy. Thấy Thức hung hãn nên anh Đức lái xe đi loanh quanh Thái Nguyên. Đến khoảng 6h hôm sau, khi anh Đức chờ đổ xăng thì Công an tỉnh Thái Nguyên ập tới khống chế, bắt giữ Thức và giải cứu Chị T. Hậu quả, anh Th. tử vong vì mất máu do vết thương ở tim và vết thương sọ não. Chị T. sống sót nhưng bị tổn hại 20% sức khỏe.
Lời xin lỗi của kẻ thủ ác
Tại tòa, luật sư bào chữa cho Thức trình bày rằng anh ta không chủ ý xuống Hà Nội để tìm giết anh Th. mà muốn tìm T. nói chuyện. Thức là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật còn hạn chế, đồng thời là trụ cột trong gia đình, phải nuôi con nhỏ. Thức không có tình tiết tăng nặng, có 3 tình tiết giảm nhẹ nên bị đề nghị mức án ở khung cao nhất là chưa phù hợp. Luật sư đề nghị cho bị cáo được hưởng án chung thân.
Luật sư bào chữa còn lại không đồng ý với quan điểm của VKS cáo buộc Thức giết hai người, cho rằng Thức chỉ bắt giữ chị T. để nói chuyện. Trong vụ việc này, lỗi chính là của bị hại T, vì đã có chồng mà vẫn sống chung với Thức như vợ chồng. Ông cũng đề nghị HĐXX xem xét mức án chung thân với Thức là đủ tính răn đe.
Đối đáp lại, đại diện VKS khẳng định Thức có động cơ giết người ngay từ đầu, bị cáo không nói chuyện với tình nhân mà đâm luôn tình địch. Thức cũng đâm chị T. nhiều nhát vào vị trí trọng yếu nên xem xét hành vi giết nhiều người là phù hợp. Kiểm sát viên này nhận định hành vi của Thức không còn tính người nên cần loại bỏ khỏi xã hội.
Kết thúc phần tranh luận, Thức được HĐXX cho nói lời sau cùng. “Kính thưa HĐXX, bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, bị cáo xin chịu sự trừng phạt của pháp luật. Hôm nay, tại phiên tòa này, bị cáo xin được gửi lời xin lỗi đến tất cả người thân trong gia đình anh Th. Bị cáo cầu xin và hy vọng gia đình anh Th. rộng lòng tha thứ cho bị cáo. Bị cáo cũng gửi xin lỗi đến chị T., mong chị tha thứ cho lỗi lầm của bị cáo. Mong HĐXX cho bị cáo được hưởng mức án chung thân để có cơ hội trở về với gia đình, chăm sóc bố mẹ và con nhỏ”, Thức nói, gần suốt phiên tòa, anh ta cúi gằm mặt xuống đất.
Về phần Lâm, bị cáo cho biết đã nhận thức được sai lầm của mình, mong muốn HĐXX cho bị cáo hưởng án treo để trở về với gia đình và xã hội.
Trong lúc chờ HĐXX nghị án, mẹ nạn nhân Th. chia sẻ với Zing: “Vợ chồng tôi là công chức đã nghỉ hưu, con tôi là nhân viên ngân hàng, mất khi mới 27 tuổi đời. Cháu rất ngoan và có hiếu với bố mẹ, ở gia đình, lối xóm, cơ quan đoàn thể đều được thương quý. Thường ngày, cháu đi làm nhưng vẫn về ăn trưa với gia đình. Ngày định mệnh đó, đến cơ quan cháu mới biết phải đi công tác, rồi đi luôn không về. Nỗi đau này không biết bao giờ mới nguôi”,
“Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác. Bị cáo Thức cùng lúc phạm 2 tội, trong đó một tội đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo Lâm giúp sức cho bị cáo Thức thực hiện tội phạm. Các bị cáo đều nhận thức rõ hành vi của mình. Bị cáo Thức chỉ vì ghen tuông, xuất phát từ quan hệ bất chính. Bị cáo Lâm nhận thức rõ bản chất nghiêm trọng của vụ việc, nhưng vẫn cố tình giúp sức cho Thức, do vậy cần xét xử nghiêm minh để răn đe và giáo dục chung”, HĐXX đưa ra nhận định.
Thẩm phán nhận định đối với tội danh Bắt, giữ người trái pháp luật, bị cáo Thức có vai trò chủ mưu, trực tiếp, Lâm đóng vai trò giúp sức tích cực. Bị cáo Thức phạm 2 tội, đã thực hiện hành vi giết người một cách quyết liệt đối với nhiều người nên cần thiết phải loại bỏ vĩnh viễn khỏi xã hội. Bị cáo Lâm phạm tội ít nghiêm trọng nhưng phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên cần thiết áp dụng hình phạt tù nhất định.
Vì các lẽ trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Văn Thức mức án tử hình về tội Giết người, 30 tháng tù về tội Bắt, giữ người trái pháp luật, tổng hợp hình phạt là tử hình. Bị cáo Lê Tùng Lâm nhận mức án 18 tháng tù giam về tội Bắt, giữ người trái pháp luật.
Về trách nhiệm dân sự, Lê Văn Thức phải bồi thường số tiền cho gia đình anh Th. gồm: tiền mai táng hơn 156 triệu, tổn thất tinh thần 149 triệu đồng và cấp dưỡng 2 triệu đồng/người/tháng cho bố mẹ anh Th.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…