Số lượng người di cư ròng đến Anh đạt mức kỷ lục trong năm 2023. Ảnh: Pexels. |
Ông James Cleverly - Bộ trưởng Nội vụ Anh - tuyên bố hành vi sinh viên nước ngoài mang theo gia đình sang Anh sẽ chấm dứt thông qua các hạn chế mới trên visa du học, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1.
Lệnh cấm này áp dụng cho hầu hết sinh viên quốc tế, trừ những người theo học chương trình nghiên cứu sau đại học và những người nhận học bổng do Chính phủ tài trợ.
Trước đó, tháng 5/2023, người tiền nhiệm là bà Suella Braverman đã công bố các biện pháp này, ngay trước khi các số liệu chính thức được công bố vào tháng 6 cho thấy mức di cư ròng đạt 672.000 người.
Biện pháp mạnh
"Kể từ ngày 1/1, phần lớn sinh viên quốc tế không thể đưa người thân đến Vương quốc Anh", Thủ tướng Rishi Sunak viết trên Twitter.
Lãnh đạo đảng Bảo thủ cho biết tuyên bố này cho thấy chính phủ "đang thực hiện những điều người dân Anh mong đợi" trong năm 2024.
Bộ trưởng James Cleverly cũng lên tiếng ủng hộ, cho biết Chính phủ đang thực hiện cam kết cắt giảm di cư đối với người dân Anh.
"Chúng tôi đã vạch ra một kế hoạch mạnh mẽ để nhanh chóng giảm số lượng nhập cư, kiểm soát biên giới và ngăn chặn những người lợi dụng hệ thống nhập cư của chúng tôi. Kế hoạch này sẽ có hiệu lực trong suốt năm nay.
Ngày 1/1, một phần quan trọng của kế hoạch đó đã được thực hiện, chấm dứt việc sinh viên nước ngoài có thể đưa gia đình đến Anh. Điều này sẽ khiến làn sóng di cư giảm nhanh chóng (hàng chục nghìn người), góp phần vào chiến lược tổng thể của chúng tôi nhằm ngăn chặn 300.000 người đến Vương quốc Anh", ông James Cleverly nói.
Bộ trưởng Di trú Anh Tom Pursglove cũng đưa ra tuyên bố về việc siết chặt chính sách visa người phụ thuộc của sinh viên quốc tế.
Ông thừa nhận các trường đại học Anh thu hút những sinh viên xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới.
"Tuy nhiên, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về số lượng người phụ thuộc do du học sinh mang theo, điều này đang góp phần vào mức di cư không bền vững", ông Tom Pursglove nhận định.
Theo số liệu được Cục Thống kê Quốc gia Anh công bố mới đây, tính đến tháng 12/2022, mức di cư ròng của Vương quốc Anh đã đạt kỷ lục 745.000 người.
Trước đó, tháng 12/2023, Bộ trưởng Nội vụ James Cleverly đã công bố một loạt biện pháp hạn chế di cư, tuyên bố sẽ giảm 300.000 người nhập cư mỗi năm. Trong đó, đáng chú ý là việc tăng ngưỡng lương tối thiểu để bảo lãnh vợ/chồng nước ngoài lên tới 38.700 bảng Anh (khoảng 1,2 tỷ đồng).
Quyết định này vấp phải nhiều chỉ trích vì nguy cơ chia rẽ gia đình. Nhiều người lo lắng về tương lai của họ khi chính phủ vẫn đang cân nhắc chi tiết chính sách.
Sau đó, Chính phủ đã lùi bước bằng cách tuyên bố nâng mức lương tối thiểu lên 29.000 bảng rồi từng bước tăng dần cho đến mùa xuân năm 2025. Quyết định này lại châm ngòi phẫn nộ đối với các nghị sĩ phe cánh hữu trong đảng Bảo thủ - vốn ủng hộ các biện pháp kiểm soát di cư mạnh mẽ hơn.
Bộ Nội vụ khẳng định biện pháp mới là một cách tiếp cận "mạnh mẽ nhưng công bằng", nhấn mạnh việc thay đổi visa sinh viên cân bằng giữa "thu hút những sinh viên xuất sắc" đến Anh và "loại bỏ khả năng các trường đại học phá hoại danh tiếng Vương quốc Anh bằng cách bán visa thay vì giáo dục".
Khuôn viên Đại học Oxford (Anh). Ảnh: Britannica. |
Tác dụng ngược
Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế nhập cư đã gây lo ngại cho các trường đại học, nhất là các trường vốn phụ thuộc vào học phí của sinh viên quốc tế. Ngoài ra, chính sách này cũng có thể khiến Anh kém hấp dẫn hơn đối với sinh viên quốc tế tài năng, ảnh hưởng đến sự đa dạng và chất lượng giáo dục của đất nước.
Ông Nick Hillman, Giám đốc Viện Chính sách Giáo dục Đại học (Hepi), cho rằng chính sách mới có thể khiến sinh viên quốc tế chuyển hướng sang các quốc gia khác.
"Sinh viên quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho Vương quốc Anh theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, họ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chất lượng hàng đầu thế giới của các trường đại học. Học phí của họ hỗ trợ cho việc giảng dạy cho sinh viên trong nước và hoạt động nghiên cứu.
Tôi không ủng hộ những thay đổi mới và kêu gọi các bộ trưởng theo dõi sát sao các quốc gia đang tìm cách thu hút những sinh viên vốn dĩ sẽ đến Anh", ông Nick Hillman nói.
Trong khi đó, đảng Lao động bày tỏ sự ủng hộ với những biện pháp hạn chế, nhưng cho rằng những biện pháp này chưa đủ để giải quyết những vấn đề cốt lõi của thị trường lao động Anh.
"Đảng Lao động ủng hộ việc hạn chế visa người phụ thuộc cho du học sinh theo các khóa học ngắn hạn. Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp tạm thời. Chính phủ hoàn toàn thất bại trong việc giải quyết các vấn đề kỹ năng và thị trường lao động, điều này cản trở tăng trưởng kinh tế và đồng thời làm gia tăng di cư", bà Yvette Cooper, Thư ký Nội vụ của đảng Lao động, nhận định.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.