Sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp cả trong và ngoài nước đang gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Ảnh: Pexels. |
Năm tới, Emma Li (26 tuổi) sẽ tốt nghiệp một trong những trường kinh doanh hàng đầu ở châu Âu. Thế nhưng, ngay trong "mùa vàng" tuyển dụng ở Trung Quốc, Li vẫn phải chật vật để tìm kiếm công việc đáp ứng kỳ vọng của mình.
Kể từ tháng 8, Li đã rải 300 đơn xin việc tới các công ty ở Trung Quốc nhưng chỉ trải qua 4 cuộc phỏng vấn. Đôi khi, cô cũng bỏ lỡ các cuộc gọi tuyển dụng do chênh lệch múi giờ.
Cạnh tranh khốc liệt
Nói với SCMP, Li cho biết cô cũng gặp bất lợi khi hầu hết công ty mà cô ứng tuyển không còn chấp nhận phỏng vấn trực tuyến. Sau khi các hạn chế trong đại dịch được dỡ bỏ, giờ đây, các doanh nghiệp thích đánh giá ứng viên qua các cuộc gặp trực tiếp hơn.
“Bằng đại học đã mất giá ở Trung Quốc. Trong khi đó, ngay cả những công việc đơn giản, các doanh nghiệp cũng đặt ra yêu cầu cao đối với sinh viên mới tốt nghiệp", Li nói.
Không chỉ đối mặt với sự sụt giảm giá trị bằng cấp, Li còn phải cạnh tranh với lượng sinh viên tốt nghiệp trong nước cao kỷ lục.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, dự kiến số lượng sinh viên tốt nghiệp năm 2024 đạt 11,79 triệu, tăng 210.000 người so với năm 2023.
Tất cả họ đều đang chen nhau tìm kiếm việc làm trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm chạp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc (16-24 tuổi) tiếp tục duy trì ở mức cao, lên tới 21,3% vào hồi tháng 6, trước khi Bắc Kinh dừng công bố dữ liệu.
"Tình trạng khó tìm kiếm việc làm của sinh viên tốt nghiệp trong nước chắc chắn sẽ lan sang cả du học sinh", ông Peng Peng, Chủ tịch Viện nghiên cứu Cải cách xã hội Quảng Đông, nhận định.
Trước đây, Li không hề nghĩ đến việc quay về Trung Quốc làm việc. Đến tận cuối năm 3, cô mới quyết định về nước với lý do gia đình. Với mong muốn tìm công việc lý tưởng hơn, nữ sinh cho hay cô sẽ tiếp tục rải CV trong mùa tuyển dụng tới.
"Thật ra, tôi từng nhận lời mời, nhưng nó chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu. Nếu không tìm được lựa chọn tốt hơn vào mùa tuyển dụng tới, tôi đành chấp nhận công việc đó", Li chia sẻ.
Không riêng Li, ngay cả những sinh viên tham gia các chương trình ngắn hạn ở nước ngoài cũng cho rằng triển vọng nghề nghiệp ở Trung Quốc vẫn tốt hơn. Vì vậy, họ lựa chọn quay về khi kết thúc việc học.
Theo SCMP, những chương trình học ngắn hạn thường không đủ thời gian để sinh viên quốc tế xây dựng các mối quan hệ và tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Chưa kể, chính sách nhập cư khắt khe hơn ở các quốc gia như Mỹ, Anh càng khiến con đường sự nghiệp của sinh viên Trung Quốc trở nên chông chênh.
Eva Tsai, sinh viên chuyên ngành Marketing tại Mỹ, quyết định tận dụng mối quan hệ của gia đình ở Trung Quốc để tìm kiếm một công việc triển vọng hơn, thay vì phải cạnh tranh với người bản địa trong bối cảnh làn sóng sa thải lan rộng.
Chương trình thạc sĩ kéo dài một năm mà Tsai đang theo học không cung cấp chương trình thực tập tùy chọn (OPT) - cho phép du học sinh được đi làm hợp pháp với hình thức toàn thời gian hoặc bán thời gian tại các công ty của Mỹ có liên quan đến ngành học của bản thân. Điều này khiến Tsai gần như không thể tìm được việc làm ở Mỹ sau khi tốt nghiệp.
Bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt, Tsai vẫn muốn làm việc ở Trung Quốc. Cô cho rằng cơ hội việc làm tại đại lục cao hơn khi tập trung các công ty quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, lạm phát, mức lương trì trệ cũng như số lượng việc làm hạn chế ở Trung Quốc là mối lo ngại đối với Tsai.
Một hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Thay đổi quan điểm
Những năm qua, các tập đoàn công nghệ và các công ty đa quốc gia là lựa chọn hàng đầu của du học sinh Trung Quốc. Tuy nhiên, nền kinh tế đang phục hồi chậm chạp, kèm theo đó là sự bất ổn của khu vực tư nhân đã khiến quan điểm của du học sinh thay đổi.
Theo đó, thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài đang chú ý đến những công việc ổn định trong các doanh nghiệp nhà nước và cơ quan chính phủ - những vị trí vốn được coi là "bát cơm sắt", ổn định và phúc lợi hậu hĩnh.
Theo một khảo sát của Zhaopin, nền tảng tuyển dụng lớn của Trung Quốc, cho thấy vào năm 2022, 38,8% sinh viên có bằng thạc sĩ tại nước ngoài mong muốn làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước. Con số này tăng 9% so với năm 2021.
Ngoài ra, tỷ lệ mong muốn trở thành công chức nhà nước cũng ở mức đáng kể, khoảng 21%.
Emma Li cho biết hầu hết bạn bè cô quay về Trung Quốc đều chọn đầu quân cho các doanh nghiệp nhà nước và cơ quan chính phủ. Nguyên do là gia đình họ có tiềm lực tài chính vững chắc, cộng thêm có mối quan hệ thuận lợi.
Sự quan tâm của sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài đối với công việc nhà nước phản ánh mong muốn về con đường sự nghiệp ổn định, lâu dài.
Theo khảo sát, năm 2022, 74,4% sinh viên cho rằng "cơn sốt thi công chức" sẽ xuất hiện trong cộng đồng du học sinh, tăng cao so với mức 59% của năm 2021.
Chính quyền địa phương cũng không đứng ngoài cuộc. Tháng 9 vừa qua, Thượng Hải mở rộng chương trình đào tạo cán bộ công chức "tuyển chọn mục tiêu" cho sinh viên tốt nghiệp từ 73 trường đại học nước ngoài uy tín.
Ngay sau đó, Bắc Kinh cũng theo chân, mở rộng chương trình tương tự cho sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp từ 100 trường đại học hàng đầu thế giới theo Bảng xếp hạng Đại học Thế giới ShanghaiRanking 2023.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.