Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Không tìm được việc, tân cử nhân về quê ‘sống tạm’

Thị trường lao động bất ổn, việc làm khó kiếm, T.L. chấp nhận về quê. Trong khi đó, Nguyễn Quân làm tạm công việc trái ngành.

Cơ hội nghề nghiệp dành cho các nhân sự mới ra trường ít hơn trong thời điểm hiện tại. Ảnh: Pexels.

“Mình thất nghiệp gần nửa năm, về quê cũng được 4 tháng rồi. Về quê thì đỡ được tiền thuê nhà đắt đỏ nhưng tinh thần xuống dốc trầm trọng. Ngoài đi làm, mình không muốn tiếp xúc với ai”.

Đó là chia sẻ của T. L. (sinh năm 2001), tân cử nhân của một trường đại học tại Hà Nội.

L. không phải trường hợp duy nhất chấp nhận về quê sống tạm. Trước thị trường lao động bất ổn, nhiều tân cử nhân khó khăn khi tìm kiếm việc làm, họ buộc nghỉ Tết sớm và rời thành phố hoặc làm tạm công việc nào đó.

Chấp nhận về quê hoặc làm tạm

T.L. tốt nghiệp ngành Marketing tại một trường đại học ở Hà Nội. Từ trước khi tốt nghiệp hồi tháng 6, L. đã bắt đầu rải hồ sơ tìm việc.

Hiểu rõ việc bản thân mới ra trường nên kinh nghiệm còn thiếu, CV cũng không quá nổi bật, L. không đòi hỏi cao khi tìm việc. Thậm chí, cô nộp hồ sơ vào cả những vị trí có mức lương thấp hơn kỳ vọng, chỉ 7-10 triệu đồng.

Dù đã hạ tiêu chuẩn hết mức có thể, L. vẫn không tìm được việc vì các công ty hiện nay đều chỉ muốn tuyển nhân sự có ít nhất một năm kinh nghiệm.

Thất nghiệp, công việc tự do lại chỉ đủ để trả tiền nhà, L. đành phải thanh lý hợp đồng thuê trọ rồi chuyển về quê sống với bố mẹ.

Cầm bằng đại học về quê, nhiều lần, L. cũng cảm thấy có lỗi với bố mẹ, xấu hổ với hàng xóm nhưng đành chịu vì không thể trụ nổi ở Hà Nội nếu thiếu việc làm.

May mắn là khi về nhà, L. được người quen giới thiệu làm nhân viên sale ở một công ty tại địa phương. L. được trả mức lương 7 triệu đồng, so với mặt bằng chung ở quê thì khá ổn, không quá thấp, cô có thêm chút thu nhập phụ giúp gia đình.

Nhưng dù vậy, nhiều lúc, L. vẫn cảm thấy mặc cảm, tự ti, thậm chí hoài nghi về năng lực của bản thân. Bố mẹ nhiều lần động viên, L. vẫn sa sút tinh thần.

“Bây giờ, thị trường việc làm khó khăn, mình cũng đành làm tạm để lấy kinh nghiệm với có thêm thu nhập. Chờ đến khi thị trường ổn trở lại, mình sẽ quay lại Hà Nội để tìm việc chứ không thể ở quê mãi được”, cô gái nói.

Nguyễn Quân (tân cử nhân Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng chật vật vì khó tìm việc sau khi ra trường. Nhưng khác với T.L., Quân không chọn về quê nghỉ Tết sớm, cậu quyết định làm tạm công việc trái ngành học, đợi đến “mùa" thị trường ổn định.

Sau khi nhận bằng vào tháng 8, Quân gửi hàng chục CV đi nhiều nơi nhưng ít có hồi đáp. Một số nơi liên hệ phỏng vấn, cậu lại không vượt qua.

“Rà lại các công ty trong lĩnh vực mình theo đuổi, mình thấy ít doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự mới ra trường trong năm nay. Đa phần, họ tuyển người có kinh nghiệm 2-3 năm, mình khó mà đáp ứng dù đã trải qua nhiều tháng thực tập trước đó", Quân chia sẻ.

Sau gần 2 tháng không tìm được việc, Quân căng thẳng, thay đổi chiến lược, gửi CV vào các vị trí trái ngành học, chấp nhận mức lương thấp hơn so với yêu cầu. Từng có kinh nghiệm đi làm thêm hồi sinh viên, cậu trúng tuyển vào bộ phận hành chính nhân sự của một công ty mới thành lập.

“Tháng 10, mình bắt đầu làm ở đây, thu nhập vừa đủ chi tiêu. Thời gian này, mình vẫn theo dõi tình hình thị trường lao động, chờ ra Tết sẽ tiếp tục gửi CV. Có lẽ khi đó, cơ hội việc làm sẽ nhiều hơn so với cuối năm", Quân cho biết cậu cũng tranh thủ học thêm các kỹ năng bổ trợ như ngoại ngữ để tăng khả năng cạnh tranh sau này.

cu nhan tim viec anh 1

Đối với người lao động mới ra trường, tỷ lệ có việc làm khắt khe hơn so với bình thường. Ảnh: Pexels.

Cân nhắc kỹ càng

Trao đổi với Tri thức - Znews, bà Phạm Thị Hoài Linh - Giám đốc Nhân sự, Navigos Group - đánh giá năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trở nên khó khăn, việc tuyển dụng ở tất cả trình độ của các doanh nghiệp đều chậm lại.

Đối với người lao động mới ra trường, tỷ lệ có việc làm thấp hơn so với bình thường.

“Các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển các vị trí dành cho sinh viên mới tốt nghiệp. Tuy nhiên, các bạn sẽ phải cạnh tranh với nhiều ứng viên hơn trong cùng một vị trí việc làm”, bà Linh cho hay.

Giám đốc Nhân sự Navigos Group đánh giá trong giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên tìm những nhân sự có thể vào việc nhanh chóng để cắt giảm thời gian và chi phí đào tạo.

Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp dành cho các nhân sự mới ra trường và chuẩn bị ra trường hiện nay chịu ảnh hưởng khá lớn. Đây cũng được xem là một thiệt thòi và thử thách đối với thế hệ này.

“Tuy nhiên, nếu biết tận dụng giai đoạn này để trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết, các bạn cũng sẽ tăng cạnh tranh và gặp nhiều cơ hội hơn”, bà Linh cho hay.

Trước việc nhân sự trẻ bỏ phố về quê hoặc chấp nhận làm tạm, bà Linh đánh giá điều này không có gì lạ ở thời điểm khó khăn hiện tại.

“Làn sóng bỏ phố về quê đã diễn ra từ khoảng 1-2 năm trước, khi người lao động có xu hướng quan tâm hơn về sức khỏe tinh thần, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cũng như giá trị mà công việc mình làm mang lại cho xã hội hơn”, bà Linh thông tin thêm.

Tuy nhiên, giám đốc Nhân sự Navigos Group khuyên ở giai đoạn này, bất kể lựa chọn làm tạm hay về quê nghỉ Tết sớm, người lao động cũng nên cân nhắc kỹ càng và có kế hoạch dự phòng. Điều này càng quan trọng hơn với sinh viên mới ra trường.

“Các bạn cần có một cái nhìn đầy đủ về bức tranh thị trường, cũng như cân nhắc mức độ lợi và hại của từng quyết định đối với tình hình hiện tại của mình”, bà Linh khuyên.

Theo đó, nếu lựa chọn làm tạm công việc khác, bà Linh cho rằng người lao động nên ưu tiên những công việc hỗ trợ phát triển các kỹ năng liên quan cho sự nghiệp lâu dài.

Nếu lựa chọn về quê nghỉ Tết sớm, đây cũng là cơ hội tốt nếu người lao động biết tận dụng thời gian này để học hỏi, trau dồi kỹ năng, nhằm tăng khả năng cạnh tranh khi quay lại thị trường lao động.

“Nếu may mắn, người lao động có thể tìm được công việc phù hợp để phát triển ngay tại quê nhà”, bà Linh nói thêm.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Ra trường 3 tháng, rải 30 bộ hồ sơ vẫn chưa tìm được việc

"Trong hơn 30 doanh nghiệp mình ứng tuyển, mình chỉ nhận được 6 phản hồi và 2 nơi nhận phỏng vấn. Càng về cuối năm, cơ hội tìm việc lại càng khó khăn hơn", Lê Vy chia sẻ.

Ngọc Bích - Thái An

Bạn có thể quan tâm