Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Những sinh viên tốt nghiệp sớm nhưng chưa muốn kiếm việc

Nhiều sinh viên dự kiến tốt nghiệp sớm ngay đầu năm 2024. Nhưng trước tình hình việc làm khó khăn, một số em quyết định chưa tìm việc luôn, dành thời gian để trau dồi thêm.

Sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp phải đối mặt với thị trường việc làm đầy biến động. Ảnh: Pexels.

Cuối tháng 11, Thanh Nhàn (sinh năm 2002) bảo vệ khóa luận tốt nghiệp thành công, hoàn thành chương trình ngành Kinh tế đầu tư, Đại học Kinh tế Quốc dân. So với các bạn cùng khóa, Nhàn học xong sớm một kỳ.

Thế nhưng, thay vì đi làm luôn như dự định ban đầu, Nhàn quyết định đợi đến tháng 3/2024 mới bắt tay vào tìm kiếm công việc chính thức.

“Với tình hình tuyển dụng khó khăn như hiện tại, mình tự thấy năng lực của bản thân chưa đủ cạnh tranh nên quyết định đi chậm lại vài tháng để trau dồi thêm", Nhàn nói.

Chưa ra trường vẫn lo thất nghiệp

Gửi hàng chục CV đi khắp nơi nhưng rất ít phản hồi là những gì Thanh Nhàn phải đối mặt trong suốt 3 tháng tìm nơi thực tập đúng chuyên ngành.

Nữ sinh cho biết một phần lý do liên quan đến tính chất ngành học. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế đầu tư thường ưu tiên tuyển người có kinh nghiệm, làm được việc luôn thay vì thực tập sinh.

“Ngoài ra, mình cũng nhận thấy với tình hình suy thoái kinh tế, ít doanh nghiệp đầu tư phát triển thêm, từ đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ở lĩnh vực mình theo học cũng hạn chế", Nhàn cho hay.

May mắn, do có thành tích học tập tốt, cuối cùng, Nhàn được khoa hỗ trợ giới thiệu thực tập tại Cục Kinh tế Hợp tác thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dù vậy, nữ sinh vẫn rất lo lắng cơ hội việc làm sau khi ra trường.

“Nếu đúng dự đoán, mình sẽ tốt nghiệp bằng xuất sắc, biết ngoại ngữ, có kinh nghiệm thực tập, nhưng với tình hình hiện tại, những điều trên có thể sẽ không là lợi thế", Nhàn chia sẻ.

Tương tự, Như Ngọc (sinh viên năm cuối, Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng rơi vào tình cảnh giống Thanh Nhàn.

Suốt từ cuối năm 2022, Ngọc gửi CV đến nhiều doanh nghiệp để ứng tuyển vị trí thực tập sinh truyền thông nhưng đa phần không có phản hồi.

Tháng 12, Ngọc sẽ hoàn thành chương trình học và xét tốt nghiệp. Thế nhưng, nữ sinh cũng không mấy phấn khởi khi ra trường sớm bởi áp lực tìm việc ngày càng lớn. Ngọc sợ sẽ thất nghiệp.

“Mình cứ nghĩ ra trường sớm sẽ được đi làm sớm, tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn. Nhưng bây giờ, sinh viên mới ra trường phải cạnh tranh với cả những người nhảy việc. Cơ hội cho chúng mình ngày càng hẹp", Ngọc chia sẻ.

sinh vien tot nghiep anh 1

Như Ngọc sợ thất nghiệp ngay khi vừa ra trường. Ảnh: NVCC.

Bao giờ thị trường lao động mới ổn định?

Trao đổi với Tri thức - Znews, Phạm Thị Hoài Linh - Giám đốc Nhân sự, Navigos Group - đánh giá năm 2023, biến động kinh tế xảy ra trên toàn cầu, làm cho triển vọng của thị trường lao động toàn thế giới bếp bênh. Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng.

Điều này dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong bối cảnh đó, không chỉ sinh viên chuẩn bị ra trường hay cử nhân mới tốt nghiệp, người lao động có kinh nghiệm vẫn khó có công việc phù hợp.

Báo cáo thị trường lao động quý 3 tại TP.HCM đã chỉ ra nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đối với nhóm lao động trình độ đại học là 15.984 chỗ làm, chiếm 22,8%. Trong khi đó, có tới 24.854 người có trình độ đại học trở lên có nhu cầu tìm việc.

“Như vậy, có sự chênh lệch lớn giữa số lượng ứng viên có nhu cầu tìm việc và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đối với nhóm lao động mới ra trường”, bà Linh đánh giá.

Theo giám đốc nhân sự Navigos Group, thị trường lao động có tín hiệu cho thấy đang trên đà hồi phục, nhưng chưa thực sự bền vững do còn nhiều thách thức ảnh hưởng đến nhu cầu tuyển dụng.

Trong một năm tới, các doanh nghiệp vẫn sẽ tuyển dụng thêm nhân sự nhưng quy mô không lớn, chỉ dưới 25%.

Tuy nhiên, nhóm người lao động đã có 1-3 năm kinh nghiệm (nhưng chưa phải cấp độ quản lý) sẽ được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhiều nhất, tiếp đó mới là nhóm ứng viên mới tốt nghiệp và quản lý bộ phận. Nhu cầu tuyển thấp nhất dành cho vị trí thực tập sinh và giám đốc.

“Các doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều hơn vào chất lượng tuyển dụng với yêu cầu khắt khe hơn, ưu tiên các ứng viên đa nhiệm và có kinh nghiệm cao trong thời gian tới”, bà Linh nói.

sinh vien tot nghiep anh 2

Thanh Nhàn quyết định đi chậm lại để chờ thị trường ổn định hơn. Ảnh: NVCC.

Sinh viên nên làm gì?

Trước tình hình trên, Thanh Nhàn quyết định đi chậm lại để chờ thị trường việc làm ổn định hơn, cũng là để có thời gian làm dày CV. Nữ sinh không đi tìm việc ngay, thay vào đó, cô tập trung học thêm ngoại ngữ thứ 2 và tham gia các khóa đào tạo chuyên môn.

“Mình cảm thấy nếu cứ lao vào tìm việc rồi thất bại, bản thân sẽ tiêu cực hơn. Vậy nên, mình chọn lối đi khác, coi như có 3 tháng nghỉ ngơi và trau dồi thêm năng lực, tăng khả năng cạnh tranh sau này. Ngoài ra, mình cũng nghĩ sau Tết, cơ hội việc làm sẽ nhiều hơn hiện tại", Nhàn nhận định.

Tương tự, Như Ngọc cũng chọn cách trau dồi ngoại ngữ và kỹ năng thiết yếu, sẵn sàng cho mùa tuyển dụng sau Tết. Tuy nhiên, hiện tại, nữ sinh vẫn tiếp tục gửi CV vì cho rằng có việc làm sớm vẫn tốt hơn.

Đưa ra lời khuyên, giám đốc nhân sự Navigos Group cho hay sinh viên chuẩn bị ra trường và các tân cử nhân cần chuẩn bị tâm thế tốt nhất khi tình hình kinh tế thị trường bình ổn và phát triển trở lại, cũng như đáp ứng yêu cầu tuyển dụng thời đại mới.

“Các bạn sinh viên nên tận dụng tìm kiếm cơ hội việc làm từ nhiều nguồn tuyển dụng khác nhau, đặc biệt là các trang tuyển dụng trực tuyến, thông qua những chương trình định hướng, ngày hội việc làm của trường hoặc mở rộng mối quan hệ cá nhân với các chuyên gia tuyển dụng”, bà Linh đưa ra lời khuyên.

Bên cạnh đó, để tăng cơ hội trúng tuyển, các em cần chủ động học hỏi các kỹ năng như giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, ngoại ngữ, thích ứng với thay đổi… Đây là những kỹ năng cần thiết mà nhà tuyển dụng đang ưu tiên tìm kiếm ở ứng viên.

Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ, bà Linh khuyên ứng viên nên nắm bắt các xu hướng làm việc mới như làm việc linh động, làm việc từ xa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc.

“Ứng dụng AI vào công việc đang ngày càng được chú trọng bởi khả năng giúp nâng cao năng suất lao động. Để tăng cạnh tranh trên thị trường, ứng viên nên nắm bắt xu hướng làm việc này", bà Linh nói thêm.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Ra trường 3 tháng, rải 30 bộ hồ sơ vẫn chưa tìm được việc

"Trong hơn 30 doanh nghiệp mình ứng tuyển, mình chỉ nhận được 6 phản hồi và 2 nơi nhận phỏng vấn. Càng về cuối năm, cơ hội tìm việc lại càng khó khăn hơn", Lê Vy chia sẻ.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm