Sinh viên mới ra trường chật vật vì nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng không được tuyển. Ảnh: Pexels. |
Đã hơn 3 tháng kể từ ngày gửi chiếc CV đầu tiên, Lê Vy (sinh năm 2001) vẫn chưa tìm được công việc chính thức.
“Năm nay khó khăn quá! Chưa bao giờ mình nghĩ bản thân lại thất nghiệp sau khi ra trường. Vậy mà…”, Vy chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Không riêng Vy, khó khăn trong tìm kiếm việc làm cũng là tình trạng chung của nhiều tân cử nhân tốt nghiệp năm nay, thậm chí với cả những người đã tốt nghiệp vài năm.
Tìm việc trong vô vọng
Lê Vy là tân cử nhân Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM). Hoàn thành bằng cấp vào cuối tháng 8, Vy bắt đầu cập nhật CV và gửi đi vào đầu tháng 9.
“Chủ yếu mình rải CV trên các trang web tuyển dụng. Ngoài ra, mình cũng chủ động gửi CV đến các doanh nghiệp cũng như nhờ người quen giới thiệu. Thế nhưng, trong hơn 30 doanh nghiệp, mình chỉ nhận được 6 phản hồi và 2 nơi nhận phỏng vấn. Càng về cuối năm, cơ hội tìm việc lại càng khó khăn hơn", Vy chia sẻ.
Ra trường đúng thời điểm thị trường nhiều biến động trước làn sóng sa thải toàn cầu, Vy ít nhiều có sự chuẩn bị tâm lý khi tìm việc. Thế nhưng, hơn 3 tháng, Vy cứ trầy trật, mãi không tìm được công việc phù hợp dù cô đã có kinh nghiệm làm part-time 2 năm ở vị trí liên quan. Cô cũng có khả năng ngoại ngữ, thiết kế hình ảnh, dựng video, thành thạo Microsoft Office.
“Một số vị trí mình rất tự tin khi gửi CV, ai dè không hồi âm. Mình tìm hiểu thì biết đa số doanh nghiệp yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm 1-3 năm. Với những người mới ra trường như mình, dù có kinh nghiệm từ việc làm thêm cũng khó cạnh tranh với các anh chị đã đi làm 1-2 năm nhưng nhảy việc", Vy phân tích.
A. D. rải hồ sơ liên tục nhưng chỉ 5-6 công ty gọi đi phỏng vấn. Ảnh: NVCC. |
A.D. (sinh năm 2000) cũng là trường hợp tìm việc trầy trật giống Lê Vy. Cuối năm 2022, D. tốt nghiệp một trường đại học ở TP.HCM. Từ sau Tết Nguyên đán năm 2023, cô bắt đầu rải hồ sơ tìm công việc toàn thời gian liên quan lĩnh vực quản trị nhân sự.
Tâm sự với Tri Thức - Znews, A. D. cho biết từ Tết đến nay, cô đã rải 30 bộ hồ sơ đến các công ty trên địa bàn TP.HCM nhưng chỉ 5-6 công ty phản hồi và mời đi phỏng vấn. Con số này chưa tính đến lượng hồ sơ cô đã rải từ trước Tết để ứng tuyển vị trí thực tập sinh.
Được mời đi phỏng vấn là một chuyện, trúng tuyển hay không lại là chuyện khác. Dù đã đi phỏng vấn 5-6 chỗ, D. vẫn chưa tìm được việc.
Định hướng làm việc trong lĩnh vực nhân sự nên A.D. cũng phần nào có sự quan sát về thị trường lao động trong năm 2023. Nhìn chung, D. nhận thấy cơ hội việc làm cho những sinh viên mới ra trường như cô không mấy khả quan.
“Các công ty hiện nay bắt đầu ‘co nhỏ’ quy mô nhân sự nên mỗi khi tuyển dụng, họ chú trọng tuyển người thực sự nổi bật để mang lại giá trị cho công ty. Những sinh viên mới ra trường, thiếu kinh nghiệm như mình lại không còn cơ hội”, D. tâm sự.
Hoài nghi bản thân
Mất gần một năm tìm việc nhưng không thành, A.D. căng thẳng đến mức nghi ngờ năng lực của bản thân. Mỗi lần apply tìm việc thất bại, cô lại buồn đến mức không làm được gì. Cả ngày cô chỉ nằm trong phòng, nhiều lúc suy nghĩ cực đoan đến mức bật khóc.
May mắn là trong thời gian tìm việc toàn thời gian, cô nhận được một số công việc tự do để thanh toán các khoản phí sinh hoạt.
Lê Vy cũng không khác A. D. là mấy. Ba tháng không tìm được việc, cô bắt đầu chán nản, áp lực và hoài nghi về bản thân.
“Mình tự hỏi bản thân tệ lắm hay sao mà lại thất nghiệp. Một tuần có 7 ngày mà mình buồn, chán nản đến 2-3 ngày. Mình cũng ngại đi cà phê hay gặp gỡ bạn bè vì các bạn có việc rồi còn mình thì chưa", Vy chia sẻ.
Không tìm được việc ổn định, nhiều dự định của Vy cũng đổ vỡ. Từ việc háo hức ra trường sẽ có thu nhập biếu ba mẹ dịp Tết năm nay, bây giờ, Vy lại tự cho mình là gánh nặng của gia đình.
Nhiều cử nhân trẻ chọn cách trau dồi kỹ năng để làm đẹp hồ sơ việc làm. Ảnh: Pexels. |
Hạ thấp tiêu chuẩn để tìm việc
Vy nhớ lại hồi tháng 9, khi mới gửi CV, bản thân cô cũng có phần tự cao, không sợ thất nghiệp. Thế nhưng, sau 2 tháng không có kết quả, cô cũng tự nhìn nhận lại năng lực với thị trường và hạ bớt tiêu chuẩn.
Không còn kỳ vọng nhiều vào các công ty lớn có tên tuổi với mức lương cao, Vy đặt mục tiêu vào các công ty nhỏ hơn, phù hợp với định hướng cá nhân và đảm bảo đãi ngộ.
Cô cũng xốc lại tinh thần, tranh thủ thời gian này học thêm các kỹ năng cần thiết thay vì làm tạm công việc nào đó rồi ra Tết nhảy việc - điều này vừa tốn thời gian của bản thân và cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
“May mắn, mình vẫn cộng tác viết lách cho một số đơn vị nên vẫn có thu nhập dù không nhiều", Vy nói.
Tương tự, hiểu rõ tình hình hiện tại, A. D. không dám đặt tiêu chuẩn quá cao khi tìm việc, thậm chí tính đến việc làm trái ngành. Ngoài lĩnh vực nhân sự, D. cũng thử nộp hồ sơ vào mảng CSR (Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp). Tuy nhiên, do trái ngành, cộng thêm CV thiếu kinh nghiệm, D. chưa được nhà tuyển dụng để mắt đến.
Hiện tại, để tăng khả năng tìm được việc, A. D. sắp xếp mức độ ưu tiên cho các tiêu chuẩn tìm việc của mình. Đối với tân cử nhân sinh năm 2000, mức lương bây giờ không còn là ưu tiên hàng đầu vì cô cần một công việc phù hợp định hướng và có thể giúp cô học hỏi nhiều hơn.
Ngoài ra, A. D. cũng tự đôn đốc bản thân phải học hỏi thêm nhiều kỹ năng mới để làm đẹp hồ sơ. Cá nhân cô nhận thấy rằng trong thời buổi nhân sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, một người đa nhiệm sẽ có khả năng được chú ý hơn người chỉ giỏi ở một mảng duy nhất.
“Mình vẫn đang tranh thủ thời gian để học thiết kế và làm video, đồng thời trau dồi kỹ năng làm Excel và phân tích dữ liệu. Networking cũng là một điều quan trọng nên mình đang học cách mở rộng các mối quan hệ để tạo ra hồ sơ cá nhân đẹp hơn, thu hút nhà tuyển dụng hơn”, D. nói.
HR chỉ ra điểm yếu khiến nhân sự trẻ khó được tuyển
Bàn về tình trạng cử nhân mới ra trường không tìm được việc trong năm 2023, chị Huyền Trang, HR tại một công ty công nghệ ở TP.HCM, cho biết mức độ cạnh tranh của tân cử nhân năm nay căng thẳng hơn năm 2022 rất nhiều.
Chị Trang lấy ví dụ về việc tuyển nhân viên sale. Năm 2022, các nhân viên tuyển người rất ồ ạt, 10 người ứng tuyển thì công ty tuyển 8-9 người là điều bình thường. Nhưng đến năm nay, các công ty cân nhắc rất kỹ, 10 ứng viên thì chỉ chọn khoảng 4-5 người.
Lao động gen Z còn một số nhược điểm nên khó được nhà tuyển dụng để mắt đến. Ảnh: Pexels. |
Bên cạnh đó, cơ hội cho sinh viên năm cuối và những bạn đang chờ lấy bằng cũng giảm đi vì năm nay, các công ty đưa ra khá ít chương trình thực tập. Lượng người ứng tuyển internship vẫn đông nhưng số lượng tuyển lại quá ít, kéo theo đó tỷ lệ cạnh tranh lại tăng thêm.
Là người trực tiếp tuyển dụng nhân sự, chị Huyền Trang nhận thấy lao động trẻ ngày nay có những thuận lợi và bất lợi nhất định khi tìm việc. Thuận lợi là các bạn trẻ trung, nhiệt huyết. Các công ty muốn trẻ hóa nhân sự sẽ ưu tiên tuyển nhân viên Gen Z. Ngoài ra, người trẻ ngày nay cũng được tiếp xúc sớm với các công cụ làm việc nên các bạn sẽ không bỡ ngỡ nếu đi làm.
Trong khi đó, bất lợi của các bạn mới ra trường chính là vấn đề kinh nghiệm. Theo chị Trang, các bạn mới tốt nghiệp thì kinh nghiệm “thực chiến” chưa nhiều. Do đó, các bạn dễ đưa ra những ý tưởng thiếu thực tế, khó để hiện thực hóa nên các công ty sẽ không đánh giá cao điều đó.
Một điều nữa là nhân sự trẻ rất cá tính, cái tôi cao nên đôi khi các bạn sẽ bảo vệ quan điểm riêng theo hướng hơi gay gắt. Điều này vô tình sẽ trở thành bất lợi, khiến các bạn khó được nhà tuyển dụng giữ chân lâu dài.
Để có thể cạnh tranh trong thị trường lao động khắc nghiệt như hiện nay và có được công việc tốt, chị Huyền Trang lưu ý rằng ngoài học tốt ở trường đại học, các bạn trẻ nên chủ động tìm các khóa học bên ngoài để nâng cao khả năng ngoại ngữ, tin học văn phòng, phân tích dữ liệu…
Ngoài ra, các công ty cũng khá thích những nhân sự có thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài vì các bạn có tư duy mở và có những trải nghiệm về cách vận hành của doanh nghiệp nước ngoài. Đó cũng là một yếu tố giúp các bạn có thể cạnh tranh trong giai đoạn thị trường đang khan hiếm như bây giờ.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.