Sinh viên quốc tế làm thêm để có thêm sinh hoạt phí. Ảnh: Pexels. |
Sống ở nơi mọi thứ đều đắt đỏ như ở Mỹ, dù có học bổng, nhiều du học sinh Việt vẫn chọn cách đi làm thêm để có thêm sinh hoạt phí hàng tháng thay vì phụ thuộc nguồn tiền cha mẹ hỗ trợ.
Tuy nhiên, không phải tất cả công việc làm thêm ở Mỹ đều hợp pháp, lượng công việc hợp pháp cho du học sinh lại rất hạn chế. Vì thế, không ít du học sinh Việt Nam chấp nhận “làm thêm chui” vì nhiều lựa chọn hơn, giờ giấc cũng linh hoạt hơn.
Mặt tối của việc “làm thêm chui” ở Mỹ là du học sinh sẽ phải luôn sống trong tình trạng lo sợ bị bắt quả tang, bị chủ bắt nạt, quỵt lương và không được hưởng đầy đủ những quyền lợi của người lao động.
Biết phạm luật nhưng vẫn làm
P.Đ. (sinh năm 2002), du học sinh tại bang Ohio (Mỹ), là một trường hợp như vậy. Từ năm nhất đại học, Đ. đã bắt đầu tìm việc làm thêm theo giờ ở Mỹ. Chia sẻ với Znews, Đ. cho biết thực ra công việc đầu tiên của cô khi đến Mỹ là làm gia sư trong trường, nhưng chỉ làm được vài tháng rồi ngừng.
Sau khi nghỉ việc gia sư, Đ. nhận việc làm thêm ở một quán trà sữa trong khu vực với mức lương 10-12 USD/giờ. Mỗi tuần, nữ sinh sẽ làm việc 4 buổi, mỗi buổi 5 giờ.
Du học sinh không được làm thêm ngoài trường, ngoại trừ những trường hợp quá khó khăn về kinh tế. Ảnh minh họa: Pexels. |
Theo thông tin được nêu trên trang web chính thức của Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS), sinh viên F1 (sinh viên nhập cảnh Mỹ với tư cách sinh tiên toàn thời gian tại trường đại học) không được phép làm việc ngoài trường trong năm học đầu tiên, nhưng có thể làm việc trong khuôn viên trường với một số điều kiện và hạn chế nhất định.
Sau năm đầu tiên, sinh viên có thể làm thêm ngoài trường với điều kiện công việc đó thuộc các nhóm: Đào tạo và thực hành ngoại khóa (CPT); Đào tạo thực hành tùy chọn (OPT); Khoa học, công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM). Mọi công việc làm thêm, đào tạo ngoài khuôn viên trường phải liên quan lĩnh vực học tập và được nhà trường cho phép trước khi nhận việc.
Sinh viên F1 cũng có thể làm việc ngoài trường nếu sinh viên đó được xếp vào nhóm đặc biệt như gặp khó khăn kinh tế nghiêm trọng. Một lưu ý khác là du học sinh ở Mỹ chỉ được phép làm thêm tối đa 20 giờ/tuần.
Những du học sinh bị phát hiện làm việc bất hợp pháp sẽ không được duy trì visa F1 và có nguy cơ bị thu hồi visa.
Ngay từ khi nhập học, Đ. đã được nhà trường phổ biến quy định này. Nữ sinh nói nhà trường “nhắc đi nhắc lại cả trăm lần” là không được làm thêm ngoài trường.
Biết là vi phạm quy định, Đ. vẫn bấm bụng đi làm để có thêm tiền trang trải phí sinh hoạt hàng tháng. 8 tháng “làm chui” ở quán trà sữa là 8 tháng Đ. sống trong thấp thỏm vì sợ bị lộ.
Bị chủ bắt nạt nhưng không dám tố cáo
Nói thêm về việc “làm chui” ở quán trà sữa, P.Đ. cho biết lương cứng của cô vẫn được chủ quán trả đủ, nhưng tiền tip của khách thì cô không được nhận.
Thông thường, các dịch vụ nhà hàng, ăn uống ở Mỹ sẽ được khách tip thêm một khoản tùy theo phần trăm hóa đơn. Những sinh viên “làm chui” như Đ. sẽ bị chủ chèn ép, không chia tiền tip. Chưa kể, vào những ngày lễ lớn như Giáng sinh, lễ Tạ ơn…, nhân viên được tăng lương theo hệ số 1,5 nhưng Đ. chỉ được trả lương như ngày thường.
Du học sinh "làm chui" sẽ không được hưởng đủ các quyền lợi của người lao động. Ảnh minh họa: Pexels. |
Đ. không phải du học sinh duy nhất “làm chui” ở quán trà sữa này. Nữ sinh ước tính hơn một nửa số nhân viên trong quán đều là sinh viên quốc tế. Dù biết quy định ở Mỹ, những sinh viên này vẫn chấp nhận làm việc để kiếm thêm tiền tiêu vặt.
Mỗi lần bị chủ chèn ép, Đ. và các du học sinh khác trong quán không dám đòi hỏi vì bản thân các bạn cũng biết mình đang làm thêm trái quy định. Phía chủ quán cũng không dám báo công an hay báo lên trường vì họ biết nếu báo cáo, họ cũng sẽ gặp rắc rối vì dám nhận người làm mà không có giấy tờ, hợp đồng rõ ràng.
“Bọn mình chưa bao giờ dám đòi lương từ chủ vì đòi là mất việc ngay. Những công việc thế này ai làm cũng được nên chủ không trân trọng nhân viên, đuổi người này họ tuyển người khác luôn”, Đ. tâm sự.
Không chỉ bị chủ chèn ép, bắt nạt, những du học sinh làm chui như P.Đ. còn phải chịu nhiều vấn đề khác, ví dụ tai nạn lao động sẽ không được bồi thường. Một lần, đồng nghiệp của Đ. - cũng là du học sinh - bị bỏng nước sôi. Bạn nhân viên này không được chủ bồi thường, phải tự bỏ tiền túi để điều trị vết thương.
Một lần khác, quán trà sữa nơi Đ. làm xảy ra xô xát. Đ. và các nhân viên không dám báo cảnh sát vì nếu cảnh sát đến, việc du học sinh “làm chui” sẽ bị lộ.
“Làm ở quán này được 8 tháng, mình nghỉ việc vì quá sợ. Công việc cũng mệt mỏi lại không giúp mình học hỏi được điều gì. Sau đợt làm thêm đó, mình quyết tâm kiếm được nhiều học bổng hơn rồi tìm một công việc khác ở trong trường để làm cho an toàn”, P. Đ. nói thêm.
Làm thêm ở trường an toàn, học hỏi được nhiều hơn
“An toàn hơn” cũng là điều mà Nguyệt Phi (sinh năm 2000, cựu du học sinh Mỹ) nói với Znews khi chia sẻ về công việc làm thêm trong trường đại học. Trong 4 năm học ở Mount Holyoke College ở South Hadley (bang Massachusetts, Mỹ), Nguyệt Phi đã làm 3 công việc khác nhau ở trường.
Nguyệt Phi làm thêm 3 công việc trong 4 năm đại học. Ảnh: NVCC. |
Năm nhất, nữ sinh làm thêm ở nhà ăn, công việc chính là chuẩn bị bữa ăn cho sinh viên với mức lương 11 USD/giờ. Công việc này Phi được chọn ca làm vào đầu học kỳ, mỗi tuần chỉ làm 2 ca, mỗi ca kéo dài trong 3 giờ.
Từ năm 2 đến năm 4, Phi làm song song 2 công việc là trợ giảng và chuyên viên hỗ trợ ở thư viện trường. Nữ sinh làm trợ giảng cho môn Statistics, thu nhập 14 USD/giờ. Mỗi tuần nữ sinh chỉ làm tối đa 5 giờ, công việc bao gồm chấm bài tập về nhà cho sinh viên và trả lời các câu hỏi của sinh viên.
Còn về công việc chuyên viên hỗ trợ ở thư viện, Nguyệt Phi được trả lương 13 USD/giờ và mỗi tuần chỉ làm 4-10 giờ. Nhìn chung, số giờ làm việc của nữ sinh sẽ không quá 20 giờ/tuần, đúng với quy định USCIS đặt ra cho du học sinh.
Một điều Nguyệt Phi cảm thấy khá may mắn là ngay từ khi nhập học, nhà trường đã tạo form cho du học sinh đăng ký công việc làm thuê trong trường. Nhà trường sẽ lấy thông tin này để đăng ký với bang. Do đó, sinh viên làm thêm được trả lương và đóng thuế thu nhập đúng quy định.
Để tránh tình trạng du học sinh làm thêm quá 20 giờ/tuần, trường của nữ sinh yêu cầu khi đăng ký nhận việc, sinh viên sẽ phải cho nhà trường biết các bạn hiện đã nhận những công việc nào, thời gian làm việc mỗi tuần thế nào.
Nói thêm về việc làm thêm ở trường, Nguyệt Phi cho biết những công việc này giúp cô học hỏi rất nhiều điều, nhất là việc làm thêm ở thư viện.
Vì làm ở bộ phận help desk, Phi phải làm việc với rất nhiều người và trả lời điện thoại liên tục. Tất cả câu hỏi đều liên quan phần mềm nhà trường cung cấp nên nữ sinh phải tìm hiểu rất kỹ về cách vận hành của phần mềm này.
Ngoài ra, công việc này cũng giúp Phi mở rộng các mối quan hệ vì cô phải làm việc với các bộ phận trong trường như viện nghiên cứu, cảnh sát trường học và bộ phận đào tạo.
Còn về công việc trợ giảng, công việc này giúp nữ sinh có thêm động lực học tập vì nếu muốn trở thành trợ giảng cho một môn bất kỳ, sinh viên phải học môn đó và đạt điểm A. Vào đầu năm học, sinh viên sẽ lên hệ thống của trường để đăng ký công việc trợ giảng phù hợp và liệt kê 2 giáo sư đã từng dạy mình vào danh sách người tham chiếu.
“Mình đến Mỹ du học theo diện có học bổng, dạng need-based scholarship nên mọi chi phí từ học phí đến phí sinh hoạt, ký túc xá mình được trường lo hết. Mình làm thêm để có thêm tiền phục vụ sở thích cá nhân và đề phòng tình huống bất ngờ nên chỉ chọn làm thêm trong trường cho yên tâm. Những công việc này cũng dạy mình nhiều thứ nên mình thấy đây là những trải nghiệm đáng giá trong 4 năm đại học", Nguyệt Phi chia sẻ.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.