Nhiều trường đại học ở Việt Nam thông báo mở ngành đào tạo bán dẫn. Ảnh: Depositphotos. |
Năm 2023, hàng loạt trường đại học ở Việt Nam công bố mở chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn. Trước đó, một số trường, khoa đã có ngành đào tạo bậc chính quy, cao học hoặc một số ngành gần với lĩnh vực này.
Chương trình bán dẫn bậc đại học chưa đủ nhiều
Tại Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường đi đầu về đào tạo lĩnh vực bán dẫn cho bậc đại học chính quy.
Theo PGS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử, phụ trách phòng thí nghiệm Thiết kế vi mạch của Đại học Bách Khoa Hà Nội, trường hiện có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn.
Các ngành và chuyên ngành đó bao gồm: Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch; Hệ thống nhúng; Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano. Hiện, toàn trường có hơn 3.300 sinh viên theo học các ngành, chuyên ngành này.
Đại học Bách khoa Hà Nội đã có một số ngành, chuyên ngành đào tạo liên quan chip bán dẫn. Ảnh: IEEE Spectrum. |
Mới đây, vào ngày 19/10, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng 4 cơ sở giáo dục đại học ký kết biên bản hợp tác liên minh về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Các trường tham gia ký kết cùng Bách khoa bao gồm Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Trong khi đó, khoa Điện tử - Viễn thông (Đại học Quốc gia TP.HCM) mới chỉ đào tạo nội dung này cho bậc thạc sĩ. Cụ thể, nhà trường cung cấp chương trình thạc sĩ Kỹ thuật điện tử, chuyên ngành Vi điện tử và thiết kế vi mạch.
Chương trình này được đào tạo trong 2 năm với 3 phương thức, mỗi thương thức dao động trong khoảng 60-62 tín chỉ, bao gồm các nội dung như kiến thức chung, triết học, ngoại ngữ, kiến thức cơ sở và chuyên ngành, luận văn tốt nghiệp.
Tương tự, khoa Vật Lý (Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cung cấp chương trình liên kết đào tạo quốc tế thạc sĩ vật lý, chuyên ngành Công nghệ bán dẫn.
Thời gian đào tạo của chương trình này kéo dài từ 18-24 tháng với quy mô khoảng 20 người và đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Học viên sẽ được liên kết đào tạo trực tiếp ở Đại học Khoa học Tự nhiên, sau đó được chọn thực tập, làm luận văn ở Việt Nam hoặc Đài Loan (Trung Quốc).
Nhiều trường đón đầu xu hướng mở ngành
Trong năm 2023 một số trường đại học công bố mở ngành đào tạo vi mạch bán dẫn và sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2024.
Đầu tiên là Đại học FPT. Từ đầu tháng 9, trường đã thông báo thành lập khoa Vi mạch Bán dẫn với mục đích bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam.
Khoa Vi mạch Bán dẫn dự kiến đón khóa sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Song song với đó, trường sẽ kết hợp với các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp này để cung cấp cho sinh viên, học viên nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ từ ngắn hạn 6 tháng, 2 năm đến các chương trình đào tạo nâng cao, văn bằng hai, cao đẳng, đại học, sau đại học.
Nhiều đại học lớn mở ngành đào tạo về vi mạch bán dẫn. Ảnh: Washington Post. |
Đến đầu tháng 10, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) cũng mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch và đưa sinh viên khoa D20 theo học chuyên ngành mới ngay trong năm 2023.
Tại PTIT, chuyên ngành Thiết kế vi mạch thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. Chương trình học của chuyên ngành được khoa Kỹ thuật điện tử 1 xây dựng sao cho chương trình này cung cấp cho sinh viên những kỹ năng và kiến thức cần thiết để thiết kế, phát triển và thử nghiệm các mạch tích hợp.
Sau khi học các kiến thức cơ sở ngành như lập trình, vi xử lý, mạch điện tử..., sinh viên sẽ được học các kiến thức chuyên ngành chuyên sâu như sử dụng ngôn ngữ thiết kế vi mạch VHDL, thiết kế vi mạch số, vi mạch trộn tín hiệu, SystemVerilog...
Sáng 21/10, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) thuộc Đại học Đà Nẵng công bố tuyển sinh cho chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Nhà trường nêu rằng đây là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của khu vực miền Trung - Tây Nguyên mở chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn.
Chương trình mới của VKU sẽ gồm 160 tín chỉ, đào tạo trong thời gian 4,5 năm với nền tảng kiến thức cơ sở ngành từ STEM, Toán kỹ thuật, Kỹ thuật số... Chương trình chuyên ngành sẽ bao gồm các học phần như Cấu kiện điện tử, Kỹ thuật mạch điện tử, Thiết kế mạch điện tử, Cấu trúc máy tính...
Trong đợt tuyển sinh năm 2024, nhà trường sẽ dành khoảng 500 chỉ tiêu tuyển sinh mới và chuyển tiếp khoảng 180 chỉ tiêu cho sinh viên có nhu cầu từ các ngành gần có thể học chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn.
Bên cạnh đó, VKU hợp tác với các doanh nghiệp, chuyên gia mở các lớp Tăng tốc (Accelerator), đào tạo từ 60-100 chỉ tiêu/năm nhằm cung ứng kịp thời nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp trong khu vực và cả nước.
Cũng trong năm 2024, chương trình đào tạo thạc sĩ về Thiết kế vi mạch bán dẫn cũng sẽ được nhà trường xúc tiến triển khai.
Đại học Bách khoa TP.HCM cũng gia nhập xu hướng đào tạo vi mạch bán dẫn. Vào đầu tháng 11, trường thông báo tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch bậc đại học và Vi mạch bán dẫn bậc cao học từ năm 2024.
Cụ thể, chương trình ngành Thiết kế vi mạch gồm 132 tín chỉ, chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 100 người. Còn với chương trình thạc sĩ Vi mạch bán dẫn, khối lượng đào tạo gồm 60 tín chỉ và chỉ tuyển 20 học viên.
Trước khi Thiết kế vi mạch trở thành một ngành độc lập, Đại học Bách khoa TP.HCM từng đào tạo các chương trình liên quan vi mạch trong suốt 20 năm qua.
Cụ thể, môn học về thiết kế vi mạch như được tích hợp ở 3 ngành trình độ đại học, gồm Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật viễn thông (chương trình Việt Pháp), Hệ thống mạch - Phần cứng (chương trình tiên tiến). Ngoài ra, vi mạch cũng được dạy ở ngành Kỹ thuật Điện tử - Kỹ thuật Viễn thông (chương trình sau đại học).
Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) quyết định mở chương trình đào tạo cho bậc đại học chính quy trong giai đoạn 2021-2030.
Tại lễ khai giảng năm học 2023, PGS.TS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đang phối hợp với các trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM xây dựng đề án mở ngành đào tạo Thiết kế vi mạch tại khoa Điện tử - Viễn thông và ngành Công nghệ bán dẫn tại khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuât.
Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng dự kiến mở ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch. Thông tin này được hiệu trưởng nhà trường công bố trong lễ khai giảng năm học 2023.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng nhà trường, nêu rằng vào năm 2006, nhà trường đã tuyển sinh chuyên ngành Thiết kế vi mạch. Dự kiến đến năm 2024, trường sẽ mở chỉ tiêu để tuyển sinh cho ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch, đảm bảo kiến thức và kỹ năng theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.