Gen Z chấp nhận "hy sinh" thời gian giải trí để học thêm nhiều kỹ năng mới. Ảnh: Pexels. |
“Ban ngày, mình đi làm từ 9h đến 18h. Vừa tan làm chưa kịp ăn là tranh thủ đi học luôn. Thứ hai, tư, sáu, mình học tiếng Trung Quốc, thứ ba, năm, bảy, mình học thêm nghiệp vụ ở công ty. Chủ nhật không đi làm, mình cũng ở nhà tự ôn lại bài hoặc lên mạng tự học thêm về Excel”.
Đây là tâm sự của Nguyễn Hà (25 tuổi), nhân viên của một công ty logistics tại TP.HCM. Đi làm gần 3 năm nay, chưa bao giờ Hà cảm thấy lo lắng đến mức phải học nhiều thứ cùng lúc như bây giờ. Cô nói rằng sự biến động của thị trường việc làm trong năm qua chính là lý do thôi thúc cô phải đi học.
Không muốn bị tụt lại
Chia sẻ với Tri thức - Znews, Nguyễn Hà cho biết cô bắt đầu đi học tiếng Trung từ tháng 6 năm nay, còn nghiệp vụ thì mới đăng ký khóa học của công ty từ đợt đầu tháng 10.
Cô gái 25 tuổi kể rằng đợt công ty thông báo mở lớp nghiệp vụ, ai cũng hăng hái đăng ký tham gia vì được học miễn phí. Tự nhận mình mắc fomo (hội chứng sợ bỏ lỡ), cũng sợ bị tụt lại, Hà quyết định đăng ký học luôn dù biết nếu học thêm, cô sẽ không còn thời gian cho các hoạt động giải trí quen thuộc.
Nguyễn Hà đầu tư mua máy tính bảng để học tiếng Trung. Ảnh: NVCC. |
Học nghiệp vụ không tốn tiền nhưng học tiếng Trung “ngốn” của Hà mấy chục triệu đồng. Từ khi xác định học tiếng Trung, cô để dành hơn 20 triệu đồng để mua máy tính bảng phục vụ cho việc học. Về phần học phí, đến nay, cô đã tốn hơn 6 triệu đồng cho 2 khóa học.
Nói thêm về lý do học tiếng Trung, Nguyễn Hà cho biết cô làm trong ngành logistics, nhiều khách hàng, đối tác là người Trung Quốc nên chỉ dùng mỗi tiếng Anh thì không đủ. Cô học thêm ngôn ngữ mới cũng là để giúp bản thân trụ vững hơn trong ngành.
Nhiều lần, Hà nghĩ nếu một ngày nào đó, thị trường bắt đầu đào thải nhân lực, có thể vốn tiếng Trung và kỹ năng nghiệp vụ tốt sẽ là tấm vé giúp cô được ở lại. Hoặc nếu tính xa hơn, cô có thể dùng vốn kiến thức mình có để nhảy việc, tìm một vị trí có mức lương cao hơn.
Thanh Trúc (23 tuổi), tân cử nhân ngành Sư phạm Vật lý tại một trường đại học ở TP.HCM, cũng chọn học thêm nhiều khóa học với lý do tương tự.
Xác định bản thân sẽ không làm việc lâu dài trong lĩnh vực sư phạm, kèm theo nỗi lo khó tìm việc ở các trường công, Trúc quyết định học thêm thiết kế đồ họa, IELTS và tiếng Đức để tăng cơ hội tìm các công việc mới.
Nói về lý do học thiết kế đồ họa, Thanh Trúc cho biết hồi sinh viên, cô từng kiếm tiền thông qua việc nhận thiết kế tự do nên giờ cô quyết định học thêm để có chứng chỉ. Sau này, nếu đi tìm việc thiết kế, cô sẽ tự tin hơn để nộp hồ sơ việc làm.
Trúc học thiết kế đồ họa ở một trường nghề nên học phí khá rẻ, mỗi tuần học 2 buổi, mỗi buổi kéo dài 3,5 tiếng đồng hồ. Thời gian còn lại, cô ở nhà luyện thêm và làm bài tập.
Còn về IELTS và tiếng Đức, Thanh Trúc cũng xác định học một phần vì sở thích, một phần vì đây là hai ngôn ngữ mang lại cơ hội việc làm cao. Cô tin rằng một khi bản thân có kỹ năng thiết kế, kèm theo khả năng ngoại ngữ nhất định, nhà tuyển dụng sẽ để ý đến hồ sơ của cô nhiều hơn.
“Thiết kế đồ họa mình học ở trường, còn IELTS và tiếng Đức mình tự học ở nhà cho tiết kiệm. Nhìn chung mình học vì sở thích, nhưng một phần cũng vì muốn tự tìm đường lui cho chính mình. Bây giờ bạn bè ai cũng học lên thạc sĩ tiến sĩ, mình chưa có cơ hội học cao học thì học trước các khóa kỹ năng cũng tốt vì CV sẽ đẹp hơn”, Thanh trúc chia sẻ.
Thanh Trúc học thiết kế đồ họa, IELTS và tiếng Đức. Cô thường chia sẻ với bạn bè những hình ảnh học tập trên nền tảng mạng xã hội. Ảnh: NVCC. |
Bận nhưng không dám bỏ học
“Không còn thời gian cho bản thân” là điều Nguyễn Hà mô tả về cuộc sống của cô trong thời gian gần đây. Ban ngày đi làm, buổi tối đi học, Hà gần như không còn thời gian để tham gia những buổi tụ tập bạn bè như trước.
Học nhiều thứ cùng lúc cũng khiến Hà gặp phải những rắc rối không lường được. Nhiều lần tăng ca, Hà đành phải bỏ học vì không thể nghỉ ngang công việc ở công ty để chạy đến lớp. Tiếng Trung còn có bài giảng online để tự ôn lại, nghiệp vụ là cô xác định nghỉ buổi nào mất luôn buổi đó, không có học bù hay tài liệu online.
Một lần, Hà với sếp xảy ra xung đột, nguyên nhân cũng từ việc học của cô. Đôi lúc, công ty của Hà sẽ có lịch tăng ca đột xuất. Hôm đó, Hà vừa đến lớp học thêm thì sếp gọi về để tăng ca. Cô nói với sếp là đang ở lớp học nên không thể chạy đến công ty được và xin phép sếp tăng ca bù vào đợt sau.
“Mình đã xin như vậy rồi nhưng sếp vẫn mắng mình, bảo là ‘học với làm cái nào quan trọng hơn, nếu em thấy học quan trọng hơn thì em nghỉ làm đi’. Mình á khẩu luôn vì không hiểu sao sếp nặng lời như vậy”, Hà tâm sự.
Sau lần đó, Hà chủ động trao đổi lại với sếp về thời gian tăng ca để tránh ảnh hưởng việc học. Dù công việc bận rộn, cô vẫn quyết theo đuổi các khóa học đến cùng vì không muốn bỏ phí thời gian, tiền bạc đã bỏ ra.
Thanh Trúc không đến mức xung đột với cấp trên như Nguyễn Hà, nhưng thời gian đầu, khi bắt đầu vừa đi làm vừa học 3 khóa học cùng lúc, cô quá tải đến mức không biết cách sắp xếp thời gian.
Hiện, Trúc đang dạy chuyên đề STEM ở 4 trường THCS, tổng cộng 8 tiết/tuần. Lịch trình của những buổi còn lại bị cô “lấp đầy” bằng việc học. Sau khoảng 3 tuần, Trúc cũng quen dần với việc học chồng chéo nên cô bắt đầu thấy ổn hơn, đỡ áp lực và không còn thấy quá tải.
Chưa dừng lại ở việc học 3 khóa học cùng lúc, sắp tới, Thanh Trúc còn lên kế hoạch học thêm về ngôn ngữ lập trình. Cũng giống như thiết kế đồ họa, lập trình là mảng cô thích từ THPT nhưng do gia đình định hướng sư phạm, cô chưa có cơ hội học.
“Trước mắt, mình cứ vừa học vừa làm đã. Nếu có cơ hội tốt, mình sẽ nhảy việc và tìm những công việc phù hợp hơn, mức lương cao hơn. Mình học cho mình mà, cũng không thiệt đi đâu lại đẹp CV nên dù bận đến mấy, mình vẫn cố gắng học thôi”, Thanh Trúc vui vẻ nói.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.