Gen Z thích làm việc một mình. Ảnh: Pexels. |
Mỗi thế hệ đều có đặc trưng riêng và điều đó đó định hình cách thế hệ đó được nhìn nhận ở nơi làm việc.
Lấy gen Z làm ví dụ, họ nổi tiếng là thế hệ quan tâm đến chính trị và có hiểu biết về kỹ thuật số. Những gen Z "đời đầu" đã phải bắt đầu sự nghiệp trong thời kỳ đại dịch và khủng hoảng kinh tế. Chính những yếu tố này đã tác động đến phong cách và thái độ gen Z hiện tại.
"Đi làm thời Covid-19 và khủng hoảng đã góp phần khiến lao động gen Z muốn được tự chủ và tự định hướng sự nghiệp của mình", cố vấn khởi nghiệp Jenny Fernandez nói với HuffPost.
Làm việc một mình là cách để nhiều gen Z bảo toàn năng lượng. Ảnh: Pexels. |
Không thích làm việc nhóm
Để tìm hiểu về môi trường làm việc mà gen Z mong muốn, công ty tuyển dụng toàn cầu Robert Walters đã khảo sát 1.200 lao động Mỹ. Kết quả, chưa đến 1/5 lao động gen Z nói họ thích làm việc trong môi trường tập thể và 31% nói rằng họ thấy làm việc một mình tốt hơn.
Andrea Lopez (26 tuổi), làm việc tại một công ty công nghệ, nói rằng khảo sát này đúng với những trải nghiệm của cô. Lopez nói với HuffPost rằng cô thấy những dự án phải làm việc nhóm rất tốn thời gian.
Cô gái 26 tuổi hiểu rằng làm việc nhóm sẽ giúp các đầu việc được chia nhỏ và đỡ vất vả. Nhưng nhìn chung cô vẫn thích làm việc một mình, nếu có thể làm hết tất cả công việc, Lopez sẽ không nhờ đến người khác.
Đối với Lopez, làm việc một mình giúp cô thu thập thông tin và dữ liệu một cách hiệu quả, từ đó giúp hoàn thành công việc đúng hạn.
Cô hiểu việc giao tiếp với đồng nghiệp cũng cần thiết, nhưng lại thấy rằng điều đó giống như rào cản. Lopez chỉ muốn bảo toàn năng lượng và chỉ giao tiếp nhiều với đồng nghiệp lúc cần thiết.
Lý do gen Z chỉ thích làm việc một mình
Trong công việc, phong cách làm việc độc lập của gen Z đôi khi tạo ra tiếng xấu rằng họ không gắn kết với những thành viên khác trong nhóm làm việc.
Trong khảo sát của Robert Walters, các nhà quản lý cho biết những vấn đề như thiếu kỹ năng giao tiếp, thiếu kỹ năng làm việc nhóm và thiếu tư duy phản biện là những rào cản khiến lao động trẻ tuổi khó cộng tác với đồng nghiệp.
Khi được hỏi về lý do chỉ thích làm việc một mình, HuffPost nhận thấy gen Z đưa ra những quan điểm khá mới lạ.
Tony Guevara (23 tuổi), người điều hành một tổ chức phi lợi nhuận cho gen Z, nói rằng phong cách làm việc của anh phụ thuộc vào tình huống.
Cụ thể, Guevara thích làm việc một mình khi không cần sự giúp đỡ vì điều đó giúp anh được nghe nhạc khi làm việc mà không bị gián đoạn, từ đó năng suất làm việc được nâng cao hơn.
Mặt khác, chàng trai 23 tuổi cũng đánh giá cao những lúc có đồng nghiệp ở bên. Đôi khi, anh sẽ tìm đến sự giúp đỡ của đồng nghiệp vì không muốn tự làm khó mình.
Gen Z không thích làm việc trong môi trường có quá nhiều sự phán xét. Ảnh: Pexels. |
Bàn thêm về lý do gen Z thích làm việc một mình, Guevara nói rằng lý do có thể là gen Z đang làm việc trong môi trường có quá nhiều sự phán xét. Các bạn không thể nghe nhạc liên tục, hoặc các bạn sợ bị đồng nghiệp phán xét nếu ăn vặt trong lúc làm việc.
Andrea Lopez cũng nêu quan điểm của mình về vấn đề này. Cô nói rằng các nhà quản lý có thể đang hiểu sai về gen Z, họ cứ nghĩ rằng việc gen Z không đến văn phòng làm việc là thiếu tinh thần làm việc.
Theo Lopez, gen Z chỉ đang "bảo toàn năng lượng" cho bản thân. Hơn nữa, việc không đến văn phòng thường xuyên cũng giúp cô tiết kiệm xăng xe và thời gian. Cô có thể dành thời gian đó để xây dựng các mối quan hệ có ích cho sự nghiệp.
Gen Z cần được thông cảm và định hướng
Trong một khảo sát của Gallup vào năm 2022, gen Z là nhóm người lao động có thái độ mâu thuẫn và thiếu gắn bó với nơi làm việc nhất. Tuy nhiên, điều này không phải do gen Z lười biếng hay không quan tâm đến công việc. Lý do phần lớn nằm ở việc họ thiếu kết nối với đồng nghiệp, quản lý hoặc người sử dụng lao động.
Bà Jenny Fernandez nói rằng rất nhiều lao động gen Z bắt đầu đi làm trong thời kỳ Covid-19 nên họ không có nhiều tương tác xã hội thường ngày giống lao động thế hệ trước.
Từ điều này, bà Fernandez đề xuất các nhà quản lý thay đổi bằng cách "ghép cặp" cho một nhân viên gen Z và một nhân viên lớn tuổi hơn để cả hai có thể học hỏi lẫn nhau.
Ngoài ra, các nhà quản lý cũng nên tiếp nhận phản hồi từ nhân viên gen Z và thay đổi quy trình làm việc cho các bạn (nếu có thể).
"Gen Z sẽ là những nhà quản lý tiếp theo. vì thế, chúng ta cần đảm bảo thế hệ này sẽ làm việc hiệu quả và thành công", bà Fernandez nhấn mạnh.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.