Chi phí nuôi con ở Mỹ tăng vọt khiến nhiều người trẻ ngại kết hôn, sinh con. Ảnh: Pexels. |
Kyle Taylor không có môi trường phù hợp để nuôi con.
Chàng trai 26 tuổi đến từ Alabama (Mỹ) và bạn gái anh rất vui mừng khi con gái chào đời một năm trước, nhưng giờ đây, họ cảm thấy hơi lạc lõng.
Để kiếm sống, Taylor dành nhiều thời gian cho công việc trong khi bạn gái ở nhà chăm con. Công việc dày đặc của chàng trai 26 tuổi và chi phí nuôi con khiến đôi bạn trẻ căng thẳng.
Ở tuổi 26, không ai trong số bạn bè của Taylor kết hôn và càng không có kế hoạch sinh con. Điều này khiến anh không biết cách chăm con vì thiếu kinh nghiệm và thiếu người để chia sẻ, học hỏi.
Trước đây, Taylor luôn nghe về câu tục ngữ "Muốn nuôi dạy một đứa trẻ cần cả một ngôi làng". Bây giờ, anh đã có một đứa trẻ, nhưng anh nhận ra không còn ngôi làng nào tồn tại nữa.
Chi phí nuôi con quá cao buộc nhiều gia đình phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập. Ảnh: Pexels. |
Nặng gánh vì chi phí nuôi con quá đắt
Các cha mẹ gen Y và gen Z cảm thấy mình bị cô lập. Họ chọn sống xa gia đình đểm kiếm công việc được trả lương cao hoặc tiền thuê nhà rẻ hơn. Ngay cả khi ở gần cha mẹ, những người trẻ này vẫn phải nai lưng ra làm việc và không có thời gian chăm sóc con cái.
Nhiều bạn bè đồng trang lứa của các cha mẹ gen Y, gen Z chưa kết hôn, sinh con vì không đủ điều kiện kinh tế. Chính điều này khiến nhiều người không thể hiểu bạn bè của mình đang phải đối mặt với điều gì khi làm cha mẹ.
Theo Insider, ở Mỹ, việc nuôi dạy con ngày càng tốn kém, làm tăng thêm gánh nặng kinh tế cho những người mới tập làm cha mẹ.
Ngày nay, để nuôi con, các gia đình phải đưa ra những quyết định ngoài ý muốn: Bỏ việc, rời xa bạn bè, rời xa gia đình hoặc bán mạng làm việc để trang trải cuộc sống.
Natalie Groff (33 tuổi), mẹ của 4 đứa con, nói rằng tình hình hiện tại khá lộn xộn, khó khăn cứ chồng chất khó khăn.
Bàn về sự khủng hoảng về mặt kinh tế của gen Y và gen Z, nhà tâm lý học Jean Twenge nhận định tin tốt là thu nhập trung bình của người trẻ tại Mỹ đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Dù được điều chỉnh theo mức lạm phát, thu nhập của nhóm người này vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ thậm chí còn tăng nhanh hơn tốc độ tăng lương, nhất là mức tăng của các loại nhu yếu phẩm.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, chi phí chăm sóc một đứa trẻ ở nước này đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1991.
Các nhà kinh tế tại Bank of America cũng thực hiện một nghiên cứu và nhận thấy trung bình một gia đình Mỹ chi hơn 700 USD/tháng cho việc chăm sóc con, cao hơn 32% so với năm 2019.
Chưa dừng lại ở đó, chi phí thức ăn cho một đứa trẻ cũng ngày càng đắt đỏ. Kể từ năm 1997, giá thức ăn trẻ em và sữa công thức ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi. Chỉ trong 4 năm, từ 2018 đến 2022, giá tã lót đã tăng gần 22%.
Dù được tăng lương nhiều đến đâu, gen Y gen Z vẫn cảm thấy không đủ vì cứ nhận lương là lương lại bay. Chi phí nuôi con đắt đỏ cũng là lý do thế hệ trẻ trả nợ chậm. Hiện, những người 18-29 tuổi ở Mỹ đang phải đối mặt với số nợ quá hạn cực lớn, cao gấp đôi so với những người mắc nợ ở độ tuổi 50-69.
Tiến thoái lưỡng nan
Gen Y và gen Z đang phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Ngày nay, ngày càng nhiều phụ nữ tốt nghiệp đại học và thu nhập cũng tăng lên. Nhưng đó cũng là một con dao hai lưỡi nếu họ kết hôn. Không muốn từ bỏ công việc lương cao, các gia đình trẻ sẽ phải vật lộn với việc nuôi con rất tốn kém.
Ví dụ, một gia đình ở New York chỉ có một con nhỏ sẽ phải kiếm 300.000 USD mỗi năm mới đủ khả năng chăm con. Sự bùng bổ về cơ hội nghề nghiệp dành cho nữ giới cũng đồng nghĩa với việc những người mẹ, người bà sẽ không còn ở nhà chăm trẻ vì họ sẽ bận rộn với công việc.
Nếu muốn đi làm, các gia đình sẽ phải bỏ thêm hàng nghìn USD mỗi tháng để thuê người chăm sóc con. Ảnh: Pexels. |
Jimmy Gomez, thành viên Đảng Dân chủ sống tại California, cũng không thoát khỏi tình trạng này. Gomez nói với Insider rằng những áp lực của cha mẹ ngày nay "như nặng cả tấn".
Ông bố trẻ cũng nặng gánh nuôi con. Mỗi tháng, gia đình anh phải trả gần 2.700 USD cho việc chăm sóc trẻ, mỗi tuần 3 ngày.
Bên cạnh nuôi con, những người như anh phải chịu thêm một khoản tiền lớn cho việc thuê nhà, ước tính là chi khoảng 30% thu nhập cho nhà ở. Nuôi con, thuê nhà, hai khoản này dễ dàng "ngốn" hơn một nửa thu nhập của một gia đình.
Bị cô lập vì sinh con "sớm"
Ngoài áp lực tài chính, các gia đình trẻ còn gặp thêm một vấn đề cơ bản khác là đơn độc nuôi dạy con. Những điểm sinh hoạt để các gia đình chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con đang dần biến mất, đặc biệt là ở các vùng ngoại ô.
Đáng chú ý hơn, định nghĩa về "cha mẹ trẻ" đang dần thay đổi. Năm 1990, trung bình một bà mẹ ở Mỹ sinh con đầu lòng ở tuổi 27. Nhưng đến năm 2019, độ tuổi này đã tăng lên 30.
Việc thiếu hỗ trợ trong chuyện nuôi con cũng ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của người trẻ. Trong một khảo sát của Deloitte với 22.000 người vào cuối năm 2022, hơn một nửa gen Z và khoảng 47% gen Y nói việc lập gia đình sẽ rất khó, hoặc không thể xảy ra.
Sự e ngại của người trẻ cũng khiến "ngôi làng" - cộng đồng chăm sóc trẻ nhỏ - ngày càng tan hoang. Người trẻ ngại sinh con, kéo theo đó là tỷ lệ người cùng trang lứa cùng trải qua giai đoạn nuôi dạy con giảm xuống.
Trong vai năm qua, tỷ lệ sinh con ở người 40-45 tuổi tăng dần và tăng nhiều ở nhóm người 35-39 tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ sinh con ở nhóm người 20-34 tuổi lại giảm.
Bàn về vấn đề này, thành viên Đảng Dân chủ Becca Balint (sống ở Vermont) cho rằng thực tế là không thiếu cách giải quyết. Cũng giống nhiều người khác, Balint có con đầu lòng ở tuổi 39.
Sinh con muộn, Balint hiểu rằng các chính sách cho trẻ em và việc giảm gánh nặng nợ sinh viên sẽ là phương án hợp lý để cải thiện tình trạng ngại kết hôn và sinh con muộn ở người trẻ.
Khi các thách thức về vấn đề tài chính được giải quyết, các gia đình trẻ sẽ ổn định hơn và giảm bớt phần nào căng thẳng trong chuyện nuôi con. Họ cũng sẽ không còn lo sợ và cảm thấy cô đơn vì tình trạng nuôi con trong bối cảnh "cả thiên hạ không ai dám đẻ" sẽ phần nào được cải thiện.
Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ có tỷ lệ căng thẳng, lo âu và trầm cảm liên quan đến công việc cao hơn nam giới. Tại sao lại như vậy? Cuốn sách Phụ nữ vô hình của tác giả Caroline Criado Perez cho thấy thực tại của lỗ hổng dữ liệu giới - những khoảng trống câm lặng đầy rẫy trong nền văn hóa của chúng ta.