Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Lý do nhiều gen Z từ chối đến văn phòng làm việc

Sự bất an vì phải đi làm trong thời kỳ khủng hoảng do dịch bệnh và lạm phát là một trong những lý do lao động gen Z không muốn đến văn phòng và từ chối gắn bó với nơi làm việc.

Lao động gen Z vốn đã quen với làm việc online nên cảm thấy áp lực khi phải trở lại văn phòng. Ảnh: Pexels.

Khi Emma Malcolmson (hiện 25 tuổi) làm nhân viên bán hàng ở trường trung học và đại học, cô chưa bao giờ cảm thấy lo lắng. Làm nhân viên bán hàng đối mặt với những khách hàng khó tính, phải đứng cả ngày hoặc hối hả bê đồ. Nhưng khi đóng cửa hàng, cô có thể bỏ lại mọi thứ nơi đó và trở về nhà.

Tuy nhiên, kể từ khi tốt nghiệp đại học và bắt đầu làm việc trong ngành quan hệ công chúng trực tuyến, mọi thứ đã dần khác.

Ở tuổi 25, Malcolmson phải đối mặt với những thứ khiến cô lo lắng, dù trong giờ làm hay khi đã tan làm. Cô gái trẻ lấy ví dụ về những dòng thông báo nhảy liên tục trên màn hình máy tính, những tin nhắn khó hiểu từ đồng nghiệp và hàng loạt yêu cầu, đòi hỏi vô lý từ khách hàng.

gen z di lam anh 1

Gen Z cảm thấy căng thẳng mọi lúc, mọi nơi kể từ khi trở lại văn phòng. Ảnh: Pexels.

Căng thẳng vì phải đến văn phòng

Từ những cuộc trò chuyện bên máy cà phê cho đến việc thuyết trình qua Zoom, mọi hoạt động ở nơi làm việc đều có thể khiến gen Z lo lắng. Đặc biệt, những đợt đóng cửa vì đại dịch, kéo theo sự bất ổn và biến động không ngừng trong những năm qua đã làm tăng thêm cảm giác này.

Trong một khảo sát nơi làm việc năm 2022 của Gallup, 52% lao động Mỹ và Canada cho biết họ cảm thấy căng thẳng khi đến văn phòng mỗi ngày. Ở Anh, tình trạng người lao động căng thẳng và trầm cảm vì công việc tăng 14% so với năm 2020.

Trong đó, gen Z - những người mới bắt đầu sự nghiệp - đang gặp phải khoảng thời gian khó khăn hơn bao giờ hết.

Năm 2022, ứng dụng thiền Calm làm khảo sát với gen Z Mỹ, 55% trong số đó cho biết họ thấy lo lắng mọi lúc, mọi nơi, cao gấp 3 so với gen Y và gấp 4 so với gen Z.

Tương tự, vào tháng 3/2023, Deloitte làm khảo sát với 22.000 người lao động. Kết quả, gần một nửa số gen Z nói rằng họ gần như lúc nào cũng thấy lo lắng và căng thẳng. Khoảng 39% lao động gen Y cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Những khảo sát trên thể hiện một vấn đề rõ ràng là gen Z đang lo lắng. Sự lo lắng này ảnh hưởng cuộc sống của gen Z, thậm chí ảnh hưởng đến không khí chung ở nơi làm việc và khiến người sử dụng lao động lo lắng.

Thiếu gắn kết với chốn văn phòng

Con đường sự nghiệp của gen Z không hề giống thế hệ trước. Họ bước vào thị trường lao động đúng thời điểm mà phần lớn thế giới đang suy nghĩ lại về mối quan hệ của họ với công việc.

Trước đây, khi đi làm thời Covid-19, thay vì ổn định sự nghiệp bằng cách quan sát đồng nghiệp, gen Z lại thu mình ở nhà cùng với laptop cá nhân. Nhưng giờ đây, các bạn đã phải trở lại văn phòng. Việc thiếu hướng dẫn tại chỗ, kết hợp với tình trạng sa thải hàng loạt và lạm phát, đã khiến nhiều gen Z cảm thấy khó chịu.

Trong khảo sát của Gallup, gần một nửa người lao động 18-29 tuổi cho biết công việc của họ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Một số người thậm chí phải rút lui vì quá căng thẳng.

Gen Z cũng là nhóm nhân sự ít gắn kết với nơi làm việc nhất, theo Gallup. Các bạn cũng rất dễ bị kiệt sức vì công việc. Để đối phó với tình trạng này, nhiều gen Z phải nghỉ ốm nhiều hơn so với đồng nghiệp lớn tuổi, phần lớn là do sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng.

Nếu phần lón người lao động vẫn quá căng thẳng khi làm việc, các chuyên gia lo ngại điều này sẽ để lại hậu quả tàn khốc về mặt kinh tế và xã hội.

Hiện tại, tình trạng người lao động bỏ việc và giảm năng suất làm việc đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại hơn 47 tỷ USD/năm, theo Business Insider.

gen z di lam anh 2

Gen Z bất an và cảm thấy khó kết nối với đồng nghiệp ở nơi làm việc. Ảnh: Pexels.

Bất an

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân sâu xa về nỗi lo lắng của gen Z khi làm việc chính là sự bất an, thiếu chắc chắn. Cảm giác bất an này ngày càng trầm trọng khi các bạn chuyển từ mô hình làm việc từ xa qua mô hình làm việc toàn thời gian ở văn phòng.

Nhà tâm lý học lâm sàng Ellen Hendriksen nhận định gen Z lớn lên trong thời đại kỹ thuật số, lượng thông tin gần như không giới hạn nên các bạn rất ít khi phải trải qua sự thiếu chắc chắn trong cuộc sống.

Bà Hendriksen lấy ví dụ khi cần biết nơi để đi, gen Z có thể dùng Google Maps, khi muốn đi ăn ở nhà hàng mới, các bạn có thể xem trước thực đơn. Nhưng khi chuyển đến công ty làm việc, các bạn lại trở nên bất an vì không thể "xem trước" môi trường văn phòng trông như thế nào.

Điều này càng trầm trọng hơn khi các bạn đã làm việc online một thời gian dài, đã quen với cách giao tiếp với đồng nghiệp, khách hàng thông qua các nền tảng trực tuyến. Nên khi phải gặp gỡ những người đó, có thể lao động trẻ sẽ khó thích nghi.

“Sự lo lắng được duy trì bằng cách trốn tránh. Phản ứng đầu tiên của chúng ta khi lo lắng thường là trốn tránh điều khiến chúng ta sợ hãi. Vì vậy, nếu lo lắng về việc phát biểu trong cuộc họp, chúng ta có thể giữ im lặng. Nếu lo lắng về việc nhận cuộc gọi điện thoại, chúng ta sẽ để những cuộc gọi đó sẽ chuyển vào hộp thư thoại", bà Hendriksen nêu ví dụ.

Thiếu kinh nghiệm đối phó với sự bất an nở nơi làm việc đã góp phần tạo ra một vấn đề được gọi là "mơ hồ về khoảng cách kỹ năng". Khái niệm này do nhà văn Michelle P. King đặt ra.

Sự mơ hồ này được thể hiện trong các nhiệm vụ công việc, ví dụ như khi gen Z phải giải quyết các vấn đề chưa có giải pháp rõ ràng hoặc thực hiện nhiệm vụ mới lạ và đòi hỏi tính tư duy sáng tạo.

Một số gen Z đang gặp khó khăn trong việc quản lý cách làm việc. Họ cũng thiếu tự tin khi đưa ra quyết định tại nơi làm việc khi không có đầy đủ thông tin chi tiết.

Sự thiếu kinh nghiệm này cũng gây ra tác động về mặt tương tác xã hội. Trong một khảo sát với 2.000 lao động gen Z ở Anh và Mỹ, cứ 10 người lại 9 người cho biết họ tránh các sự kiện gặp mặt trực tiếp vì cảm thấy lo lắng và 1/4 nói rằng họ không thoải mái khi nêu ý kiến trong các cuộc họp nhóm.

Từ những số liệu này, ông Michelle P. King đề xuất những người sử dụng lao động phải giúp đỡ nhân viên trẻ, thu hẹp khoảng cách kỹ năng bằng cách cung cấp những buổi huấn luyện, đồng thời góp ý để lao động trẻ hiểu rõ vấn đề của mình đang nằm ở đâu, từ đó học cách điều chỉnh tác phong giao tiếp để kết nối với đồng nghiệp ở văn phòng.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Mặc kệ sếp mắng, gen Z vẫn đi học để không thất nghiệp

Làm việc trong giai đoạn thị trường lao động biến động, nhiều người trẻ sẵn sàng bỏ tiền, thời gian tham gia nhiều khóa học để cải thiện kỹ năng và làm đẹp hồ sơ nghề nghiệp.

Thái An

Bạn có thể quan tâm