Nhiều sinh viên dành thời gian để chia sẻ việc học và trả lời thắc mắc của người hâm mộ. Ảnh: Pexels. |
Liu Jianing (sống ở Thượng Hải, Trung Quốc) chưa bao giờ có ý định trở thành người nổi tiếng trên mạng.
Kể từ khi đăng ký học tại Đại học Phúc Đán vào khoảng 5 năm trước, Liu thường xuyên đăng bài lên mạng xã hội để chia sẻ hành trình học tập của mình. Đây cũng là cách để nữ sinh nhìn nhận sự tiến bộ của bản thân và động viên bản thân cố gắng hơn.
Chính điều này khiến Liu trở thành người nổi tiếng, cụ thể là với vai trò blogger học tập, thu hút hàng chục nghìn người theo dõi ở Trung Quốc. Đối tượng người theo dõi đông nhất chính là học sinh, sinh viên, theo Sixth Tone.
Thông thường, những bài đăng của Liu trên mạng xã hội xoay quanh cuộc sống và việc học thường ngày. Đến đầu năm 2023, cô chia sẻ hình ảnh những lá thư thông báo trúng tuyển bậc cao học từ 4 trường đại học danh tiếng.
Liu khoe với người hâm mộ việc trúng tuyển 4 chương trình cao học. Ảnh: Sixth Tone. |
Dành cả ngày để tương tác với người hâm mộ
Kể từ năm nhất đại học, Liu bắt đầu thu hút được một lượng người theo dõi đáng kể.
Giống như nhiều bạn cùng lớp, cô mở tài khoản Weibo khi mới lên đại học. Tuy nhiên, cô chỉ bắt đầu sử dụng nền tảng này một cách nghiêm túc khi tham gia một khóa học tự chọn. Khóa học này yêu cầu sinh viên tạo ra nội dung mạng xã hôi cho riêng mình.
Thông qua hướng dẫn của giảng viên, Liu học theo phong cách đăng bài của một số blogger và cập nhật trạng thái của bản thân gần như mỗi ngày.
Thực ra, từ hồi trung học, Liu đã có thói quen chia sẻ việc học lên nền tảng Baidu Tieba. Do đó, khi làm nội dung Weibo, cô cũng chia sẻ quá trình học tập của bản thân.
Để thu hút tương tác, nữ sinh thường xuyên mở Weibo và tương tác với người hâm mộ liên tục cả ngày. Mỗi làn lên mạng, cô sẽ dành 2-3 giờ để trả lời bình luận, tin nhắn.
Ngoài lượt theo dõi khủng, Liu cũng thấy rất hãnh diện khi một cố vấn học tập ở trường nói người đó đã xem trang cá nhân của cô và gọi cô là người nổi tiếng trên mạng. Nữ sinh cũng tình cờ gặp một sinh viên khóa dưới, sinh viên này cho biết bạn đã là fan của Liu từ lớp 12.
Áp lực vì nổi tiếng
Khi phân tích dữ liệu trên nền tảng, Liu Jianing nhận thấy phần lớn người trẻ theo dõi cô vì cô đang học ở Đại học Phúc Đán - trường đại học top đầu Trung Quốc.
Nhận thấy việc trở thành sinh viên của một đại học danh tiếng chính là lợi thế, Liu quyết định "gắn thẻ" Đại học Phúc Đán trong mọi bài đăng, từ tòa nhà nghệ thuật, thư viện, tòa nhà giảng dạy...
Một bài đăng của Liu thường có 9 bức ảnh để trông thu hút hơn. Ảnh: Sixth Tone. |
Khi lượng người hâm mộ ngày càng tăng, Liu bắt đầu nhận được tin nhắn từ học sinh, bày tỏ sự lo lắng về kỳ thi đại học. Thậm chí, một số người nhắn tin cho Liu để xin lời khuyên đối phó với chứng trầm cảm hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.
Khi đó, Liu bắt đầu suy nghĩ về tầm ảnh hưởng của mình. Đôi khi, cô sẽ đăng những bài viết mang tính động viên người hâm mộ, nhưng chỉ để ở chế độ chỉ người theo dõi xem được.
Dù vậy, cô vẫn sợ lời nói của mình bị hiểu sai. Mỗi lần đăng bài cô khai, nữ sinh đều phải kiểm tra cẩn thận, đảm bảo nội dung của mình ngắn gọn và không gây hiểm lầm.
Sự nổi tiếng cũng khiến Liu áp lực mỗi lần đăng ảnh. Thông thường, cô sẽ cố đăng 9 bức ảnh trong mỗi bài đăng để thu hút nhiều lượt thích và bình luận. Nếu không tìm được đủ 9 ảnh, nữ sinh sẽ tự trách mình và cảm thấy lo lắng.
Ngoài tài khoản Weibo chia sẻ thành tích và kinh nghiệm học tập, Liu còn một "acc clone" để trút bầu tâm sự.
Ở tài khoản chính với hàng chục nghìn người theo dõi, từ mà Liu sử dụng nhiều nhất là "bận".
"Ngủ sớm, dậy sớm, học 8 giờ mỗi ngày, giống như đi làm toàn thời gian vậy. Đến cuối tháng, tôi nhận ra tôi bỏ mất 3 ngày học thuộc lòng", nữ sinh chia sẻ lên trang cá nhân.
Dùng sự nổi tiếng để làm đẹp CV
Vào cuối đại học, dù nhận thư trúng tuyển thạc sĩ từ 4 trường đại học, Liu vẫn căng thẳng vì đang tìm công ty để thực tập.
Đối với nữ sinh, quá trình thực tập sẽ giúp cô chuẩn bị cho công việc sau này. Nhưng Liu lại gặp một vấn đề là cô chưa rõ mình muốn làm gì vì cô cảm thấy các công việc về cơ bản đều giống nhau.
Khi nộp hồ sơ tìm việc, Liu đã thêm kinh nghiệm làm blogger vào CV của mình. Sau này, mỗi lần phỏng vấn, dù là phỏng vấn cho công ty công nghệ hay quảng cáo, nữ sinh đều mong đợi được hỏi về trải nghiệm làm blogger học tập.
Liu hiểu rằng sự nổi tiếng trên không gian mạng có thể mang lại những lợi thế nhất định trong giai đoạn tìm việc.
Hiện, Liu đã tốt nghiệp đại học và tiếp tục học thạc sĩ ở Hong Kong (Trung Quốc). Khi bắt đầu cuộc sống học tập sau đại học, Liu vẫn tiếp tục làm blogger và chia sẻ những hoạt động thường ngày ở vùng đất mới.
Liu cũng giải thích rằng cô ấy đang theo học chương trình thạc sĩ kéo dài một năm. Vì thế, cô sẽ sớm phải tính đến chuyện tìm việc. Đối với cô gái trẻ, giai đoạn tiếp theo mới thực sự là giai đoạn đáng sợ nhất.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.