Sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều người trẻ Trung Quốc chọn thi công chức thay vì học lên thạc sĩ. Ảnh: Bloomberg. |
Mindy Li không còn thấy cao học mang lại giá trị.
Sau khi tốt nghiệp một trường đại học hạng trung ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), Li hoàn toàn từ bỏ ý định học cao học, bất chấp sự thúc giục của gia đình. Đối với cô, chuyên ngành Văn học Trung Quốc vốn đã khiến cử nhân khó tìm việc, nay lại càng lao đao hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Đối với cô gái trẻ, lối thoát duy nhất bây giờ là thi công chức.
"Ngay nay, quá nhiều người có bằng thạc sĩ nên tấm bằng đó không còn giá trị như trước nữa. Tôi mất 2-3 năm học thạc sĩ cũng chẳng để làm gì vì cuối cùng vẫn phải thi công chức", Li nói với SCMP.
Người trẻ Trung Quốc thất nghiệp nhiều chưa từng có. Ảnh: SCMP. |
Chê cao học, mê công chức
Thay vì học lên cao, người trẻ Trung Quốc chỉ muốn ưu tiên tìm việc. Những cử nhân mới ra trường như Li dần quay lưng với kỳ thi tuyển sinh sau đại học khắc nghiệt. Thay vào đó, họ hướng đến một mục tiêu chung là thi công chức, vào nhà nước để có sự nghiệp ổn định.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, vào năm 2023, sau 8 năm tăng liên tiếp, số người đăng ký kỳ thi tuyển sinh sau đại học nay đã giảm 360.000 người. Nếu xét theo tổng số, lượng người chọn cao học vẫn ở mức cao với 4,38 triệu người, nhưng nhìn chung đã giảm 7,6% so với năm 2022.
Trong khi đó, vào tháng 11/2023, Trung Quốc ghi nhận con số kỷ lục 2,25 triệu người cạnh tranh trong kỳ thi công chức để giành 39.600 suất làm việc tại các cơ quan trung ương và tổ chức trực thuộc.
Ở đất nước tỷ dân, những công việc nhà nước được gọi là "bát cơm sắt" vì ổn định, quyền lợi được đảm bảo mặc dù mức lương tương đối thấp.
"Bát cơm sắt" này ngày càng trở nên hấp dẫn khi các công ty nước ngoài dần rút lui, doanh nghiệp tư nhân trong nước lao đao vì kinh tế khó khăn. Tìm được một công việc ổn đinh ở công ty tư nhân hiện trở thành bài toán khó đối với lao động trẻ Trung Quốc, đặc biệt với cử nhân mới ra trường.
Tháng 6/2023, Cục Thống kê Quốc gia báo cáo tỷ lệ thất nghiệp ở người 16-24 tuổi là 21,3%, phá kỷ lục so với số liệu được công bố năm 2018. Đến tháng 7, cục này đã phải ngừng công bố báo cáo mới vì tỷ lệ thất nghiệp thậm chí còn cao hơn đợt tháng 6.
Nhà nghiên cứu giáo dục Chen Zhiwen cho biết số lượng người học cao học giảm dần là minh chứng cho việc người trẻ đang trở nên lý trí hơn vì họ nhận ra tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ cũng không đảm bảo giúp họ tìm được công việc tốt hơn.
Đề cập những tin tức liên quan việc người có bằng thạc sĩ đi làm ký túc xá hay giám sát phân loại rác, ông Chen nói đây có thể là những trường hợp cực đoan, nhưng rõ ràng nó vẫn khiến mọi người hạ thấp kỳ vọng về tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Chưa kể, chi phí cũng là một phần lý do khiến nhiều người từ bỏ việc học cao học.
"Hầu hết trường đại học Trung Quốc đều có học phí phải chăng, thậm chí nhiều trường còn rẻ hơn mẫu giáo. Nhưng đó chỉ là chương trình đại học, chương trình cao học lại là chuyện khác vì các chương trình cấp bằng chuyên nghiệp đều đòi hỏi mức học phí khá lớn", ông Chen nêu.
Làm việc nhà nước mang lại sự ổn định, nhiều người không dám đánh đổi để học lên cao hơn. Ảnh: Reuters. |
Chỉ mong được ổn định
Bàn thêm về hướng đi sự nghiệp của người trẻ, ông Chen cho biết việc nhiều người chọn công việc ổn định ở doanh nghiệp nhà nước đã đánh dấu sự dịch chuyển mạnh mẽ trong xu hướng việc làm.
Trước đây, vào những năm 1990, khi nền kinh tế Trung Quốc mở rộng, cử nhân mới ra trường có xu hướng tìm việc ở các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng hiện tại, ai cũng chỉ mong được làm nhà nước cho yên ổn.
"Hồi đó, mọi người đổ xô đi làm ở công ty tư nhân và nước ngoài. Những người làm việc ở cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước sẽ phải nộp phạt nếu muốn nghỉ việc để nhảy qua công ty tư nhân. Nhưng giờ đây, sau 3 năm dịch bệnh, mọi người dần nhận ra tầm quan trọng của sự ổn định", ông Chen nêu vấn đề.
"Không dám từ bỏ" là điều mà Rose Ni (sinh năm 1999) đề cập đến khi nói về sự nghiệp hiện tại của mình. Sau khi ra trường vào năm 2021, Rose làm việc ở một cơ quan chính phủ tại Cám Châu (tỉnh Giang Tây).
So với bạn bè đồng trang lứa, Rose cảm thấy vị thế của mình cao hơn hẳn một bậc vì được làm nhà nước, công việc rất ổn định.
Hiện, công việc của Rose là xử lý các vấn đề pháp lý cơ bản. Cô cũng có tham vọng trở thành luật sư. Nếu trở thành luật sư, cô phải học cao học, nhưng điều đó sẽ đồng nghĩa với việc cô buộc phải từ bỏ công việc mà nhiều người dòm ngó ở thời điểm hiện tại.
"Cuối tháng 12, tôi sẽ thi đầu vào nhưng vẫn phân vân không biết có nên tham dự hay không. Lý do là làm nhà nước vẫn ổn định hơn, tôi sẽ không phải lo việc bị sa thải hay đấu tranh để đạt được thành tích trong khi bạn bè tôi làm công ty tư nhân phải cố gắng vì những điều như vậy", Rose nói.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.