Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Anh em ông Đoàn Văn Vươn đề nghị thay đổi tội danh

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý (em trai ông Vươn), Đoàn Văn Sịnh (anh trai ông Vươn) đều đề nghị tòa thay đổi cho các bị cáo tội danh “giết người” thành tội “phòng vệ chính đáng”.

Anh em ông Đoàn Văn Vươn đề nghị thay đổi tội danh

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý (em trai ông Vươn), Đoàn Văn Sịnh (anh trai ông Vươn) đều đề nghị tòa thay đổi cho các bị cáo tội danh “giết người” thành tội “phòng vệ chính đáng”.

Trước đó, trong đơn kháng cáo, các bị cáo này chỉ xin tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt.

Phiên tòa phúc thẩm vụ án “giết người, chống người thi hành công vụ” được bắt đầu từ 8h20 sáng nay 29/7. Có tất cả 9 luật sư (một luật sư vắng mặt) tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo và bị hại.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Đề nghị công bố băng ghi hình buổi cưỡng chế

Sau phần kiểm tra căn cước, Luật sư Trần Vũ Hải, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn), Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý) - bị kết tội “chống người thi hành công vụ” - đề nghị tòa triệu tập thêm một số nhân chứng, người liên quan, công bố thêm một số chứng cứ liên quan đến vụ án.

Luật sư Hải đề nghị tòa triệu tập các ông Lê Văn Hiền (nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng), Nguyễn Văn Khanh (nguyên Phó chủ tịch UBND huyện, trưởng ban cưỡng chế), Phạm Xuân Hoa (trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện) vì có ký một số văn bản, chịu trách nhiệm chỉ đạo, lập sơ đồ phục vụ công tác cưỡng chế, thu hồi diện tích đầm của gia đình ông Vươn.

Luật sư Hải cũng đề nghị Tòa triệu tập ông Lưu Trọng Hân, Trưởng đài phát thanh huyện Tiên Lãng vì ông Hân được giao quay phim toàn bộ quá trình trước và sau cưỡng chế. Luật sư đề nghị Tòa làm rõ có băng ghi hình này hay không? Ông Hân đã giao băng ghi hình cho cơ quan tố tụng chưa. “Vì nhiều tình tiết các bị cáo và bị hại khai khác nhau nên băng ghi hình sẽ khách quan”, Luật sư Hải nói.

Luật sư Hải cho biết sau buổi cưỡng chế, đài truyền hình Trung ương đã phát công khai hai đoạn băng, trong đó có những đoạn nổ súng. Luật sự Hải đề nghị Tòa phúc thẩm cho phát đoạn băng ghi hình này để đánh giá lời khai của các bị cáo, bị hại có khách quan hay không. Những chứng cứ, chi tiết nào cần giám định thì trưng cầu giám định lại.

Về những đề nghị của luật sư, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ quyền công tố tại tòa đã nhận được đề nghị này của luật sư trước phiên tòa. Theo quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bản án của phiên sơ thẩm đã kết tội các bị cáo hai tội danh “giết người” và “chống người thi hành công vụ”. Theo đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bị cáo và bị hại trong vụ án đều có mặt đầy đủ, trong đó những người bị hại cũng là những người thi hành công vụ. Nên những đề nghị của luật sư về việc triệu tập thêm một số người khác là không cần thiết.

Sau khi xem xét các đề nghị này, HĐXX thông báo căn cứ vào các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, xác định không cần thiết phải mời hết những người liên quan. Vì vậy phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.

Các bị cáo đề nghị thay đổi tội danh “giết người”

Trong phần xét hỏi, tất cả các bị cáo bị kết tội “giết người” như trong bản án sơ thẩm gồm Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ đều đề nghị bổ sung nội dung kháng cáo. Theo đó các bị cáo này xin thay đổi tội danh và đề nghị giảm nhẹ hình phạt.

Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Đoàn Văn Vươn cho biết đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng về quyết định thu hồi diện tích 19,3ha đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình. Tuy nhiên, do những kiến nghị không được giải quyết, khi UBND huyện tiến hành thu hồi thì gia đình sẽ mất trắng nên bị cáo Vươn đã bàn bạc cùng một số người thân trong gia đình lên kế hoạch chống lại đoàn cưỡng chế, chuyển vụ việc từ vụ án hành chính dân sự sang vụ án hình sự để các cơ quan có thẩm quyền cấp trung ương vào cuộc và giải quyết kiến nghị.

Trả lời trong phần xét hỏi, bị cáo Vươn tiếp tục khẳng định giống như trong phiên sơ thẩm rằng khi trao đổi với Quý đi mua súng, đạn đều dặn không mua súng quân sự mà mua súng hoa cải, đạn chì dùng bắn chim để khi bắn không gây nguy hiểm đến tình mạng của những người trong đoạn cưỡng chế. “Bị cáo không tham gia nhồi đạn. Bị cáo hướng dẫn Quý không dùng súng và đạn bắn thú mà chỉ dùng loại bắn chim. Khi đoàn cưỡng chế đến, cỡ khoảng cách ngoài 20m thì nổ súng vì sợ bắn gần nguy hiểm”, bị cáo Vươn nói tại tòa.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc có nói và có nghe ai nói những câu như “bắn chết mẹ nó đi”, “nó cướp thì phải bắn nó” trong lúc bàn bạc kế hoạch chống lại đoàn cưỡng chế, các bị cáo Vươn, Quý, Sịnh đều khẳng định không nói và không nghe thấy ai nói. Các bị cáo khẳng định thêm khi chôn mìn, kíp nổ bình ga đã chọn ví trí cách nhà khoảng 4-50m để đảm bảo an toàn cho người thân và có khoảng không an toàn, không gây nguy hiểm đến tính mạng của những người tham gia cưỡng chế.

Các bị cáo Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu (tức Hiền) tiếp tục khẳng định các hành vi rải rơm, làm hàng rào, mua xăng là những việc làm bình thường hàng ngày để phục vụ sản xuất và bảo vệ tài sản. Hai bị cáo này đều đề nghị Tòa hủy bản án sơ thẩm, bồi thường tổn hại về tinh thần cho mình.

Chiều nay phiên tòa tiếp tục.

Theo Tuổi Trẻ

 

 

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm