Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ảnh hưởng của giấc ngủ và vận động đến chiều cao của trẻ

Bạn có biết ở trẻ em, hormone tăng trưởng GH giải phóng nhiều nhất khi trẻ ngủ sâu giấc?

Thai nhi lớn lên trong bụng mẹ thế nào? Em bé sẽ phát triển dần theo từng tuần, từng tháng, cuối cùng ở tuần 40, thai nhi có kích thước bằng quả dưa hấu.

Tầm vóc hay chiều cao của trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ chế độ dinh dưỡng và di truyền. Trong khi di truyền là yếu tố không thể thay đổi, chế độ dinh dưỡng là điều các gia đình cần chú ý để đảm bảo cho con phát triển tốt. Trong đó, vitamin K2, vitamin D và canxi là những dưỡng chất cần thiết giúp trẻ phát triển chiều cao tốt hơn.

Một số yếu tố khác cũng có tầm ảnh hưởng quan trọng đến tăng trưởng xương, phát triển chiều cao cho trẻ. Điển hình là giấc ngủ và vận động. TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Y học Ứng dụng, chia sẻ về tác động của hai yếu tố này đến sự phát triển chiều cao của trẻ.

Giấc ngủ

Sự phát triển chiều cao cũng như toàn bộ cơ thể của trẻ chịu tác động của hormone tăng trưởng GH. Chúng được giải phóng trong suốt cả ngày, nhưng đối với trẻ em, nó được giải phóng nhiều nhất là khi bé bắt đầu giấc ngủ sâu.

Trẻ ngủ không đủ giấc khiến hàm lượng GH được tiết ra sẽ không đủ, gây cản trở quá trình phát triển chiều cao. Nếu ngủ quá muộn, trẻ sẽ trễ mất khoảng thời gian vàng để có thể giải phóng được lượng GH lớn nhất.

Bên cạnh đó, các bằng chứng khoa học cũng chỉ ra rằng chiều cao của trẻ phát triển mạnh vào ban đêm do sự tăng trưởng chiều dài xương diễn ra khi trẻ đi ngủ không chỉ bởi hormone GH mà còn vì áp lực lên xương và sụn. Khi đi ngủ và trẻ nằm đúng tư thế, không có sức ép hoặc áp lực lên xương và sụn. Điều này giúp xương và sụn không bị cản trở trong quá trình phát triển.

Nếu thời gian ngủ của trẻ quá ít hoặc nằm sai tư thế, áp lực do trọng lượng lên xương hoặc xương bị xoắn vặn, gây cản trở sự phát triển, tăng trưởng chiều dài xương và tầm vóc cao lớn của trẻ.

cach tang chieu cao cho tre anh 1
Tháp vận động dành cho trẻ. Ảnh: Viện Y học Ứng dụng cung cấp.

Vận động

Mức độ hoạt động thể chất là yếu tố quyết định quan trọng cho phản ứng tạo xương. Mô xương, giống như các mô khác, phù hợp với các hoạt động thể chất hàng ngày thông thường. Các hoạt động tạo ra lực cơ lớn hơn trên xương, chẳng hạn như bài tập đối kháng và các hoạt động "tác động" với các lực phản lại trên mặt đất lớn hơn bình thường có tác dụng thúc đẩy quá trình khoáng hóa và mô hình hóa.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hoạt động thể chất có thể làm giảm nguy cơ gãy xương liên quan đến loãng xương bằng cách tăng tích lũy khoáng chất trong quá trình phát triển xương, tăng cường độ chắc khỏe của xương, giảm nguy cơ gãy do té ngã bằng cách cải thiện sức mạnh cơ bắp, tính linh hoạt, khả năng phối hợp các chi và cân bằng của cơ thể.

Thời kỳ tiền dậy thì là giai đoạn phát triển quan trọng của xương. Khoảng 26% hàm lượng khoáng chất trong xương người trưởng thành được tích lũy trong suốt 2 năm xung quanh thời gian xương phát triển nhanh nhất. Sự gia tăng khoáng chất góp phần tăng cường độ xương. Khoáng chất tích tụ trên bề mặt quanh xương, giúp phát triển bề ngang của xương.

Vận động hợp lý giúp tăng cường sức khỏe chung, điều hòa hoạt động của hệ nội tiết, trong đó có tuyến yên, tuyến giáp. Nhờ đó, hệ nội tiết tiết ra các kích thích tố tăng trưởng GH giúp tận dụng hết tiềm năng di truyền, đồng thời kích thích sự phát triển của tế bào xương, tăng chiều dài của xương.

Mối liên quan giữa giấc ngủ và vận động

Giấc ngủ và vận động không chỉ có tác động đến chiều cao mà còn có ảnh hưởng lẫn nhau. Ngủ không đủ sẽ khiến trẻ mệt mỏi vào sáng ngày tiếp theo, không đủ tỉnh táo để có thể học tập và hoạt động bình thường, thậm chí là có thể mệt mỏi cả ngày.

Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các hoạt động vận động của trẻ. Bé sẽ không hoạt động và vận động ở trạng thái tốt nhất và cũng có thể không muốn vận động, cũng như nghỉ muốn ngồi một chỗ. Thiếu vận động sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cơ thể, sự phát triển của cơ thể và đặc biệt là sự phát triển xương và chiều cao, cụ thể là phản ứng tạo xương, quá trình khoáng hóa xương.

Bên cạnh đó, hoạt động thể chất hay vận động không chỉ tốt cho sự phát triển chiều cao mà còn giúp cho trẻ ngủ tốt hơn. Vận động giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và tăng thời gian ngủ. Tập thể dục cũng giúp thúc đẩy giấc ngủ theo nhiều cách khác nhau bao gồm giảm căng thẳng.

Vận động vào buổi sáng và buổi trưa cũng có thể giúp thiết lập lại chu kỳ giấc ngủ hàng ngày của trẻ. Không chỉ vậy, việc hoạt động thể chất ngoài trời vào buổi sáng cũng giúp trẻ có thể thu nạp được ánh nắng mặt trời để cơ thể sản sinh vitamin D giúp hấp thụ canxi.


Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm