Theo Webmd, ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc10-16h, do đó, bạn không nên hoặc hạn chế làm việc, đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian này.
Đây là thời điểm ánh nắng mặt trời chứa rất nhiều tia cực tím (tia UV), đặc biệt là tia UVA và UVB. Dưới đây là một số tác hại mà tia UV có thể gây ra đối với sức khỏe con người.
Ung thư da
Theo thống kê,1/5 người Mỹ bị mắc ung thư da và một người Mỹ chết vì căn bệnh này mỗi giờ. Tiếp xúc với tia cực tím mà không được bảo vệ là nguy cơ phổ biến nhất gây ra căn bệnh này.
Khối u ác tính
U ác tính là dạng nghiêm trọng nhất của ung thư da và phổ biến ở độ tuổi 15-29, khiến 75% người bệnh tử vong. Tiếp xúc tia UV và cháy nắng, đặc biệt trong thời thơ ấu, là những nguyên nhân gây bệnh.
Ung thư mô tế bào cơ bản
Đặc điểm của bệnh là xuất hiện u hoặc cục bướu trên đầu, cổ hoặc một số vùng da khác. Loại ung thư này phát triển chậm, ít lan ra các khu vực khác, nhưng có thể ảnh hưởng đến xương và gây tổn hại đáng kể.
Ung thư mô tế bào hình vảy
Khối u xuất hiện với cục bướu nhỏ hoặc màu đỏ, các đốm có vảy. Bệnh phát triển nhanh thành khối lớn và dễ lây lan tới các bộ phận khác trên cơ thể.
Lão hóa da
Nếu không được bảo vệ vào thời điểm từ 10-16h, da sẽ lão hóa nhanh và trở nên nhăn nheo. Theo các nhà khoa học, 90% sự thay đổi trên da là do ánh sáng mặt trời.
Tổn hại mắt
Đây là một dạng tổn thương về mắt khi thủy tinh thể bị ảnh hưởng làm mờ thị lực, nếu không chữa trị có thể dẫn đến mù lòa. Nghiên cứu cho thấy bức xạ UV làm tăng khả năng gây đục thủy tinh thể.
Ngoài ra, một số tổn thương về mắt khác do ánh nắng mặt trời như “mộng thịt” (sự phát triển mô có thể che mất thị lực), ung thư da quanh mắt, thoái hóa điểm vàng (một điểm của võng mạc, nơi nhận thức về hình ảnh).
Ức chế miễn dịch
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng tiếp xúc quá nhiều với tia UV có thể gây ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch và khả năng bảo vệ tự nhiên của da với nhiều loại bệnh tật như nhiễm trùng, ung thư.
Cách bảo vệ da khi ra ngoài
Nếu bắt buộc phải ra ngoài, bạn cần bảo vệ làn da với quần áo chống nắng, đội mũ, bôi kem chống nắng và không nên ở ngoài quá lâu. Khi chọn kem chống nắng, các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng loại kem có SPF lớn hơn 30 và chống thấm nước. bBạn cần ôi kem lên da khoảng 15-30 phút trước khi ra ngoài, thoa lại ít nhất 2 tiếng và sau khi đổ mồ hôi hoặc bơi lội.
Hãy nhớ rằng, tia UVA có thể xuyên qua cửa sổ và kính xe, vì vậy dù bạn đi bằng ô tô thì vẫn phải bảo vệ da bằng cách bôi kem chống nắng.
Nếu bạn nhận thấy có vết sưng, mụn, nốt ruồi đang thay đổi, phát triển hoặc chảy máu, bạn nên đi khám bác sĩ vì đó có thể là triệu chứng của ung thư da. Khi được phát hiện sớm, bệnh có thể điều trị hiệu quả.
Một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc chống trầm cảm hay thuốc điều trị tiểu đường có thể khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Vì vậy, bạn cần lưu ý khi sử dụng.
Ngoài ra, đây là thời điểm nền nhiệt độ ngoài môi trường ở mức đỉnh điểm trong ngày. Nếu tiếp xúc lâu, chúng ta rất dễ gặp tình trạng say nắng (sốc nhiệt). Thạc sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, say nắng có thể gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.