Anh phụ hồ quyết không để con bỏ học giữa chừng
“Dù có vay tiền cho con đi học tôi cũng quyết không để đứa nào phải bỏ học giữa chừng” - anh Nguyễn Xinh (35 tuổi), tổ 1, thôn 4, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, bộc bạch.
Vợ chồng chị Xuân bên những tấm giấy khen của các con |
Anh Xinh là một trong những hộ nông dân nghèo tiêu biểu của huyện Tiên Phước được trao vốn trong chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” ở Quảng Nam.
Phụ hồ nuôi con ăn học
Anh Xinh có bốn đứa con đang tuổi ăn học. Hằng ngày anh phụ hồ, kiếm tiền lo cho gia đình và nuôi con ăn học. Tuy nhiên đồng lương phụ hồ khoảng 80.000-100.000 đồng/ngày chỉ giúp anh trang trải cuộc sống gia đình chứ không đủ lo tiền học cho con. Để nộp học phí anh Xinh phải vay 15 triệu đồng tiền chính sách diện hộ nghèo trong xã.
Không đầu hàng cái nghèo, những lúc không phụ hồ anh Xinh lên rừng phát rẫy, trồng keo, hồ tiêu, quế để cải thiện cuộc sống. Hiện giờ anh đang trồng khoảng 5 sào keo với hi vọng vài năm nữa bán kiếm tiền lo cho con.
Biết ba cực khổ, các con của anh luôn ngoan ngoãn, nỗ lực học tập. Các bé Vy, Trinh, Quỳnh liên tục mấy năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nguyện vọng lớn nhất của anh Xinh là có một số vốn cho vợ mua thêm heo, bò phát triển chăn nuôi, lấy tiền nuôi con ăn học đến cùng.
“Căn nhà của tôi đã cũ kỹ không có tiền sửa, mái ngói bị dột khi trời mưa... Nhưng mặc kệ, miễn có tiền lo cho mấy đứa con học hành đàng hoàng, nên người, cực khổ mấy tôi cũng vui” - anh Xinh nói.
Gia tài cho con chỉ có đàn gà
Đã nhiều năm qua chị Ngô Thị Xuân, thôn 5, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, là lao động chính trong nhà. Chồng mắc bệnh hiểm nghèo không làm ăn được, mình chị lo cho bảy đứa con ăn học nên người. Hằng ngày, sau khi làm xong việc nhà, chị Xuân lại phải làm thuê, làm mướn để kiếm thêm tiền lo cho gia đình. Nhà đã nghèo lại càng nghèo hơn khi phải gánh số nợ hàng trăm triệu đồng tiền chữa bệnh cho anh Liêm - chồng chị Xuân.
Thời gian trước chị Xuân đã vay mượn tiền để làm chuồng gà, mua mấy chục con gà giống với hi vọng đàn gà sẽ giúp chị có tiền nuôi con ăn học. Một tay chị mua tre về sửa sang chuồng, chăm sóc chu đáo cho đàn gà. Bởi chị biết đó là tất cả gia tài mà chị dành cho con. Chị Xuân còn sửa sang lại vườn nhà, trồng thêm cây ăn quả như cam, bưởi, có thêm đồng ra đồng vô... Ngoài ra chị Xuân còn học cách chăm sóc keo, trồng hơn 1.000 cây keo gần một năm tuổi trên 2 sào đất.
Hết chăm keo chị Xuân lại xoay qua làm 4 sào lúa, rồi phụ hồ, phát keo thuê cho hàng xóm... Cực khổ là vậy nhưng chị Xuân rất hạnh phúc vì con cái học hành chăm chỉ, gặt hái nhiều kết quả tốt. Ngoài hai đứa con lớn đã ra trường, làm việc ở TP.HCM, chị còn năm đứa con đang theo học các trường đại học, trung học phổ thông. Cả Khả, Luyến, Khởi, Khẩn, Khôi đều học khá, giỏi.
Mỗi tháng chị Xuân lại chắt mót gửi gần 8 triệu đồng sinh hoạt phí cho năm đứa con. Chị mong có một số vốn để mở rộng chuồng gà, mua thêm gà giống để lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Dù làm việc quần quật, chị quyết không để con mình phải bỏ học giữa chừng. Ước mơ lớn nhất của đời chị là nhìn thấy con cái ăn học thành tài. Với ước mơ ấy chị càng vững tin làm lụng, tất cả vì tương lai của đàn con.
Theo Tuổi Trẻ