Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ánh sáng tự nhiên với sức khỏe con người

Có nhiều nhân tố khác nhau ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả làm việc của con người trong môi trường công sở. Bài viết này tập trung vào một trong những nhân tố đó: ánh sáng.

Có nhiều nhân tố khác nhau ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả làm việc của con người trong môi trường công sở. bài viết này xin tập trung vào một trong những nhân tố đó: Ánh sáng.

Ánh sáng không chỉ cần thiết những khi chúng ta đọc sách hay làm việc với máy vi tính, mà nó còn có vai trò lớn lao hơn trong việc đảm bảo sức khỏe và nâng cao hiệu quả làm việc của con người.

Một cuộc khảo sát gần đây của Viện Thiết kế nội thất Hoa Kỳ cho thấy, 68% số người đi làm ở Mỹ không hài lòng với thiết kế chiếu sáng trong cơ quan nơi họ công tác.

Nguyên nhân chủ yếu của điều này là phần lớn môi trường công sở hiện nay được thiết kế hoặc quá thiếu sáng, hoặc quá dư thừa ánh sáng.

anh sang tu nhien tot cho suc khoe anh 1

Những hạn chế của ánh sáng nhân tạo

Tình trạng thiếu ánh sáng có thể gây tác động tiêu cực lên năng suất làm việc của con người bằng nhiều cách. Khi phải đọc sách hoặc làm việc trong điều kiện thiếu sáng, chúng ta rất dễ bị mỏi mắt hoặc đau đầu, bởi đôi mắt của chúng ta sẽ phải hoạt động cật lực hơn để nhìn rõ mọi sự vật.

Môi trường thiếu ánh sáng còn có thể khiến chúng ta dễ buồn ngủ hoặc mất tập trung, dẫn đến hiệu quả làm việc kém hoặc sai sót trong công việc.

Tình trạng dư thừa ánh sáng hoặc ánh sáng chói lòa cũng gây tổn hại sức khỏe con người không kém gì sự thiếu sáng. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học khẳng định các tác hại của đèn huỳnh quang đối với sức khỏe con người, bao gồm gây mỏi mắt và kích hoạt chứng đau nửa đầu.

Tương tự như điều kiện thiếu sáng, ánh sáng gay gắt cũng khiến cho đôi mắt chúng ta không thể nhìn rõ và phải hoạt động nhiều hơn mức bình thường, về lâu dài dễ dẫn đến các dị tật về mắt.

Lợi ích của ánh sáng tự nhiên đối với sức khỏe con người

Trước những tác hại lâu dài về mặt sức khỏe của ánh sáng nhân tạo đã được khoa học chứng minh, ánh sáng tự nhiên chính là giải pháp tối ưu.

Trong một công trình nghiên cứu kinh điển được đăng tải trên tạp chí Facilities của Anh vào năm 1992, nhóm tác giả Duffy, Laing và Crisp đã khám phá ra rằng số lượng cửa sổ trong văn phòng chính là nhân tố số một quyết định mức độ hài lòng của nhân viên đối với môi trường làm việc của mình.

Theo các nhà khoa học này, ánh sáng không chỉ tác động lên các giác quan của con người, mà nó còn chi phối cả cảm xúc, tâm trạng, hành vi và sự cân bằng hoóc-môn trong cơ thể chúng ta.

Nghiên cứu này cho thấy những người nhân viên làm việc trong các không gian được thiết kế theo cách thức ưu tiên thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên có xu hướng vui vẻ và hài lòng hơn với công việc, với tỉ lệ vắng mặt và tỉ lệ bệnh tật thấp hơn hẳn những người phải làm việc trong các không gian đóng kín và tù túng.

Từ đó đến nay, nhiều công trình nghiên cứu tương tự cũng đã nhất trí rằng sự xuất hiện của ánh sáng tự nhiên trong nơi công sở làm tăng mức độ hài lòng của người đi làm đối với môi trường làm việc, từ đó giúp họ làm việc với năng suất và hiệu quả cao hơn.

Những kết quả nghiên cứu gần đây của Đại học Northwestern và Đại học Illinois Urbana - Champaign chỉ ra rằng việc được tiếp xúc với ánh sáng ban ngày trong nơi công sở giúp người đi làm có được giấc ngủ ngon và sâu hơn, có hứng thú vận động cơ thể và chơi thể thao nhiều hơn, và có chất lượng cuộc sống tốt hơn những người không được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên trong cơ quan.

Các nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của ánh sáng tự nhiên đối với sức khỏe của nhân viên văn phòng, đề xuất những người chủ công ty và giới kiến trúc sư tăng cường thiết kế những không gian làm việc ưu tiên ánh sáng mặt trời và thông thoáng tự nhiên.

Cụ thể, theo một kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Journal of Clinical Sleep Medicine vào tháng 6/ 2014, những người nhân viên được làm việc trong văn phòng có cửa sổ được tiếp xúc với ánh sáng trắng nhiều hơn 173% trong giờ làm việc và có giấc ngủ ngon trung bình nhiều hơn 46 phút so với những người không được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên ở cơ quan.

Bên cạnh đó, những người làm việc trong văn phòng có cửa sổ có xu hướng tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất đều đặn và thường xuyên hơn những người làm việc trong môi trường đóng kín và không có cửa sổ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những người làm việc trong văn phòng không cửa sổ có điểm số chất lượng cuộc sống thấp hơn hẳn những người kia, dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe và thường xuyên có giấc ngủ không trọn vẹn.

“Công nhân trong nhà xưởng và những người làm việc trong văn phòng là nhóm cư dân có nguy cơ cao nhất trong việc mắc phải các vấn đề về sức khỏe liên quan đến sự thừa hoặc thiếu ánh sáng, do họ thường xuyên phải sinh hoạt trong các không gian đóng kín hoặc môi trường ánh sáng nhân tạo vốn dĩ không có khả năng thay thế cho ánh sáng tự nhiên” - nhận định của bác sĩ thần kinh học Phyllis Zee đến từ Khoa Y Đại học Northwestern.

“Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ánh sáng tự nhiên - đặc biệt vào buổi sáng - có lợi cho sức khỏe con người, giúp chúng ta cảm thấy hưng phấn, tươi tỉnh và tập trung hơn trong các hoạt động hàng ngày.

Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, ánh sáng tự nhiên có tác dụng giúp nâng cao hiệu quả các quá trình trao đổi chất diễn ra bên trong cơ thể người, giúp chúng ta tăng cường sức khỏe và có sức đề kháng bệnh tật tốt hơn”, bác sĩ Zee khẳng định.

Giáo sư Mohamed Boubekri đến từ khoa Kiến trúc Đại học Illinois Urbana-Champaign đề xuất cho chúng ta một giải pháp đơn giản để cải thiện không gian nội thất công sở sao cho tất cả nhân viên làm việc bên trong đều được thụ hưởng lợi ích từ ánh sáng tự nhiên: “Nhiều cuộc đo đạc và thống kê cho thấy ánh sáng mặt trời chiếu qua cửa sổ vào trong nhà sẽ yếu dần và biến mất sau khoảng cách từ 6 - 7,6m kể từ cửa sổ.

Do vậy, hãy đảm bảo khu vực làm việc của các nhân viên trong văn phòng của bạn được bố trí trong phạm vi từ 6 - 7,6m tính từ bức tường có bố trí cửa sổ thông thoáng”.

“Ngày nay, những người đứng đầu các cơ quan, giới chủ doanh nghiệp và kiến trúc sư cần ý thức tầm quan trọng của chiếu sáng tự nhiên không chỉ để tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí vận hành công trình, mà đây còn là hành động thiết thực để đảm bảo sức khỏe của nhân viên, nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc của họ” - giáo sư Boubekri kết luận.

http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/anh-sang-tu-nhien-voi-suc-khoe-con-nguoi-2168263-l.html

Theo ThS.Phan Nguyễn Khánh Đan / Báo Giáo Dục Thời Đại

Bạn có thể quan tâm