Gắn với thời sự
Mới đây, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (bắt đầu ngày 11/6) xuất nhiện nhiều đề bài môn Ngữ văn thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Trong đó, Sở GD&ĐT TP HCM đưa đội tuyển U23 Việt Nam trong lễ chào cờ tại SEA Games 28 vào đề thi: "Lúc hát quốc ca, tôi có một cảm giác thật khó tả. Một điều gì đó thiêng liêng dành cho Tổ quốc dâng lên trong lòng tôi. Hát quốc ca làm cho ta có tinh thần mạnh mẽ, truyền cho ta khí thế hừng hực để sẵn sàng bước vào trận đấu".
Công Phượng xứng đáng nhận được lời khen sau màn trình diễn ấn tượng trước U23 Malaysia. Ảnh:Tùng Lê. |
Hôm 15/6, Sở GD&ĐT Vũng Tàu đưa Ánh Viên vào đề thi lớp 10. Trích đoạn về Ánh Viên có viết: “Tối 11/6, khép lại ngày thi đấu cuối cùng của môn bơi, Nguyễn Thị Ánh Viên tiếp tục thi đấu xuất sắc khi giành huy chương vàng 200 m bơi ếch. Đây là huy chương vàng thứ 8 của kình ngư số một Việt Nam ở SEA Games 28. Đây cũng là chiếc huy chương vàng thứ 9 của Đoàn Thể thao Việt Nam trong ngày”.
Đối với học sinh lớp 12, gần đến kỳ thi THPT quốc gia, hàng loạt đề thi thử đại học được các em quan tâm như: Hiện tượng tắm miễn phí công viên nước Hồ Tây, bạo lực học đường, Bphone và tính xấu người Việt...
Nhìn lại mùa tuyển sinh năm ngoái, vấn đề thời sự lúc ấy là Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta xuất hiện trong đề thi vào lớp 10 tại Hà Nội, và thi thử THPT quốc gia. Trước đó, đề thi đại học năm 2012 về thần tượng, Kpop (nhạc Hàn Quốc) từng gây xôn xao khi nhận được nhiều ý kiến bình luận trái chiều.
Có thể nói, xu hướng đề thi mang câu hỏi mở không còn xa lạ; được giáo viên, học sinh ủng hộ. Câu hỏi mở không chỉ xuất hiện trong đề bài môn Ngữ văn, mà còn mở rộng trong môn Tiếng Anh, Lịch sử...
Câu hỏi mở
Gần kỳ thi THPT quốc gia, xu hướng đề mở ngày càng được học sinh quan tâm. Tiến sĩ (TS) Trịnh Thu Tuyết - giáo viên Ngữ văn, THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết: “Phát huy tính chủ động tích cực của học trò, các đề thi những năm gần đây, cũng như đề minh hoạ THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT, được thiết kế theo hướng gợi mở năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của thí sinh. Nó không giới hạn ở bất kỳ phần nào trong số 'đọc hiểu' và 'làm văn' của đề minh hoạ, mà thể hiện trong tất cả các phần, câu”.
Cô giáo Trịnh Thu Tuyết và học trò. |
Theo tinh thần đó, cô Trịnh Thu Tuyết luôn cố gắng vận dụng đề mở Ngữ văn. Cuối tháng 5 vừa qua, cô đăng tải đề văn nghị luận xã hội mang hình ảnh Bphone, Running man Vũ Xuân Tiến và Flappy Bird.
Ngoài ra, những đề luận lần lượt được cô Tuyết ra cho học sinh như: Chương trình Sống tử tế, hội chứng chê bai, dìm hàng, ném đá trước những điều tốt đẹp của người khác; về cách sống, cách nghĩ của những con người được các em yêu thích, ngưỡng mộ, như Steve Jobs, Đỗ Nhật Nam...
Một số đề bài khác có thể gợi cho học sinh suy nghĩ về những điều bình dị của cuộc sống. Ví dụ, sự bình yên, nỗi sợ hãi, sự xấu hổ, hay nụ cười. Tất cả đều được cô Tuyết đưa vào đề văn, đơn giản mà gần gũi.
Cô bày tỏ: “Học sinh ngày càng chán, sợ học văn, bởi cách dạy tách rời cuộc sống. Những đứa trẻ vốn sống hồn nhiên với xúc cảm, suy nghĩ thật nhất của mình sẽ không thể hứng thú với điều xa lạ, khó hiểu, và nhiều khi áp đặt, khiên cưỡng với logic thông thường của cuộc sống, của tâm lý con người. Những đề luận hướng tới vấn đề uyên bác, xa xôi không thể đặt ra cho trẻ suy nghĩ chân thực, xúc cảm thấm thía. Kết quả là trẻ viết hời hợt, nhắc lại những điều các em đoán chắc là đúng lập trường, tư tưởng - chỉ không đúng với suy nghĩ của trẻ. Đơn giản vì chúng không hề quan tâm đến những vấn đề đó”.
Với những đề bài theo dạng mở, cô Tuyết cho biết, học trò rất hứng thú. Bởi, đề bài đã trao cho các em toàn quyền xác định, triển khai vấn đề, những vấn đề vừa gần gũi thiết thực với cuộc sống xung quanh, vừa nâng cao con người các em.
Xu hướng ra đề thi năm nay
Nói về xu hướng đề mở, cô giáo Vũ Mai Phương (một trong những người ra đề bài môn tiếng Anh xuất hiện hình ảnh Ánh Viên) dự đoán: Đề thi có thể xuất hiện một số chủ đề như chặt cây xanh ở Hà Nội, môi trường, chủ quyền biển đảo, lòng yêu nước...
Còn TS Trịnh Thu Tuyết quan niệm, mọi vấn đề đều có thể đưa vào môn Ngữ văn. Cô chia sẻ: “Có câu: Không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi. Vì vậy, mọi vấn đề xã hội xung quanh chúng ta đều đáng để các em quan tâm, suy nghĩ”.
TS Phạm Hữu Cường (giảng viên Ngữ văn lâu năm), phân tích: “Để giải quyết tốt các bài văn nghị luận xã hội, ngoài kiến thức được học trong trường, học sinh còn phải tăng cường kiến thức trên sách báo, truyền thông, đặc biệt những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.
Nghị luận xã hội là câu hỏi khá tự do, không có bài học sẵn trong sách, đòi hỏi tính chủ động rất cao ở học sinh. Vì thế, khi làm dạng bài này, học sinh phải rất linh hoạt và chủ động, thể hiện được những chính kiến của mình trước một vấn đề để bài đặt ra (chẳng hạn niềm tin, sự trung thực, vẻ đẹp tâm hồn, thái độ sống…) và phải có sự sáng tạo.
Trước đề thi tại Hải Phòng năm 2013 được cho rằng "mở", khi xuất hiện hình ảnh Bà Tưng, Ngọc Trinh, TS Trịnh Thu Tuyết quan niệm:
"Cần lưu ý, vấn đề luận bàn gần gũi, quen thuộc, thiết thực, nhưng phải hướng tới thiết lập những giá trị Chân - Thiện - Mỹ, chứ không nuông chiều theo thị hiếu, đưa những câu nói, nhưng hành vi phản cảm, đi ngược lại đạo lý truyền thống... làm đối tượng luận bàn. Những đề bài như thế sẽ có nguy cơ làm méo mó các giá trị, ảnh hưởng tiêu cực tới tâm hồn, nhân cách các em".