Sáng nay, gần 160.000 học sinh tại Hà Nội và TP HCM bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 tại TP HCM gồm 3 câu hỏi. Ngay khi nhận đề, nhiều học sinh thấy thú vị khi câu hỏi đầu tiên nhắc đến đội tuyển U23 Việt Nam đang thi đấu tại SEA Games 28, diễn ra ở Singapore.
Câu hỏi trong đề thi Ngữ văn vào lớp 10 tại TP HCM nhắc đến đội tuyển U23 Việt Nam. |
Đoạn văn được đưa ra có nội dung như sau:
“(1) Đã lâu lắm rồi, tôi và cả nhà mới lại cùng nhau xem U23 Việt Nam thi đấu bóng đá SEA Games. Lúc đội tuyển ra sân, tôi rất xúc động khi quốc ca Việt Nam vang lên. Cả nhà tôi đã cùng hát theo, dù các con tôi chưa thật thuộc nhưng chúng vẫn buộc ba, mẹ phải đặt tay lên ngực cho giống các cầu thủ. Lúc hát quốc ca, tôi có một cảm giác thật khó tả. Một điều gì đó thiêng liêng dành cho Tổ quốc đang dâng lên trong lòng tôi. Hát quốc ca làm cho ta có tinh thần mạnh mẽ, truyền cho ta khí thế hừng hực để sẵn sàng bước vào trận đấu.
(2) Khi đi học, tôi đã được hát quốc ca mỗi khi chào cờ. Bây giờ hát lại, trong tôi vẫn dâng trào một cảm xúc mãnh liệt. Đó là niềm tự hào về tình yêu quê hương, đất nước. Xem trận bóng đá, con tôi lại hỏi: “Khi nào Việt Nam đá nữa vậy ba? Để con cùng ba mẹ hát quốc ca” – Lê Văn Thu, Quốc ca Việt Nam, báo Thanh Niên, số ngày 8/6.
Câu hỏi đặt ra cho các thí sinh sau khi đọc đoạn văn trên là:
"a. Xác định phép liên kết có trong đoạn (2)?
b. Tác giả đã có những cảm xúc gì khi hát quốc ca Việt Nam?
c. Cho biết ý nghĩa của sự việc cả gia đình tác giả cùng hát theo khi quốc ca Việt Nam vang lên?
d. Em có nhận xét gì về thực trạng hát quốc ca ủa các bạn học sinh trong nhà trường hiện nay?".
Trước câu hỏi mang tính thời sự về Đoàn Thể thao Việt Nam, cụ thể là đội tuyển bóng đá U23, nhiều thí sinh tỏ ra đôi chút bất ngờ.
Ngoài ý nghĩa đem lại sự hứng khởi cho các sĩ tử tham gia kỳ thi tuyển sinh đầy cam go, câu hỏi còn mang mục đích khích lệ tinh thần các cầu thủ và vận động viên Việt Nam đang thi đấu ở nước ngoài, đem vinh quang về cho Tổ quốc.
Đặc biệt, mượn câu chuyện đổi tuyển U23 Việt Nam đang thi đấu tại SEA Games, đề thi giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ qua hành động thiết thực: Hát quốc ca, tinh thần thi đấu trung thực, cao thượng.
Ngay khi tiếp xúc đề thi, thạc sĩ Đặng Ngọc Khương, giáo viên Trung tâm Hocmai.vn Online, nhận xét: "Đề Ngữ văn vào lớp 10 ở TP HCM vừa sức, tạo được hứng thú đối với học sinh. Cấu trúc đề thi gần giống đề thi minh họa THPT quốc gia và tương đối phù hợp năng lực của học sinh".
Còn tiến sĩ Phạm Hữu Cường cho rằng, câu đọc hiểu văn bản về U23 thi đấu tại SEA Games và việc hát quốc ca khá hay. Đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc, lại thiết thực và gần gũi với tuổi trẻ, khơi dậy lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với đất nước.
Ngữ liệu được chọn đọc hiểu tinh tế, các câu hỏi đặt ra cũng phù hợp trình độ học sinh, kiểm tra được chính xác năng lực của thí sinh.
Gợi ý đáp án câu hỏi số 1, đề thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM:
a. Phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn:
- Lặp từ ngữ: “Tôi”; “hát quốc ca”.
b. Cảm xúc của tác giả khi hát quốc ca Việt Nam: Xúc động, thiêng liêng, phấn chấn, vui sướng và tự hào.
- Cảm xúc đó được thể hiện qua các cụm từ như: “Tôi rất xúc động”; “một cảm giác thật khó tả”; “một điều gì đó thiêng liêng… dâng lên trong lòng tôi”; “tinh thần mạnh mẽ’; “khí thế hừng hực”; “cảm xúc thật mãnh liệt”…
c. Ý nghĩa của sự việc cả gia đình tác giả cùng hát theo khi quốc ca Việt Nam vang lên
- Tình yêu nước, niềm tự hào về dân tộc thường trực trong trái tim mỗi con người Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị.
- Tình yêu nước bắt đầu từ tình cảm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và lan rộng ra cộng đồng, xã hội.
- Gia đình có vai trò rất lớn trong việc giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
d. Thực trạng hát quốc ca của các bạn học sinh trong nhà trường hiện nay.
- Một số trường học thực hiện rất tốt; nhiều bạn học sinh thuộc và hát quốc ca một cách say mê và đầy lòng tự hào.
- Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều học sinh không thuộc quốc ca, không cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của việc hát quốc ca nên thường hát một cách gượng ép, chiếu lệ. Nhiều nhà trường và thầy cô giáo không nhắc nhở, giáo dục học sinh về ý nghĩa và sự cần thiết phải thuộc và hát quốc ca khi cần thiết.
- Thực trạng đó rất đáng buồn và báo động. Bởi hát quốc ca một cách say mê và tự giác cũng là biểu hiện của tình yêu nước, thể hiện niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của cha ông.
Thạc sĩ Đặng Ngọc Khương