Local brand Việt bán đồ giá rẻ? Quan điểm này không đúng khi ở thời điểm hiện tại, nhiều thương hiệu trong nước đang bán các thiết kế có giá hàng triệu, chục triệu đồng. Minh chứng rõ nhất là những chiếc áo blazer tinh giản có giá khoảng 15 triệu đồng từ GIA STUDIOS, chiếc váy mang tên “SESAN” của CHATS được đề giá 570-627 USD hay double lapel wool blazer từ Subtle Studios trị giá 725 USD.
Những thương hiệu “dễ thở” hơn tung ra các mẫu váy áo giá 3-7 triệu đồng. Điều này khiến không ít người cho rằng local brand Việt đang bán các thiết kế giá quá đắt so với mức thu nhập chung. Quá trình phía sau của một sản phẩm trước khi được tung lên kệ có thực sự chuyên nghiệp để một số local brand cao cấp Việt có mức giá cao tới vậy.
Chi nhiều tiền mới mua được đồ local brand Việt cao cấp
Khoảng vài năm trước, bạn có thể bước vào một cửa hàng ở Việt Nam và mua được bộ đồ chỉ với giá chưa đến 1 triệu đồng. Đó không phải local brand mà chỉ là cửa hàng nhập đồ về để bán lại. Thời điểm đó khái niệm “local brand” vẫn còn khá mơ hồ trong nước.
Hiện nay, local brand phát triển mạnh ở Việt Nam. Các cửa hàng lớn được đặt tại những con phố sầm uất ở TP.HCM hay Hà Nội. Bước vào bên trong hay chỉ với cú click chuột, nhiều người không khỏi bất ngờ về giá của các thiết kế “made in Vietnam”. Chính việc không hiểu rõ về thương hiệu nội địa khiến họ không thể chấp nhận mức giá đó.
Chiếc áo blazer giá 15 triệu đồng của local brand Việt gây nhiều tranh cãi. Ảnh: dontucungmirin. |
Hay video “đập hộp” chiếc blazer hơn 20 triệu của Subtle Studios đã khiến nhiều người “vỡ mộng” gia nhập team ủng hộ thương hiệu nội địa. Tương tự, chiếc blazer của GIA STUDIOS gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng. Nhiều người dùng nghĩ mức giá đó không hợp lý đối với một thiết kế quá đơn giản, thiếu nổi bật, giống sản phẩm vài trăm nghìn đồng.
Người đứng sau thương hiệu này là nhà thiết kế Lâm Gia Khang, cũng nổi tiếng khi tạo ra chiếc túi Croissant - giá khoảng 250-300 USD tùy dòng và kích cỡ. Sau đó, cuộc tranh luận tiếp tục nổ ra với chiếc túi tote màu trắng có in logo thương hiệu giá 5,2 triệu đồng cũng được sáng tạo bởi anh.
Câu hỏi được đặt ra là “Tại sao những món đồ đó đắt đến vậy?”.
Quay lại hồi tháng 8, Balenciaga bán chiếc túi có tên “Trash Pouch” với giá 1.790 USD. Điều đáng chú ý là món phụ kiện sang trọng này trông như bao tải đựng rác. Sau đó, túi Paint Can của Louis Vuitton có giá 2.800 USD xuất hiện trên trang web hãng. Thậm chí, những chiếc túi nhỏ chưa bằng lòng bàn tay cũng được bán với giá nghìn USD. Phần lớn cộng đồng mạng chỉ trích những món đồ này trông “lố bịch” và không hề bàn về giá cả. Họ nói đắt là điều tất nhiên bởi chúng thuộc những thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới.
Một số ý kiến cho rằng thương hiệu toàn cầu có thể bán những thiết kế như vậy nhưng local brand Việt lại không? Luxury brand tạo nên những món đồ giá cao dựa trên niềm cảm hứng, ý tưởng, công sức của nhiều người, local brand cũng không ngoại lệ. Chất xám được đầu tư nhiều vào mỗi thiết kế. Và đến lúc cần chi tiền cho “giá trị sang trọng” (Added Luxury Value - ALV) từ thương hiệu Việt.
Tuy nhiên, số khác nhận định, local brand cao cấp Việt "ảo giá". Những local brand trong nước chưa thể có quy trình chuyên nghiệp và tầm ảnh hưởng thương hiệu như các glocal brand trong khi mức giá lại bán quá cao, vượt thu nhập trung bình của người Việt.
Nhiều thương hiệu Việt để giá USD trên web chính thức. Ảnh: chatsbycdam. |
Thực tế, những yếu tố gắn liền với sản phẩm như thiết kế, chất lượng, vật liệu, tay nghề thủ công… rất quan trọng. Tuy nhiên, yếu tố thúc đẩy giá trị chính của sự sang trọng là ALV. Nó không thể “cân đo đong đếm” bằng mắt thường. ALV được thúc đẩy bởi giá trị thương hiệu hơn là tính năng sản phẩm. Khách hàng bỏ số tiền lớn để mua ALV là chủ yếu. Việc sở hữu các thiết kế đến từ thương hiệu nổi tiếng có thể giúp họ khẳng định địa vị xã hội.
Tranh cãi "giá quần áo chỉ đáng 20% giá thương hiệu niêm yết"
Ngoài chất liệu, đường may, các chi tiết để tạo nên một sản phẩm "xịn" thực sự còn liên quan đến mặt hình ảnh, sự công phu trong cách truyền tải câu chuyện. Có nhiều yếu tố tạo nên giá sản phẩm thay vì chỉ nhìn vào chi phí sản xuất hay chất liệu.
Trao đổi với Zing, Nhung Phạm - founder của HOBB Design - cho biết quan điểm một số người đưa ra về việc giá quần áo chỉ đáng 20% giá thương hiệu niêm yết là không đúng.
"Suy nghĩ này chỉ đúng với thời trang nhanh. Người tiêu dùng thực sự đã quên đi chi phí dành cho những công đoạn trước khi có sản phẩm. Đó là cả quá trình đầu tư chất xám, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng.
Giả sử điều trên đúng, vậy làm cách nào để khách hàng tìm đến tôi và ngược lại. Tất nhiên, nó phải thông qua hình ảnh hay chiến dịch để có thể chạm đến khách hàng”, Nhung Phạm bày tỏ quan điểm.
Giá cả không chỉ phụ thuộc vào sản phẩm khách hàng nhìn thấy. Ảnh: HOBB. |
Nhung Phạm lấy ví dụ về việc để chuẩn bị bộ sưu tập cho năm 2023, cô sẽ tính toán trước từ cuối năm 2022. Dựa vào niềm cảm hứng, cô sẽ lên moodboard, những chi tiết tạo nên sự khác biệt về bộ sưu tập và đi tìm chất liệu. Cô nói khâu làm rập rất quan trọng, đặc biệt với những thiết kế đòi hỏi kỹ thuật cao. Bởi nó là cái phôi để tạo nên sản phẩm hàng loạt.
Người tiêu dùng đã quên đi chi phí dành cho những công đoạn trước khi có sản phẩm.
Founder Nhung Phạm
Trải qua nhiều lần thử và sai, sản phẩm được mang đi chụp mẫu. Trung bình, một sản phẩm mất khoảng 1-2 tuần. Nhà thiết kế họp với team marketing, hình ảnh để truyền đạt thông điệp mình muốn gửi gắm. Những gì khách hàng thấy là thành quả từ bộ óc sáng tạo của nhiều người.
Cô nhấn mạnh nếu local brand để giá không xứng với chất lượng sản phẩm, lời hứa với khách hàng không thực thi, thương hiệu đó chẳng thể tồn tại được lâu. Nhung Phạm nói thêm: “Thời gian thương hiệu trụ vững trên thị trường lâu và được nhiều người tiêu dùng phản hồi tốt, chất lượng sản phẩm của họ chắc chắn tương xứng với giá đưa ra”.
Linh Hà - quản lý vận hành thương hiệu cao cấp tại Việt Nam - cho rằng những thiết kế và hình ảnh chỉn chu của brand là thành quả lao động sáng tạo, chăm chỉ từ cả tập thể. Để hình ảnh và thông điệp muốn truyền tải của thương hiệu đến gần với khách hàng, cô và team của mình phải trải qua nhiều công đoạn.
Linh Hà bày tỏ: “Giá bán của sản phẩm sẽ bao gồm nhiều phần chi phí, không chỉ đơn giản là giá nguyên phụ liệu, công cắt may… Mỗi thương hiệu sẽ có những công thức tính khác nhau dựa trên giá trị cốt lõi, thế mạnh riêng, mục tiêu và chiến lược kinh doanh. Sự đầu tư về tâm huyết, chất xám, công sức một cách nghiêm túc và thành phẩm đạt chất lượng tốt tạo nên thiết kế đáng giá. Khách hàng khi hiểu được những giá trị này cũng sẽ thấy số tiền mình bỏ ra là xứng đáng”.
Thương hiệu Việt cao cấp đang được nâng tầm
Các thương hiệu Việt ngày nay có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Nhiều nhà thiết kế “đem chuông đi đánh xứ người”. Minh chứng là Công Trí từng tạo được tiếng vang lớn tại New York Fashion Week hay mùa mốt này có Trần Hùng ở London Fashion Week. Nhà thiết kế trẻ Phan Đăng Hoàng lần đầu tiên ra mắt thương hiệu tại Milan Fashion Week với bộ sưu tập lấy cảm hứng từ ký ức tuổi thơ Việt Nam.
BlackPink diện đồ của Công Trí hay loạt ngôi sao bước trên thảm đỏ trong trang phục của Trần Hùng không còn là hình ảnh quá xa lạ với các tín đồ yêu thời trang Việt.
Rõ ràng, nếu không theo dõi sự phát triển của ngành thời trang trong nước những năm gần đây, người dùng dễ đánh giá thấp khi nghe đến các thiết kế Việt giá hàng chục triệu đồng.
Local brand Việt được nhiều sao quốc tế yêu thích. Ảnh: lalune_official. |
“Khách hàng Việt hay so về giá cả. Với khách quốc tế, họ quan tâm về chất lượng. Thu nhập khác nhau cũng khiến mỗi người có cái nhìn riêng về một thiết kế nào đó. Tiêu chí của local brand cao cấp ở Việt Nam không chỉ là đối tượng có thu nhập ổn định và cao tại thị trường trong nước.
Họ còn hướng đến môi trường quốc tế - nơi khách hàng sẵn sàng bỏ tiền để mua nếu trang phục đạt chất lượng tốt, thông điệp bền vững hay ý nghĩa” - một người làm truyền thông trong thị trường thời trang - chia sẻ với Zing.