Gucci phải gánh chịu làn sóng phản đối sau khi đưa thiết kế khăn xếp giống của người Sikh lên sàn diễn thời trang. Không chỉ vậy, nhãn hiệu xa xỉ còn bán mẫu phụ kiện này với giá hơn 780 USD. Nhiều dân mạng chỉ trích nhà mốt Italy đụng chạm yếu tố tôn giáo, tâm linh trong sáng tạo của mình. Sau đó, Gucci đã phải lên tiếng xin lỗi và gỡ bỏ toàn bộ sản phẩm khỏi trang web cũng như hệ thống cửa hàng. Ảnh: Elle. |
Ra mắt vào đúng lúc phim tài liệu cáo buộc Michael Jackson lạm dụng trẻ em phát sóng, bộ sưu tập nhằm tưởng nhớ ca sĩ quá cố của Louis Vuitton tạo phản ứng trái ngược. Dân mạng kêu gọi tẩy chay nhãn hàng vì cho rằng họ đồng tình với hành vi sai trái. Ngay sau đó, đại diện của Louis Vuitton đưa ra thông báo họ không biết gì về thước phim tài liệu trước khi trình diễn và luôn tôn trọng quyền trẻ em. Ảnh: Cover Media. |
Cộng đồng mạng từng dậy sóng sau khi H&M cho ra mắt thiết kế áo hoodie trẻ em với dòng chữ "Coolest Monkey In The Jungle". Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu người mẫu mặc chiếc áo này không phải em bé da đen. Người tiêu dùng phẫn nộ bởi họ cho rằng đây là hành vi ám chỉ, phân biệt chủng tộc. Vụ lùm xùm này gây thiệt hại to lớn cho H&M, không chỉ xin lỗi thương hiệu còn đóng cửa toàn bộ cửa hàng ở Nam Phi. Ảnh: eurweb. |
Kim Kardashian khiến người Nhật phẫn nộ khi đặt tên thương hiệu nội y trùng với tên quốc phục của nước này - Kimono. Trước làn sóng phản đối, Kim tức giận vì sự cố ý hiểu lầm và cho hay thương hiệu cô cho ra mắt không liên quan đến kimono của xứ sở hoa anh đào. Thậm chí, thị trưởng thành phố Tokyo còn viết tâm thư gửi "nữ hoàng giải trí". Cuối cùng, Kim phải đổi tên nhãn hiệu thành Skims. Ảnh: Insider. |
Chiếc áo hoodie với chi tiết dây thừng thắt cổ đẩy thương hiệu Burberry vào "cơn bão" gạch đá. Nhiều ý kiến cho rằng thương hiệu đang cổ súy người trẻ tự kết liễu cuộc đời mình qua thiết kế thời trang này. Người mẫu cũng trình diễn trong show - Liz Kenedy - bày tỏ: "Tự tử không phải là thời trang". Nhà mốt Anh phải nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi chính thức. Ảnh: CNN. |
Thương hiệu thời trang đường phố Bstroy có nước đi kém thông minh khi cho ra loạt thiết kế ám chỉ những vụ xả súng thương tâm xảy ra tại trường học. Bên cạnh chi tiết thủng lỗ chỗ giống như bị súng bắn, các dòng chữ in trên áo như Sandy Hook, Columbine, Virginia Tech hay Marjory Stoneman Douglas đều là địa điểm đã xảy ra thảm sát. Một số dân mạng lên án hành vi lợi dụng sự kiện đau thương để kiếm tiền của Bstroy. Tuy nhiên cũng có người cho rằng hãng chỉ cố nâng cao nhận thức về việc xả súng. Ảnh: CNN, The Globe and Mail. |