Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ảo tưởng vừa làm việc, vừa du lịch khắp thế giới

Mệt mỏi vì di chuyển liên tục, công việc bất cập do đường truyền mạng kém, nhiều người du mục kỹ thuật số vỡ mộng với giấc mơ xê dịch và khát khao quay lại lối sống cũ.

Lượng dân du mục kỹ thuật số ngày càng tăng cao. Ảnh: Yurakrasil/Shutterstock.

Cuối năm 2022, có khoảng 35 triệu người tự mô tả mình theo lối sống du mục kỹ thuật số (digital nomad) - thoải mái đi du lịch bằng cách sử dụng Internet và các thiết bị công nghệ để làm việc từ xa.

Trong đó, hơn nửa là người Mỹ, tỷ lệ người Anh cũng chiếm phần không nhỏ, theo Nomad List.

Lượng người du mục kỹ thuật số đang tăng cao so với con số 10,9 triệu người năm 2020. Tuy nhiên, sau thời gian trải nghiệm, không ít người “quay xe”, từ bỏ lối sống này.

Nhớ sự ổn định

Bex Band cùng chồng, Gil, trở thành dân du mục kỹ thuật số từ năm 2016, theo The Telegraph. Cả hai rời London (Anh) để vi vu đến Israel, Tanzania,... Trong khi Band là blogger, Gil bắt đầu công việc của người tiếp thị tự do.

“Những lúc muốn tắm biển, tôi tìm ghé thăm các hòn đảo. Khi thèm cảm giác phiêu lưu, tôi sắp xếp chuyến đi bộ đường dài, khám phá thiên nhiên hoang dã. Chúng tôi gặp nhiều người, có không ít trải nghiệm thú vị như bơi cùng cá voi lưng gù, ngắm bắc cực quang”, Band chia sẻ.

Tuy nhiên, sau 2,5 năm đặt chân đến 12 quốc gia, cặp đôi bắt đầu chán nản. Họ mệt mỏi với việc di chuyển khắp nơi, không còn phấn khích mỗi khi khám phá những địa điểm mới.

Khi ngồi làm việc, dù không gian xung quanh đẹp, thoáng mát, đường truyền kết nối mạng kém vẫn khiến Band và Gil mất tinh thần. Hai người muốn có chế độ ăn uống và tập thể dục đều đặn hơn, khát khao được ngủ trên chiếc giường quen thuộc ở nhà.

“Thành thật mà nói, chúng tôi cô đơn. Không thiếu du khách để trò chuyện, song họ đến rồi sẽ lại đi”, Band nói.

du muc ky thuat so anh 1

Bex Band cảm thấy phiền phức mỗi khi di chuyển vì khó cân bằng hoạt động thể dục và ăn uống. Ảnh: Bex Band.

Các mối quan hệ của Band cũng dần phai nhạt. Cô cho biết việc giữ liên lạc với bạn bè khá khó khăn, không chỉ vì khoảng cách, mà còn do lối sống khác biệt.

Cuối cùng, Band và Gil quyết định kết thúc những ngày tháng xê dịch.

“Mọi người thường thích vừa đi chơi vừa kiếm tiền. Tuy nhiên, những người theo đuổi lối sống du mục kỹ thuật số lại mong muốn trở về với cuộc sống ngày thường”.

Band cho rằng mọi người nên trải nghiệm cuộc sống du mục kỹ thuật số, song không để các chuyến đi quyết định cách sống của mình. Chính cô cũng rút ra bài học quý giá từ khoảng thời gian du lịch để bước sang cuộc sống mới đơn giản hơn.

Tương tự, đôi vợ chồng du mục kỹ thuật số Mindi và Daryl Hirsch (Mỹ) cũng từ bỏ “cuộc chơi” sau chuyến du lịch bắt đầu từ tháng 1/2016. Cả hai đi qua 33 quốc gia và hơn 100 thành phố.

Mỗi ngày, cặp đôi ghé thăm các địa điểm mới, thưởng thức nhiều món ăn ngon và trò chuyện với những người xa lạ.

Tuy nhiên, quần áo và hành lý dần cũ kỹ, việc thuê chỗ ở khó khăn hơn. Công việc online cũng có nhiều bất cập do đường truyền mạng kém hoặc thiếu bàn ghế làm việc tử tế, khiến cả hai mất tập trung.

Hirsch kể lại: “Hầu như lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, chuyến đi ngày càng kém thú vị”.

Sau 3 năm, vợ chồng Hirsch dừng chân và định cư tại Lisbon (Bồ Đào Nha). Cả hai đều hài lòng với quyết định của mình.

“Thật hạnh phúc khi có đầy đủ bếp núc và đồ đạc, cũng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ hơn. Đặc biệt, kể từ khi quay lại với lối sống cũ, công việc kinh doanh của chúng tôi phát triển rất tốt”, Hirsch chia sẻ.

du muc ky thuat so anh 2

Hai vợ chồng Hirsch có trang blog chia sẻ về những chuyến đi.

Mặt trái

Thực tế, không chỉ những người du mục kỹ thuật số nhận ra hạn chế của lối sống tự do này, các điểm du lịch và người dân địa phương cũng chịu nhiều ảnh hưởng.

Cuộc khảo sát những người du mục kỹ thuật số hồi tháng 3 cho thấy 36% có thu nhập hàng năm 100.000-250.000 USD. Khoảng 8% có mức lương từ 250.000 đến 1 triệu USD.

Với những con số ấn tượng đó, nhiều quốc gia ban hành “thị thực du mục kỹ thuật số”, cho phép thời gian lưu trú kéo dài và làm việc từ xa, trong đó có Bồ Đào Nha.

Để đủ điều kiện xin thị thực mới, các du khách tại Bồ Đào Nha phải kiếm được ít nhất 2.800 euro/tháng (khoảng 3.000 USD), gấp khoảng 4 lần mức lương tối thiểu của người dân nơi đây. Theo Nomad List, có gần 16.000 du mục kỹ thuật số ở Lisbon vào tháng 12/2022.

Tuy nhiên, những du khách dừng chân tại quốc gia này không thật sự được chào đón. Bởi lẽ, nhiều người cho rằng họ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng giá nhà, khi nhiều khu dân cư trở thành nơi lưu trú ngắn hạn cho khách du lịch.

du muc ky thuat so anh 3

Nhiều người theo xu hướng du mục kỹ thuật số cảm thấy bị cô lập vì lối sống khác biệt, mất dần các mối quan hệ khác. Ảnh: Bex Band.

Năm 2021, Kristen Grey (người Mỹ), theo đuổi lối sống du mục kỹ thuật số, bị trục xuất khỏi Bali (Indonesia). Cô cùng bạn đến đây du lịch 6 tháng, nhưng Grey quyết định ở lại trên đảo do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bất chấp việc Indonesia ban lệnh cấm du khách nước ngoài để hạn chế sự lây lan bệnh dịch, Kristen vẫn lên mạng xã hội khuyến khích mọi người đến Bali du lịch.

Ngoài ra, cô còn có những tuyên bố gây tranh cãi do không phù hợp với bối cảnh xã hội của hòn đảo như “khu vực thân thiện với người đồng tính” hay “tận hưởng lối sống sang chảnh với chi phí sinh hoạt thấp”.

Nhiều người chỉ trích Grey vì phớt lờ các quy định của chính quyền cũng như không nhận thức được khoảng cách giàu nghèo, sự kỳ thị LGBT tại Bali.

Khảo sát năm 2022 của tổ chức MBO Partners cho thấy tại Mỹ, có khoảng 16,9 triệu người du mục kỹ thuật số. Trong đó, thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) chiếm 47% so với 17% Gen Z (sinh năm 1997-2012).

Hầu hết làm việc trong các lĩnh vực có trình độ kỹ thuật số cao như công nghệ và dịch vụ sáng tạo. 82% cũng hài lòng với mức thu nhập của mình.

Ngại sinh con vì lo ảnh hưởng sự nghiệp

Trong khi các bà mẹ Hàn Quốc có nguy cơ phải từ bỏ sự nghiệp để chăm sóc gia đình, phụ nữ trẻ ngày càng lười sinh con vì muốn ổn định công việc.

Chàng trai bỏ việc văn phòng đi viết sách

Từ năm 2014, khi tham gia một nhóm dành cho người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội, Lê Kiên Trung (sinh năm 1993, Hà Nội) tìm thấy những mẩu chuyện và các lưu ý du lịch Việt Nam khá thú vị. Đến năm 2016, anh viết cuốn sách đầu tiên của mình mang tên The Hanoi Digest. Khi trình bày ý tưởng với cấp trên và nói rằng muốn được nghỉ việc, Trung bất ngờ nhận được sự ủng hộ. Điều này càng thôi thúc Trung phát triển cẩm nang du lịch cho người nước ngoài hơn, không chỉ là Hà Nội mà còn là TP.HCM, Hội An, Ninh Bình,...

Hương Giang

Bạn có thể quan tâm