Áp đặt trong hôn nhân
Lúc mới quen nhau, người con gái thường "ra lệnh" cho người yêu bỏ tật xấu này, tật xấu kia. Chỉ một chút nước mắt giận hờn của cô gái là chàng trai "răm rắp" tuân lệnh ngay.
Ai cũng muốn được "sống theo ý mình", nên chuyện ép buộc, áp đặt trở thành xiềng xích |
Cũng không ít cô sẵn sàng bỏ ngay chiếc áo nếu người yêu cau mày: "Anh không muốn em mặc nó". Áp đặt tiền hôn nhân như một "cái ách" êm ái mà với khao khát muốn thuộc về nhau, người bị áp đặt cảm thấy rất nhẹ nhàng.
Xiềng xích
Từ ngày "chung một mái nhà" với người trong mộng, bà Trang Lý trở nên ghét cay, ghét đắng kiểu chỉ trích của chồng mỗi khi bà trở về từ tiệm làm tóc: "Ở nhà cô tự gội đầu không được sao? Ra ngoài để nói chuyện tào lao, tốn thời gian!".
Theo ý ông, bà nên cắt hết móng tay, không sơn vẽ, bởi "trông giống dân chơi...". Bà biết, không phải ông tiếc tiền, chỉ vì không muốn bà đàn đúm. Lúc mới quen nhau, khi nghe ông nói: "Anh không muốn em thân mật với ai", bà mừng thầm, nghĩ đó là biểu hiện của trái tim đang yêu. Còn bây giờ, bà cảm thấy yêu cầu của chồng chỉ trần trụi là sự ích kỷ. Ông đang muốn "đổ” bà vào cái khuôn người đàn bà chỉ quanh quẩn xó bếp.
Ông mở tiệm may tại nhà, chủ yếu là sửa chữa các loại trang phục. Bà phụ giúp chồng cắt, may, ủi... theo đúng ý ông. Bà thích đi siêu thị, ông nhăn mặt: "Đi chợ đỡ tốn thời gian hơn, có siêu thị nào mở cửa vào sáng sớm đâu...". Thế nhưng, trong mắt ông, bà thuộc loại có phước: "Cô ấy chẳng phải lo lắng chuyện gì". Đúng như ông nói, cuộc sống của bà rất an nhàn, nhưng bà luôn cảm thấy bức bối, ngột ngạt.
Sau gần 10 năm chung sống, bà Thái Hòa - giảng viên của một trường ĐH, mới nhận ra sự áp đặt ngấm ngầm của chồng. Ông không bác bỏ bất cứ yêu cầu nào của vợ, nhưng cũng không hề tạo điều kiện để bà thực hiện những hoài bão mà bà ấp ủ. Đi làm về là đã có sẵn cả núi công việc nhà chờ bà, hiếm khi bà được chồng phụ giúp.
Trước khi lấy chồng, bà đã có bằng thạc sĩ. Ông không muốn bà cứ "học nữa, học mãi" nhưng cũng không hề cấm đoán, mà chỉ đưa ra những lý do hết sức khách quan để bà cân nhắc: con còn bé, mẹ đi học xa sẽ nhớ con, còn phải sinh thêm đứa nữa, bố mẹ già yếu, phải để dành tiền cho con cái học hành. Nghe chồng phân tích, bà chấp nhận dừng con đường học vấn, nhưng cảm thấy bất mãn với ông chồng luôn nhân danh quan điểm "gia đình là trên hết, là quan trọng nhất" để buộc vợ sống theo ý mình. Gia đình họ im ắng, không ồn ào nhưng cũng chẳng nhiều tiếng cười.
Tuy nhiên, bất kỳ bà vợ "chân yếu, tay mềm" nào cũng đầy tham vọng "xỏ mũi" chồng. Ông Nguyễn Thao - một doanh nhân, rất dị ứng với kiểu bị vợ ép... tiếp xúc với những người ông không thích. Đến những buổi tiệc tùng, bà thường cắp tay chồng đi chào hỏi hết quan chức này đến người nổi tiếng khác. Ông bực mình nhưng chẳng lẽ lại "la làng". Về nhà, vợ ông hồn nhiên giải thích: "Có thương yêu anh, em mới bày tỏ như vậy. Mấy cặp vợ chồng khác cũng muốn làm như thế, nhưng họ ngại, họ không quen đó thôi. Anh cứ làm theo ý em, chỉ tốt cho anh thôi!".
Mệnh lệnh của trái tim
Giữa vợ chồng "cái ách" áp đặt có khi trở nên nặng nề đến mức thô thiển, trắng trợn và những kiểu áp đặt như thế dễ nhận ra và dễ bị phản ứng.
Theo chuyên viên tư vấn Nguyễn Thu Hiên (Trung tâm Tư vấn TY-HN-GĐ, Hội LHTN VN), phổ biến là những kiểu áp đặt được... ngụy trang một cách khéo léo, núp dưới bóng tình yêu. Mâu thuẫn của tình yêu và hôn nhân là khi hoàn toàn tự do, hai người lại khao khát trở thành của nhau, nhưng khi đã thành vợ chồng, họ lại khao khát... tự do. Tuy nhiên, tự do trong hôn nhân phải là thứ tự do theo "lề luật gia đình".
Ông Nguyễn Minh Sơn, giám đốc một công ty xây dựng cho biết: "Trong công ty, tôi không áp đặt nhân viên. Trong nhà tôi, ai cũng được sống tự nhiên theo tính cách của mình. Mọi thành viên đều cảm thấy tự do và biết tôn trọng tự do của người khác. Các thành viên trong nhà đã cùng nhau "soạn thảo" bộ luật gia đình, mỗi người tự do đề ra những gì không được phép làm. Nếu muốn không bị áp đặt, thì đừng gây tổn thương cho người khác, đừng làm tổn hại cho gia đình.
Nguyên tắc của vợ chồng tôi là không "thống trị" người bạn đời, mà là giúp nhau phát triển, đạt được những điều mà mỗi người mong muốn cho bản thân mình. Tôi chưa bao giờ nói với vợ: "Anh muốn em như thế này, thế nọ...", mà chỉ quan tâm, lắng nghe những nguyện vọng, mong muốn của cô ấy để động viên, giúp đỡ. Vợ tôi càng tự do thì cô ấy càng yêu chồng hơn, muốn chia sẻ với tôi nhiều hơn. Và ngược lại, có khi cô ấy buột miệng: "Ồ! Anh mặc cái áo này không hợp đâu", nhưng sau đó lại đính chính ngay: "Nhưng miễn anh thích là được rồi!".
Với bà Nguyễn Thị Nhàn, tiểu thương chợ Bến Thành, khi nhắc về người chồng đã qua đời, bà lại rưng rưng: "Ông ấy luôn tôn trọng tôi, không can thiệp vào cách sống của tôi. Ông chỉ áp đặt tôi một điều. Đó là những lần ông kiếm được những khoản tiền ngoài lương bổng, ông ấy "áp giải" tôi đi đến tiệm kim hoàn, dùng hết số tiền đó mua tặng tôi một món trang sức. Ông ấy phải cương quyết như thế, vì biết tôi chẳng khi nào sắm sửa riêng cho mình. Ông ấy còn thuyết phục: "Món quà là kỷ niệm của vợ chồng mình. Một ngày nào đó anh không còn bên cạnh em thì với số của cải này, em cũng sẽ không lâm vào cảnh túng thiếu". Hóa ra, không phải lúc nào người "bị" áp đặt cũng bực bội, đau lòng.
Ai cũng muốn được "sống theo ý mình", nên chuyện ép buộc, áp đặt trở thành xiềng xích. Tuy nhiên, hôn nhân tự do không có nghĩa là loại trừ, là không bao giờ lắng nghe, chấp nhận ý kiến của nhau. Tất cả suy cho cùng, đều cần đến tình yêu và sự thấu hiểu.
Theo Phụ Nữ