Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

Áp lực bệnh nhân nặng và tử vong tại TP.HCM đã qua

Số giường bệnh hồi sức tích cực tại các bệnh viện tầng 3 trống dần cho thấy tình hình điều trị F0 tại TP.HCM có tín hiệu khả quan.

Benh vien tang 3 o TP.HCM trong giuong anh 1

Trong đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM, số ca mắc tăng nhanh khiến hệ thống y tế gồng gánh nhiều áp lực. Thời điểm quá tải, ngành y tế không thể theo dõi toàn bộ F0, điều này khiến số lượng bệnh nhân nhập viện, chuyển nặng và tử vong tăng dồn dập.

Sau hơn 4 tháng chống dịch, từ chiều 30/9, Chỉ thị 18 được áp dụng trên toàn TP.HCM trong bối cảnh hệ số lây nhiễm giảm về mức dưới 1 và hệ thống điều trị ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan.

Trao đổi với Zing, một số lãnh đạo bệnh viện, trưởng khoa hồi sức tích cực (ICU) cho biết đến thời điểm này, giai đoạn đỉnh điểm căng thẳng và áp lực nhất ở thành phố gần như đã qua.

Trống giường hồi sức

GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16, cho biết đơn vị này được phân công vận hành 500 giường hồi sức, hiện tại, số bệnh nhân được chuyển đến khoa ICU tại đơn vị giảm đến khoảng 80% so với giai đoạn đỉnh điểm.

Theo GS Tuấn, đây là tín hiệu đáng mừng song Trung tâm này vẫn tiếp tục triển khai nhiệm vụ điều trị và đào tạo chuyên môn liên tục cho các cơ sở y tế tại TP.HCM.

Benh vien tang 3 o TP.HCM trong giuong anh 2

Bên trong Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách. Ảnh: Chí Hùng.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục nhiệm vụ tại đây cho đến khi có chỉ đạo mới từ Bộ Y tế", GS Tuấn chia sẻ với Zing.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết so với giai đoạn đỉnh điểm, số ca bệnh nặng tại đơn vị này đã giảm khoảng 50%. Đặc biệt, tín hiệu đáng mừng nhất là tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong giảm rõ rệt so với giai đoạn trước.

TS.BS Nguyễn Văn Hảo, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết đơn vị này hiện còn khoảng 20 bệnh nhân thở máy và can thiệp ECMO.

Cơ số giường bệnh có máy thở tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn là 28. Trong giai đoạn đỉnh điểm từ khoảng tháng 7 đến tháng 8, đơn vị này luôn trong tình trạng quá tải khi tiếp nhận đến 30 bệnh nhân nặng thở máy. Hiện tại, số lượng này giảm dần, còn khoảng 20 bệnh nhân.

Theo TS Hảo, nhiều đơn vị khác có ghi nhận tín hiệu giảm nhiều số lượng bệnh nhân và giường trống, tuy nhiên, tỷ lệ này tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn có giảm nhưng chưa nhiều. Bởi đơn vị này là tuyến cuối, tiếp nhận đa số bệnh nhân rất nặng.

“Số lượng này giảm khoảng 1/5 so với giai đoạn đỉnh điểm. Mặc dù chưa nhiều nhưng sau 3 tháng toàn đội ngũ khoa hồi sức gồng mình điều trị, điều này đã là tín hiệu rất đáng mừng”, TS Hảo chia sẻ.

Ông cho biết thời điểm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM phải phong tỏa đến nay, đơn vị này luôn trong tình trạng căng sức điều trị hàng trăm F0 nặng, nguy kịch. Đặc biệt, ngoài bác sĩ Hảo là trụ cột, đa số bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn đều rất trẻ.

"Giai đoạn cao điểm, chúng tôi gần như quên mất khái niệm ngày giờ, mọi sự tập trung cao độ nhất dành cho việc cứu chữa và chăm sóc bệnh nhân, từ ngày này sang ngày khác. Có thời điểm ca nặng, áp lực tử vong rất ghê gớm, điều này một phần khiến nhân viên y tế xuống tinh thần và ảnh hưởng tâm lý rất nhiều", TS Hảo chia sẻ.

Có thời điểm, các nhân viên y tế của bệnh viện phải đau lòng chứng kiến khoảng 8-10 người qua đời. Hiện tại, số trường hợp tử vong đã giảm xuống rất nhiều.

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cũng cho biết những ngày gần đây, số lượng ca nặng và tử vong ở bệnh viện đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, tại Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), số ca bệnh nặng nhập viện vẫn còn ở mức khá cao.

Trao đổi với Zing, đại tá Trần Quốc Việt, Phó giám đốc Bệnh viện, nói: "Số ca nhập viện mới và bệnh nặng có giảm nhưng chưa đáng kể. Cơ số giường hiện tại là 500 nhưng lượng F0 nặng, phải thở máy còn cao, tổng số bệnh nhân hiện tại là hơn 350 người".

Số ca nặng ở tầng 2 giảm mạnh

Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện dã chiến số 13, cho biết không riêng tại đơn vị này, hầu hết lượng F0 mới nhập viện tại các cơ sở cách ly, điều trị Covid-19 thuộc tầng 2 và tầng 3 đều có chiều hướng giảm.

"Số giường liệt kê tại Bệnh viện dã chiến số 13 là 1.350. Số hiện hữu đến ngày 5/10 chỉ còn khoảng 500 bệnh nhân. Trong đó, lượng bệnh nhân thở oxy có khoảng 7 ca, giảm đáng kể so với thời gian trước", bác sĩ Tâm nói.

Benh vien tang 3 o TP.HCM trong giuong anh 3

Bác sĩ tại bệnh viện dã chiến ở TP.HCM cấp cứu cho một bệnh nhân Covid-19 đột ngột chuyển nặng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Phong, Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 11, cho biết số ca nhập viện mới giảm khoảng 50%, khối lượng công việc không còn quá tải như trước đây. Trung tâm hồi sức có 300 giường có đầu oxy, hiện tại chỉ có khoảng 30 bệnh nhân đang điều trị.

“Số lượng bệnh nhân mới nhập viện cũng như số ca chuyển nặng đều giảm”, bác sĩ Phong nói.

Còn tại Bệnh viện dã chiến số 12 do Bệnh viện Da liễu TP.HCM phụ trách, những ngày qua, số ca xuất viện và khỏi bệnh nhiều hơn lượng bệnh nhân nhập viện. Trong ngày 5/10, số lượng bệnh nhân mới nhập viện là 144, còn số ca khỏi bệnh là 298.

Vaccine giúp giảm đáng kể bệnh nhân nặng

Theo TS.BS Nguyễn văn Hảo, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nguyên nhân giúp tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong ở thành phố giảm dần một phần so số ca dương tính mới tại thành phố có xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, thời điểm Bộ Y tế quyết định xây dựng nhiều trung tâm hồi sức Covid-19 đã góp phần giảm tải đáng kể cho các bệnh viện tuyến cuối.

Benh vien tang 3 o TP.HCM trong giuong anh 4

Bên trong khu điều trị F0 nặng và nguy kịch tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: BVCC.

Bên cạnh đó, nhờ biện pháp điều trị tốt, quản lý F0 tại nhà kết hợp nhiều chiến lược điều trị với các loại thuốc kháng virus cũng giúp lượng bệnh nhân chuyển nặng giảm hơn. “Trong giai đoạn đầu, chúng ta không có các loại thuốc kháng virus để điều trị sớm như hiện nay”, TS Hảo chia sẻ.

Đặc biệt, TS Hảo nhấn mạnh vai trò tác động quan trọng của vaccine phòng Covid-19. Ông cho biết trong giai đoạn đầu, bệnh nhân nặng và tử vong đa số chưa được tiêm vaccine. Sau này, ít nhất người bệnh cũng được tiêm một mũi vaccine, đây là điều rất quan trọng giúp tạo miễn dịch, ngăn bệnh diễn biến nặng.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Phong, Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 11, cho biết thời gian qua, thành phố quản lý F0 cách ly tại nhà và tại khu cách ly tốt hơn.

Nhờ vậy, người bệnh được chăm sóc, theo dõi, phát các gói thuốc điều trị cho các F0 mới phát hiện. F0 chuyển nặng phát hiện và được chuyển đi điều trị kịp thời.

"Giải pháp can thiệp điều trị sớm, cộng yếu tố vaccine là chìa khóa quan trọng giúp thành phố giảm tỷ lệ bệnh nặng", bác sĩ Phong lý giải.

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, tổng số ca bệnh nặng ở các tầng điều trị từ ngày 1/10 đến nay đang giảm. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng ở tầng 3 vẫn cao. Nói với Zing, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, số ca bệnh nặng và tử vong ở thành phố sẽ tiếp tục giảm sâu.

Chỉ thị 18 được áp dụng tại TP.HCM từ 18h ngày 30/9, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 vẫn ở mức cao nhưng hệ số lây nhiễm giảm mạnh. Từ ngày 1/10, số ca F0 được phát hiện tại thành phố qua test nhanh và rRT-PCR giảm đáng kể. Số ca tử vong giảm dần về mức 2 con số.

Khẩn trương ngăn dịch bùng phát khi người từ TP.HCM về các tỉnh

Các chuyên gia cho rằng việc người dân rời TP.HCM về quê là nhu cầu chính đáng. Vai trò của các tỉnh là kiểm soát tốt những người này khi độ phủ vaccine Covid-19 còn thấp.

Bốn kịch bản của dịch Covid-19 ở TP.HCM sau khi mở cửa trở lại

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng Covid-19 đã len lỏi rất sâu trong cộng đồng ở TP.HCM. Người dân đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát dịch.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm