Nhiều phụ huynh phân vân cho con học trường công lập hay tư thục. Ảnh minh họa: Pexles. |
Năm nay, con gái chị Vũ Chi (Hoàng Mai, Hà Nội) sẽ thi lớp 10 THPT. Suốt trong thời gian chọn trường, chị Chi liên tục lướt web hoặc tham gia các hội nhóm, diễn đàn để tìm thông tin tư vấn trường lớp.
Hiểu tính cách và khả năng học của con, ngay từ đầu, chị Chi đã định hướng con thi vào trường công lập gần nhà. Hiện tại, chị đã đăng ký nguyện vọng 1 cho con vào trường THPT Trương Định (Hoàng Mai).
“Mình luôn ưu tiên trường công và khuyến khích con đỗ vào đây", chị Chi nói.
Phân vân trường công, trường tư
Cũng lấy tiêu chí gần nhà, phù hợp với thực lực của con, gia đình anh Bùi Chí (Cầu Giấy, Hà Nội) thống nhất đặt nguyện vọng 1 tại một trường THPT công lập, cách nhà khoảng 3 km để con tiện đi lại.
Sức học của Minh Quân - con trai anh Chí - ở mức khá, mấy lần thi thử, trung bình con đạt khoảng 8 điểm/môn. Tuy nhiên, sau khi biết thông tin tỷ lệ chọi, anh Chí lo lắng, sợ con không đỗ nguyện vọng 1.
Dù đăng ký thêm nguyện vọng 2, anh Chí vẫn “chưa ưng lắm" bởi trường cách nhà 7,5-8 km. Nếu con đỗ nguyện vọng này, anh sợ con vất vả 3 năm học. Do đó, phụ huynh này cũng đang tìm hiểu thêm các trường ngoài công lập gần nhà.
“Các trường dân lập, tư thục chất lượng tốt, mức học phí lại khá cao. Trong khi đó, tôi thấy một số trường chất lượng thấp hơn lại có nhiều học sinh cá biệt, dạy lệch kiến thức, vì vậy, tôi vẫn băn khoăn trường này trường kia", anh Chí cho biết.
Trong khi đó, dù đã đăng ký cho con thi 2 trường chuyên và 2 trường THPT công lập, chị Bích Hải (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay nếu con không đỗ một trong 4 trường, chị đã chuẩn bị sẵn sàng để con học trường dân lập bởi những năm học THCS, con đã theo học tại mô hình trường này. Chị rất yên tâm nếu con tiếp tục theo học ở đây.
“Gia đình nhìn năng lực của con để đánh giá. Vì vậy, tôi đã chuẩn bị sẵn phương án dự phòng để con đỡ áp lực. Tất nhiên, đỗ được trường chuyên hay trường công thì tốt, nếu không, con hoàn toàn có thể học trường tư thay vì bằng mọi giá phải đỗ", chị Hải cho hay.
Lựa chọn nào tốt hơn?
Theo chị Hải, trường công hay trường dân lập đều có ưu và nhược điểm riêng. Ví dụ, cơ sở vật chất trường công khác nhiều so với trường dân lập, ngược lại, chất lượng đào tạo có phần khắt khe hơn. Trong khi đó, nếu theo học tại trường dân lập, ngoài kiến thức trong sách, các con được trải nghiệm và học hỏi nhiều kỹ năng cần thiết, nhằm áp dụng vào trong cuộc sống.
“Tôi thấy nhiều ý kiến về việc hoạt động nhiều rất tốn kém. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là các con cần được trải nghiệm nhiều hơn, từ đó xây dựng góc nhìn cũng như hình thành kỹ năng cho bản thân sau này", chị Hải nhận định.
Bên cạnh đó, một số phụ huynh cho rằng ở trường ngoài công lập, học sinh được lựa chọn môn học yêu thích thay vì học đều các môn, điều này có thể dẫn đến tình trạng học lệch. Chị Hải lại không quá lo ngại việc chương trình giảng dạy tại trường tư sẽ khiến con học lệch bởi 4 năm nay, khi theo học trường dân lập, con được học đều các môn để chuẩn bị cho các kỳ thi lên bậc THPT.
“Còn khi đã lên cấp 3, con được chọn theo phân ban ngay từ đầu, việc tập trung hơn vào các môn thi đại học là điều chắc chắn. Đây là tình trạng chung từ trước đến nay của mọi trường, không riêng trường ngoài công lập", chị Hải nói.
Nhiều phụ huynh cho rằng học phí tại trường công tương đối rẻ, phù hợp với điều kinh tế gia đình. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Trong khi đó, dù điều kiện gia đình hoàn toàn có khả năng chi trả học phí nếu con theo học ở nhóm trường ngoài công lập chất lượng hoặc quốc tế, chị Chi vẫn chưa thực sự an tâm khi “gửi” con tại đây.
Phụ huynh này không phủ nhận ưu điểm của trường tư thục/dân lập như có môi trường học mở, học sinh được học hỏi, phát triển kỹ năng thông qua nhiều chương trình trải nghiệm thực tế, các em được thể hiện bản thân, không bị gò ép. Tuy nhiên, theo chị Chi, đây cũng là con dao hai lưỡi. Nếu phụ huynh không kiểm soát tốt, con dễ lơ là, ảnh hưởng đến việc học, dẫn đến chất lượng đầu ra không như kỳ vọng.
“Tính con điềm đạm, thích sự yên tĩnh, khi học trong môi trường quá nhộn nhịp, nhiều hoạt động ngoại khóa, con khó thích nghi. Ngoài ra, với sức học không tệ, mình đánh giá con có khả năng đỗ vào các trường công lập theo mong muốn”, chị Chi nhấn mạnh.
Nhấn mạnh thêm về lựa chọn trường công, ngoài môi trường, chất lượng, chương trình đào tạo theo Bộ GD&ĐT quy định, chị Chi cho biết học phí trường công khá rẻ. Nếu con có nhu cầu học thêm để cải thiện ngôn ngữ, hay tham gia các môn học năng khiếu, gia đình sẵn sàng đầu tư bên ngoài, không kém gì các trường tư thục.
Ngoài ra, nữ phụ huynh cho biết từ nhỏ, con gái đều theo học ở trường công lập, chị đề cao các chương trình dạy học, tính kỷ luật và cạnh tranh tại đây, nhằm giúp con có quyết tâm, phấn đấu trong học tập. Điều này ở môi trường tư thục/quốc tế ít có được.
Tuy nhiên, chị Nguyễn Lý (Thanh Xuân, Hà Nội) lại cho rằng trường công chưa hẳn đã tốt. Theo chị, điều quan trọng là sự phù hợp với con.
Hiện tại, chị Lý đăng ký 2 nguyện vọng của con vào trường THPT công lập. Tuy nhiên, chị vẫn tìm hiểu thêm các trường bán công/dân lập khác. Một phần, phụ huynh này muốn con không quá áp lực chuyện “phải đỗ”. Bên cạnh đó, nếu con đỗ trường công mà cảm thấy chất lượng không tốt trong quá trình theo học, chị sẵn sàng chuyển con sang trường ngoài công lập.
Chuẩn bị gì nếu con học trường ngoài công lập?
Theo chị Hải, trước khi quyết định cho con theo học trường ngoài công lập, phụ huynh phải căn cứ vào nhiều yếu tố để chọn trường cũng như có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
“Kinh nghiệm của tôi là tiểu học chọn cô, cấp 2 chọn lớp và cấp 3 chọn trường. Theo đó, khi lựa chọn trường THPT, ngoài chất lượng giáo viên, chất lượng học sinh, các hoạt động ngoại khóa, phụ huynh nên lưu ý tính kỷ luật của trường bởi các con ở độ tuổi đang lớn, cần có sự dạy bảo nghiêm khắc hơn", chị Hải chia sẻ.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng là yếu tố chị Hải cân nhắc và cần sự chuẩn bị khi chọn trường cho con. Theo đó, trước khi đăng ký học, chị đã có kế hoạch tài chính lâu dài để không ảnh hưởng đến quá trình học của con sau này.
“Ngay từ khi con học cấp 1, gia đình đã tìm hiểu và lên kế hoạch tài chính để con theo học ổn định ở trường ngoài công lập đến hết cấp 2. Khi con lên cấp 2, tôi cũng phải tìm hiểu và có kế hoạch riêng cho những năm kế tiếp và chuẩn bị cho con lên cấp 3", chị Hải chia sẻ.
Còn đối với anh Chí, anh luôn ưu tiên tiêu chí chọn trường gần nhà, thuận tiện đi lại. Ngoài ra, anh còn chú trọng vào phương pháp giảng dạy và chất lượng đội ngũ giáo viên. Về tài chính, anh cũng phải cân nhắc, lên kế hoạch lập tài chính dài hạn, ít nhất phải đủ cho đến khi con hoàn thành cấp học.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.