Tổng số chỉ tiêu vào lớp 10 công lập hệ đại trà chưa đến 70.000 trong khi số lượng đăng ký nguyện vọng 1 xấp xỉ 105.000, nhiều phụ huynh Hà Nội sốt ruột sau thông báo tỷ lệ chọi. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Sáng 17/5, Hà Nội công bố tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập. Theo đó, trường Tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ là trường có tỷ lệ chọi cao nhất Hà Nội, lên đến 1/3,55. Nghe tin này, chị Thanh Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thất thần, tâm trạng rối bời bởi trường có tỷ lệ chọi cao nhất cũng chính là trường con trai chị đặt nguyện vọng 1.
Không những thế, trường THPT Đại Mỗ - nơi con chị Lương đặt nguyện vọng 2 để dự phòng - cũng có tổng số thí sinh đăng ký nguyện vọng ở mức cao nhất, lên đến 8.025 thí sinh, tính riêng số lượng nguyện vọng 1 và 2 cũng đã 4.505 trong khi chỉ tiêu là 765 em.
“Sau khi biết tin, tôi không còn tâm trí làm gì cả. Tôi sốc và tâm trạng tụt dốc. Cả ngày hôm qua, tôi lang thang trên các hội nhóm phụ huynh để cập nhật thông tin", chị Lương chia sẻ.
Từng căng não chọn nguyện vọng nhưng vẫn sốc trước tỷ lệ chọi
Chia sẻ với Zing, chị Thanh Lương cho biết suốt mấy tháng qua, chị phải căng não nghiên cứu để chọn nguyện vọng thi vào lớp 10 cho con, bởi nếu không cân nhắc kỹ, rất dễ sai một ly, đi một dặm.
Trước đây, khi nghe nói kỳ thi vào trường THPT công lập ở Hà Nội rất căng thẳng, chị vẫn chưa quá lo lắng. Tuy nhiên hiện tại, khi là người trong cuộc, chị mới thấy lo lắng, vất vả thế nào.
“Để con đỗ vào lớp 10 trường công lập, riêng việc chọn trường cho con cũng rất căng thẳng. Ngay tại Thủ đô mà việc học hành của các cháu cũng trở nên khó khăn đến vậy", chị Lương chia sẻ.
Đầu năm lớp 9, 2 mẹ con chị Lương dự định đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Quang Trung (Đống Đa). Đây là trường thuộc top 2 ở Hà Nội, mức điểm trúng tuyển năm ngoái là 38,5.
Tuy nhiên, khi Hà Nội công bố chỉ 55,7% học sinh có suất vào trường công lập, cộng thêm chứng kiến con học hành căng thẳng, sức khỏe không tốt, chị Lương "quay xe", quyết định chọn nguyện vọng 1 ở trường Tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ - trường thuộc top 3 của thành phố để con có khả năng đỗ cao hơn.
Ngoài ra, qua sự tư vấn của giáo viên chủ nhiệm, chị tiếp tục đăng ký nguyện vọng 2 vào một trường có điểm chuẩn thấp hẳn - trường THPT Đại Mỗ - để chắc suất công lập dù trường này khá xa nhà chị.
Tuy nhiên, chị Lương hoàn toàn bất ngờ khi mọi dự tính ban đầu đều thay đổi hoàn toàn. Cả 2 trường đều có số lượng thí sinh đăng ký rất lớn. Sức học của con trai lại không quá xuất sắc, chị như ngồi trên đống lửa.
“Nếu bây giờ được đổi nguyện vọng, tôi cũng hoang mang bởi không biết phải chọn thế nào. Với tình hình này, tôi lo lắm”, chị Lương nói.
Thí sinh thêm căng thẳng khi tỷ lệ chọi cao
Chị Lương cho biết suốt mấy tháng qua, cả 2 mẹ con cùng căng thẳng, liên tục trong tình trạng thức dậy từ 5h30 và học tới 1h. Thậm chí, người mẹ này phải xin giảm bớt công việc, chấp nhận làm vị trí có thu nhập thấp hơn để có thời gian đồng hành cùng con.
Ngoài học trên trường, chị còn đăng ký cho con học thêm cả 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Tính cả việc học gia sư, 6 ngày trong tuần, con trai chị Lương đều học 3 ca, chỉ trống duy nhất tối thứ hai được ở nhà. Vợ chồng chị phải thay nhau đưa đón, có hôm, chị phải chuẩn bị cả đồ ăn để con ăn ngay trên đường đi học thêm.
“Thời điểm con ốm, vừa lo sức khỏe con, vừa sốt ruột sợ con mất kiến thức khi nghỉ học dài ngày. Bố mẹ thương nhưng cũng chỉ biết động viên con cố gắng trong thời điểm chạy nước rút này", chị Lương tâm sự.
Con trai chị Lương quay cuồng với lịch học để chắc suất vào lớp 10 công lập. Nam sinh này có tới 4 chiếc cặp sách một chiếc dành cho việc đi học ở trường, 3 chiếc còn lại để dùng đi học thêm. Ảnh: NVCC. |
Đó là khi chưa biết tỷ lệ chọi, còn với tình hình hiện tại, chắc chắn, tâm lý cả 2 mẹ con chị Lương thêm phần căng thẳng.
Phụ huynh này cho biết không chỉ trường công, chị đã lựa chọn thêm trường ngoài công lập để làm phương án dự phòng cho con. Tuy nhiên, việc lựa chọn trường tư thục cũng đau đầu không kém khi phải cân nhắc đến sức học của con, kinh tế gia đình, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất của trường…
Sau nhiều lần cân nhắc, chị Lương đã đăng ký cho con thi trường THPT Đào Duy Từ (trường ngoài công lập). Tuy nhiên, khi nhận thấy số lượng học sinh nộp hồ sơ vào trường lớn, độ cạnh tranh cao không kém trường công, chị Lương phải đăng ký thêm một trường tư nữa để “dự phòng trong dự phòng", chấp nhận chi 2 triệu đồng phí giữ chỗ.
Vẫn lo ngại dù tỷ lệ chọi một số trường giảm
Năm nay, con gái chị K.P. (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Thăng Long - trường thuộc tốp đầu của thành phố. Tuy nhiên, tỷ lệ chọi vào trường này năm nay lại giảm so với năm ngoái, chỉ 1/1,27.
Biết tin này, con gái chị P. có phần nhẹ nhõm hơn. Ngược lại, chị P. cho biết “vẫn không yên tâm" bởi tỷ lệ chọi thấp nghĩa là chỉ những thí sinh có sức học tốt mới đăng ký vào trường này.
“Phụ huynh xem tỷ lệ chọi để biết vậy thôi, còn chất lượng thí sinh mới quyết định điểm chuẩn. Con cần cù nhưng sức học không chắc chắn cao. Vì vậy, tôi vẫn lo lắm”, chị P. chia sẻ.
Tương tự, con trai chị Minh Thúy cũng có phần đỡ căng thẳng khi biết tỷ lệ chọi vào trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai giảm mạnh so với năm ngoái, từ 1/2,32 xuống còn 1/1,68. Tuy nhiên, chị Thúy cũng cho rằng giảm tỷ lệ chọi đồng nghĩa với việc đa phần thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 đều có sức học xuất sắc.
“Hai lần thi thử, con đạt lần lượt 42 và 41 điểm. So với điểm chuẩn năm ngoái (41,75 điểm), khả năng con đỗ nguyện vọng 1 rất khó dự đoán", chị Thúy cho biết dù tỷ lệ chọi giảm, chị vẫn động viên, nhắc nhở con không được chủ quan, cố gắng ôn tập thật tốt.
Bắt đầu từ học kỳ 2, con trai chị Thúy học nhiều hơn. Ngoài học ở trường, con cũng học thêm bên ngoài và tự học ở nhà. Hôm nào sớm, con đi ngủ lúc 23h, còn trước những ngày thi, 0h, con mới ngủ và thức dậy từ 5h hôm sau.
“Để có suất trường công, ngay từ lớp 8, gia đình phải chuẩn bị, tìm thầy tốt để dạy con rồi. Các con rất vất vả, có hôm 21h mới được ăn cơm. Mấy hôm nay trời nắng nóng, con đi học cũng mệt hơn. Không những thế, con còn tự áp lực bản thân phải đỗ”, chị Thúy chia sẻ và cho biết đã đăng ký dự phòng trường tư cho con. Dù vậy, chị vẫn hy vọng con sẽ đỗ vào trường công lập theo đúng mục tiêu con đặt ra.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.