Năm học 2023-2024, dự kiến chỉ 55,7% học sinh Hà Nội đỗ lớp 10 công lập. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Năm học tới, con gái chị Nha Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ chính thức lên lớp 10. Chị cho biết sức khỏe con không tốt, vì vậy, lâu nay, chị luôn mong muốn con học trường công lập gần nhà.
Hiện tại, con gái chị có nguyện vọng 1 vào trường THPT Thăng Long, chỉ cách nhà chị một con phố. Tuy nhiên, đây là trường luôn có điểm chuẩn lớp 10 thuộc top cao của thành phố. Chính vì vậy, sau khi nghe thông tin lượng thí sinh tăng thi lớp 10 vọt so với năm ngoái, chị Trang “đứng ngồi không yên".
“Con cũng thuộc diện học tốt nhưng trước thông tin như vậy, tôi thêm phần lo lắng mà không dám thể hiện ra bên ngoài cho con thấy", chị Trang chia sẻ.
Học 12-13 giờ/ngày
Theo thông báo của Sở GD&ĐT, năm nay, Hà Nội dự kiến có 129.210 học sinh dự thi xét công nhận tốt nghiệp THCS, dự tính tuyển 102.000 em vào lớp 10.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 72.000 em được tuyển vào THPT công lập, chiếm 55,7% và tăng 1.000 em so với năm ngoái. Điều đó đồng nghĩa 30.000 học sinh, chiếm 44,3%, phải học trường công lập tự chủ, trường tư thục hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh vào trường THPT công lập năm ngoái khoảng 60%.
Sau khi Hà Nội công bố thông tin trên, những ngày này, gia đình chị Nha Trang rất lo lắng, thấp thỏm không yên.
Chỉ còn vài tháng nữa là kỳ thi vào lớp 10 công lập diễn ra. Hiện tại, chị Trang luôn động viên con học tập có trọng tâm, đồng thời phải giữ gìn sức khỏe. Thế nhưng, để hoàn thành cuộc đua vào lớp 10, mỗi ngày, con gái chị phải học tới 12-13 giờ. Lịch học mỗi ngày bắt đầu từ 7h30 cho đến 23h và chỉ trống duy nhất ngày chủ nhật để nghỉ ngơi.
“Con học trên lớp cả ngày, tối lại đi học thêm. Trở về nhà, con lại học cùng gia sư hoặc tiếp tục hoàn thành bài tập trên lớp, phấn đấu đạt mục tiêu cháu tự đặt ra. Vợ chồng tôi rất lo lắng, thường xuyên cùng thức để chăm sóc hoặc nhắc cháu đi ngủ sớm", chị Trang chia sẻ.
Hiện tại, do con không có nguyện vọng vào trường tư, chị Trang không mua thêm hồ sơ mà dự định đặt nguyện vọng 2 tại trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng và nguyện vọng 3 tại trường THPT Trương Định.
Theo chị Trang, việc đặt nguyện vọng như vậy sẽ tăng cơ hội đỗ trường công lập, dù trường THPT Trương Định xa nhà chị hơn một chút.
“Tôi hy vọng sẽ có thêm khảo sát trước khi các con đặt nguyện vọng, tránh để học sinh đổ dồn quá nhiều vào một trường, đồng thời mong muốn Sở GD&ĐT hoặc các trường có thêm thông tin, hướng dẫn để phụ thuận tiện theo dõi", chị Trang nói.
Áp lực đỗ vào trường công lập luôn đè nặng lên cả phụ huynh và học sinh. Ảnh: Việt Linh. |
Mua sẵn hồ sơ trường tư để dự phòng
Trong khi đó, năm nay, con trai chị Nguyễn Oanh (Hà Đông, Hà Nội) không chỉ đặt mục tiêu vào trường công lập. Nam sinh dự kiến thi vào trường THPT chuyên Nguyễn Huệ và trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Với lớp 10 công lập, em dự định đăng ký vào 1-2 trường THPT gần nhà.
Tuy nhiên, chị Oanh được biết quận Hà Đông là "điểm nóng" của cuộc đua vào lớp 10 công lập. Chính vì vậy, sợ con áp lực, chị tính sẵn nếu con không đỗ trường chuyên, chị sẽ đăng ký cho con vào trường tư.
"Cuộc đua vào trường công lập quá căng thẳng. Hiện tại, khối lượng kiến thức ôn tập vào trường chuyên của con cũng lớn. Ngoài học cả ngày trên trường, tối về, cháu còn đi học thêm. Bố mẹ chỉ động viên con cố gắng, dù kết quả thế nào, bố mẹ cũng hài lòng", chị Oanh nói.
Dù vậy, chị Oanh cũng lo ngại kinh phí học ở trường ngoài công lập bởi nhà chị có 3 cháu. Nếu cả 3 học trường tư, bố mẹ sẽ rất vất vả. Mấy năm nay, chị phải nghỉ làm để ở nhà kinh doanh, buôn bán mới có đủ thu nhập cho con theo học.
"Học phí trường tư khá lớn, khoảng 8-10 triệu/tháng, chưa kể học thêm. Vì vậy, bố mẹ rất căng thẳng về tài chính", chị Oanh chia sẻ.
Tương tự, dù con đăng ký thi 2 trường chuyên và 3 trường THPT công lập, chị Bích Hải (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng chuẩn bị sẵn 3 bộ hồ sơ của trường tư để dự phòng.
Chị Hải đánh giá sức học của con ở mức tương đối so với các bạn cùng lớp. Vì vậy, chị cũng không áp lực chuyện thi cử. Tuy nhiên, với mục tiêu đã đặt ra, để thi trường chuyên và công lập, con phải cố gắng hơn nhiều, học thêm đến 3 buổi/tuần.
"Nhiều trường hợp học sinh áp lực quá dẫn đến các vấn đề tâm lý, vợ chồng tôi cũng lo ngại. Vì vậy, gia đình nhìn năng lực của con để đánh giá, đỗ trường chuyên, công lập thì tốt, nếu không cũng có phương án dự phòng cho con", chị Hải chia sẻ.
Theo chị Hải, chỉ tiêu tuyển sinh vào trường THPT công lập hiện tại quá ít so với số lượng học sinh của Hà Nội. Những gia đình có điều kiện có thể đăng ký trường tư thục để con đỡ áp lực. Tuy nhiên, với những gia đình có 2-3 con hoặc kinh tế hạn hẹp, áp lực vào trường công rất lớn.
Nếu không đỗ trường công, nhiều em phải đi học nghề hoặc học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp. Trong khi đó, nhiều phụ huynh không muốn điều này. Vì vậy, áp lực đỗ vào trường công lập luôn đè nặng lên cả phụ huynh và học sinh.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.