Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Áp lực giấy khen, điểm 10 khiến học sinh lo âu, trầm cảm

Theo TS Trần Thành Nam, nhiều học sinh mất phương hướng, lao vào đua xe, hút hít khi bị cha mẹ gây áp lực học tập quá căng thẳng mà không biết "kêu ai".

Phụ huynh thi nhau khoe thành tích cuối năm của con lên mạng xã hội, gây áp lực để con phải đạt loại giỏi là câu chuyện được nhắc đến nhiều trong những ngày qua.

TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng áp lực học tập có thể để lại những hậu quả tiêu cực cho trẻ. 

ap luc benh thanh tich anh 1
TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

- 42/43 học sinh của một lớp tại trường THCS Nguyễn Thái Bình (Vũng Tàu) đạt học sinh giỏi. Học sinh được khen thưởng, trao thùng quà rỗng cuối năm học. Nhiều người cho rằng những biểu hiện này có liên quan cụm từ “bệnh thành tích trong giáo dục”, thưa ông?

- Theo nghiên cứu về tâm lý, trẻ không quan tâm phần thưởng là bao nhiêu. Việc thưởng tiền không hiệu quả bằng tổ chức để trẻ được ghi nhận, vinh danh. Người lớn tặng trẻ thùng quà thật to nhưng rỗng ruột khiến các em phải "diễn" là điều đáng tiếc.

Cách thức trao thưởng như 42/43 học sinh giỏi sẽ khiến người không được thưởng trở nên dị biệt, tự ti. Đồng thời, việc đánh giá, khen thưởng tràn lan làm mất giá trị của bằng khen.

Để tổ chức hiệu quả, giáo viên cần dựa trên điểm mạnh, sự khác biệt, sáng tạo của từng em để tăng cường điểm tốt và khắc phục điểm yếu. Điều này hoàn toàn phù hợp quan điểm giáo dục hiện nay là hướng tới cá nhân hóa người học. Mỗi đứa trẻ là một chủ thể độc đáo và chúng ta không thể dạy học hay khen "đồng phục".

Nếu học sinh chỉ nhận lời khen “học sinh giỏi”, gia đình cũng không biết cụ thể năng lực của con. 

-  Trong nghiên cứu của mình, ông đánh giá thế nào về hậu quả của việc bắt con trẻ chạy theo thành tích học tập quá sức bản thân?

- Theo đánh giá nghiên cứu về lo âu của học sinh ở trường, các em cho rằng phần lớn bị áp lực học tập phải đạt thành tích và sự kỳ vọng của bố mẹ. Mối quan hệ mà các em lo sợ nhất là với giáo viên.

Thầy cô đứng trên bục giảng cũng áp lực vì cần có tỷ lệ học sinh khá, giỏi để xếp thi đua đạt thứ hạng cao. Học sinh làm mất điểm thi đua của lớp sẽ bị phê phán, tẩy chay.

Có em lo âu, trầm cảm thành bệnh lý, tự cắt tay để phạt bản thân. Ở khía cạnh khác, trẻ không tự quyết định và mất hứng thú trong học tập sẽ là mầm mống của gian lận thi cử.

Không ít phụ huynh luôn cho rằng con cái thành công hay thông minh đều thể hiện qua kết quả học tập. Ngoài ra, nhiều cha mẹ quan niệm con học hành thế nào sẽ thể hiện trình độ của họ. Để chứng minh bản thân trước xã hội, phụ huynh lại dồn áp lực lên con.

Từ đó, trẻ sẽ học vì động cơ bên ngoài, không xây dựng được hứng thú, năng lượng, đam mê để học tập suốt đời. Nếu học kém, các em nghĩ mình hư hỏng hay thất bại. Tỷ lệ học sinh có biểu hiện lo âu học đường hiện tăng lên, phần lớn nguyên nhân do áp lực học tập. 

- Ông có lời khuyên gì cho phụ huynh đang tạo quá nhiều áp lực thành tích lên con?

- Một học sinh có nhiều phương diện thể hiện sự thông minh như thành tích học tập, giao tiếp xã hội, khả năng kiểm soát cảm xúc, xử lý tình huống, tự chủ…

Trí thông minh của con người thể hiện qua nhiều mặt khác nhau, từ tư duy ngôn ngữ toán, văn học, thể thao, đến cảm xúc... Chúng ta không thể đo năng lực của con cá thông qua việc leo cây.

Phụ huynh cần thời gian để hiểu con có mặt mạnh, yếu ra sao, đồng thời động viên, gieo cho con niềm hy vọng. Từ mục tiêu cụ thể, học sinh sẽ có động lực bên trong để cố gắng không mệt mỏi. Nếu chỉ cố gắng vì bố mẹ, các em sẽ thấy khó khăn, mất tinh thần và thiếu hứng thú. Lúc này, việc học trở nên nặng nề, không hiệu quả. 

'42/43 học sinh giỏi một lớp là bình thường, không có bệnh thành tích'

Phòng GD&ĐT thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) kết luận thành tích cuối năm học của lớp 6/2, trường THCS Nguyễn Thái Bình, là bình thường, hợp lý.


Quyên Quyên thực hiện

Bạn có thể quan tâm