Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Áp lực học hè vì phụ huynh sợ con kém cỏi

PGS Chu Cẩm Thơ cho hay sức nóng của những cuộc thi chuyển cấp, khóa học hè vì cha mẹ lo sợ con mình kém cỏi hoặc không cố gắng tự mình giáo dục con.

Nhiều trẻ em hiện không có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa khi bị cuốn vào việc ôn thi chuyển cấp, học hè. Zing.vn giới thiệu bài viết của PGS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Nhà sáng lập POMath, về vấn đề này.

Cuối tháng năm tưởng là mùa nghỉ ngơi sau một năm học kết thúc. Hóa ra không phải, nóng của mùa hè cũng không bằng các hoạt động không nghỉ về học tập như thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi đại học và cả những khóa học hè.

pgs chu cam tho anh 1
PGS Chu Cẩm Thơ - Nhà sáng lập POMath.

Đi tìm nguyên nhân của sức nóng này, tôi thấy phụ huynh than họ sợ con mình kém, sợ con mình tụt lại so với các bạn nên phải cố bằng được để vào được một trường tốt, một nơi học tốt hoặc học thật nhiều để sau này sẽ giỏi giang.

Xin thưa, thực ra con chúng ta đâu kém, chúng ta cũng đâu khẳng định được việc học thật nhiều cho bây giờ sẽ tốt cho tương lai? Hiện tại chúng ta chỉ thấy lũ trẻ kém vô vàn thứ chỉ vì người lớn chúng ta đang kém.

Thứ nhất, người lớn có thái độ, lối sống kém. Ngoài xã hội, nhiều người không tuân thủ các quy định, thờ ơ vì nghĩ rằng nó hiển nhiên diễn ra như vượt đèn đỏ, uống rượu bia, từ chối các hoạt động cộng đồng... Nề nếp của nhiều người lớn thuộc hạng “bét bảng”. Nhiều người khó có được những hoạt động cần rèn luyện thể lực, sức khỏe, sống lành mạnh.

Từ đó con của chúng ta sẽ thiếu niềm tin vào cuộc sống. Trẻ sẽ nói sống tốt, giỏi để làm gì, để làm hài lòng cha mẹ hay chỉ là trang sức cho cuộc đời. Bởi sự thật người lớn dạy trẻ phải chăng chỉ là mưu mẹo, lừa dối.

Thứ hai, người lớn có hệ giá trị kém. Họ có tin những giá trị tốt đẹp không? Nhiều người không tin vào trung thực, bền bỉ, tận tâm hay hạnh phúc. Khi chúng ta nghèo nàn những giá trị tốt đẹp, làm sao chúng ta có thể để trẻ được thừa kế giàu sang?

Tôi có tham gia một cuộc tranh luận mới thấy rằng những người ở đó bị ám ảnh vì tiền. Họ cho rằng giá trị của số tiền là thước đo quan trọng, mặc dù chúng ta nhắc đến đạo đức, nhưng hành động thực sự lại bỏ mặc đạo đức một bên.

Thứ ba, nhiều người lớn có năng lực kém khi trẻ nhìn thấy họ có chuyên môn một đằng nhưng làm một nẻo. Có đứa trẻ hỏi tôi rằng: "Người lớn cứ bảo con phải học giỏi, có chuyên môn giỏi, nhưng con thấy người ta có sống bằng chuyên môn giỏi đâu”. Có người có chuyên môn giỏi nhưng lại bỏ mặc nó. Vậy niềm tin nào cho sự giỏi giang mà ta sẽ rèn giũa cho tụi nhỏ đây?

Thứ tư, người lớn nghèo thời gian và lời hứa chắc nịch. Trong mẫu khảo sát của đồng nghiệp tôi với hơn 8.000 người, hầu hết cha mẹ sẵn tiền cho con đi chơi, đi ngoại khóa, mua sách, nhưng mà mấy khi đọc sách cho con, hướng dẫn con việc nhà, hướng dẫn con cư xử... Sự buông bỏ dễ dàng những điều đáng lẽ chỉ có cha mẹ mới làm tốt đã khiến người lớn thật sự xa cách, nghèo nàn với lũ trẻ.

Thứ năm, người lớn kém tạo cơ hội cho con mình. Nhiều người tin rằng sự đầu tư đầy đủ về vật chất và sự chăm nom chu đáo là tạo điều kiện tốt. Nhưng không phải, điều đó có thể đã tước đi cơ hội được sống trong bản năng khám phá của tụi nhỏ.

Tôi nhớ đến câu chuyện hôm qua của cậu bé bằng tuổi con tôi, mẹ cậu ấy nói rằng, khi đến thăm ngôi trường mới, đứa trẻ đã nói con thích học trường này. Vì ở đây con được nói, dù sai, còn trường cũ con phải nói cho đúng. Và có bao nhiêu người mẹ nhận ra, được sai là một khoản đầu tư để trở nên không kém.

Chúng ta, những người lớn sợ hãi sự kém cỏi, nghèo nàn vào thế hệ của con mình nhưng lại quên mất chúng ta nghèo, chúng ta kém thì ai lo? Huống hồ sự nghèo, kém đó còn được di truyền cơ học sang lũ trẻ. Điều đấy có đáng lo không, có đáng sợ không?

Cha đòi 100 triệu vì con bị đánh và chuyện học sinh chịu đòn thay bạn

"Trong khi đám trẻ hành động trượng nghĩa, sẵn sàng chịu đòn thay bạn, người lớn lại đôi co với nhau từng đồng xu, coi trẻ như món hàng", TS Vũ Thu Hương viết.



PGS Chu Cẩm Thơ

Bạn có thể quan tâm