Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Áp lực ôn thi vào lớp 10, phụ huynh sốt sắng cho con học thêm

Giáo viên cho rằng việc thi 4 môn, chưa công bố khiến nhiều phụ huynh, học sinh áp lực. Tuy nhiên, cha mẹ không nên sốt sắng, ép con học thêm.

Kết thúc năm học trước, chị Mai Liên (Cầu Giấy) vội vàng tìm thầy cô cho con học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.

Lúc đó, Sở GD&ĐT Hà Nội chưa chốt phương án thi nên con chị tập trung học 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.

Dù vậy, chị cũng tham khảo thêm thông tin về giáo viên uy tín của các môn khác, sẵn sàng cho con theo học khi Sở công bố phương án chính thức. Thế nhưng, gần một tuần sau khi sở chốt phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020, chị Liên vẫn chưa quyết định được sẽ cho con học thêm môn nào.

Áp lực lớn hơn năm ngoái

Việc phụ huynh, học sinh lo ngại trước phương án thi là điều dễ hiểu. Bên cạnh số môn tăng gấp đôi, đến tháng 3 năm sau, môn thứ 4 mới được công bố.

Theo thầy Hồng Trí Quang - giáo viên Toán trường Archimedes, điều này khiến phụ huynh và học sinh tương đối căng thẳng.

tuyen sinh lop 10 o ha noi anh 1
Phương án thi 4 môn khiến nhiều phụ huynh, học sinh căng thẳng. Ảnh: Nguyễn Sương.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Quyết Thắng - giáo viên môn Vật lý, trường Liên cấp Đa trí tuệ, Cầu Giấy - cho rằng ở Hà Nội, áp lực thi cử là điều không tránh khỏi. Ít nhất, với phương án thi này, học sinh chỉ cần ôn 4 môn, thay vì 6 môn như phương án thi tổ hợp.

Trái ngược với quan điểm trên, cô Dương Thu Hương - giáo viên môn Địa lý trường THCS Alpha - cho biết nhiều học sinh tâm sự cảm thấy áp lực hơn với phương án thi 4 môn.

Trước đó, các em đã có tâm lý đón nhận việc thi 3 môn cộng bài thi tổ hợp 3 môn. Như vậy, câu hỏi trong bài tổ hợp sẽ đề cập đến phần kiến thức chính, áp lực không dồn vào một môn mà chia đều lên 3 môn. Nếu các em không học tốt một môn vẫn còn môn khác "cứu" lại.

Với cách thi đã chốt, học sinh hoang mang về môn thứ 4. Với học trò của cô Hương, nhiều em sợ môn Hóa học nên lo lắng sẽ phải thi môn này.

Tại trường cô, học sinh học hai buổi, số tiết các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh nhiều hơn so với chương trình chuẩn. Do đó, số lượng học sinh phải học thêm không nhiều, chủ yếu do phụ huynh không yên tâm nên muốn con học nhiều hơn, đặc biệt các môn tự nhiên.

Dù không học thêm, phần lớn học sinh học tập nghiêm túc hơn. Nhà trường, giáo viên và bản thân học sinh xác định chờ đến tháng 3 mới học là quá muộn.

Ví dụ, dù phía Sở thông tin môn thứ 4 thi hình thức trắc nghiệm, 50% nhận biết, 40% thông hiểu và chỉ 10% câu rơi vào dạng vận dụng cấp thấp. nếu chỉ ôn thi Địa lý từ tháng 3 đến tháng 6, học sinh khó có đủ kiến thức để thi tốt.

"Thời gian ôn thi 3 tháng sẽ tạo áp lực tâm lý đối với học sinh lớp 9", cô Hương nhận xét.

Do đó, cô cho học sinh làm quen từ bây giờ bằng cách ra bài kiểm tra trắc nghiệm sau mỗi chủ đề, nội dung kiến thức. Các môn khác cũng được tăng tiết dạy.

Bên cạnh đó, nhà trường quán triệt giáo viên dạy học trên tinh thần sẵn sàng cho học sinh thi môn đó khi Sở chốt môn thứ 4.

Ở góc nhìn khác, thầy Nguyễn Phi Hùng - giáo viên môn Ngữ văn tại hệ thống giáo dục Hocmai - cho rằng phương án thi 4 môn chắc chắn gây áp lực lên học sinh. Nhưng cách thi này cũng thúc đẩy học sinh học toàn diện hơn.

Năm trước, thí sinh thi hai môn đã phải học thêm nhiều. Năm nay, số lượng môn thi tăng, môn thứ 4 chưa xác định, việc học đương nhiên nặng hơn.

Trường hợp phải theo học thêm 2-3 giáo viên cho mỗi môn không hiếm. Ngoài cho con học ở trung tâm, không ít phụ huynh mời thêm gia sư.

"Không còn cách nào khác, học sinh phải chú trọng học nhiều môn, không thể chỉ tập trung học vài môn, học lệch, học tủ như trước đây", thầy Hùng nhận định.

Phụ huynh không nên quá sốt sắng

Hiện tại, Sở chưa công bố đề thi minh họa nên chưa thể đánh giá mức độ khó, dễ. Dù vậy, thầy Hồng Trí Quang và thầy Nguyễn Phi Hùng hy vọng sở giữ nguyên cấu trúc đề thi môn Toán, Ngữ văn như năm ngoái để tránh xáo động.

Thầy Quang nói thêm với cấu trúc đề như năm ngoái, đề thi vẫn có những câu khó. Như môn Toán, việc đạt 5-6 điểm khá dễ dàng. Nhưng để được 8,5 điểm trở lên, học sinh phải ôn tập nhiều, sâu kiến thức.

tuyen sinh lop 10 o ha noi anh 2
Học sinh nên học nghiêm túc các môn, tránh học lệch, học tủ. Ảnh: Việt Linh.

Thầy hy vọng số lượng môn thi tăng, Sở sẽ giảm độ khó ở các môn để giảm bớt áp lực cho thí sinh. Dù vậy, trước mắt, các em vẫn nên tập trung học tốt 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, đồng thời không lơ là các môn khác.

Cùng quan điểm, thầy Phi Hùng cho rằng Hà Nội đã thay đổi phương thức thi, nếu cấu trúc đề cũng thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi trong cách dạy và học khiến học sinh khó thích ứng.

Học sinh vẫn phải học đều các môn. Do đó, khó tránh khỏi học thêm.

Trong khi đó, cô Thu Hương khẳng định nếu học sinh học nghiêm túc, việc thi cử không quá khó khăn.

Cô thông tin trường THCS Alpha đẩy chương trình lớp 9 lên sớm hơn. Đến tháng 3, các môn cơ bản học xong. Nhà trường tập trung ôn thi cho học sinh.

Nữ giáo viên không đồng tình với việc cho học sinh học thêm nhiều. Bản thân cô chứng kiến học trò vì học thêm buổi tối mà không hoàn thành việc học trên lớp.

Với Địa lý, để có thể thi tốt, các em tập trung nghe giảng, làm bài tập, giờ nào làm việc nấy. Một số bạn lên lớp không học nhưng lại phải đi học thêm để bù lại kiến thức đấy. Điều này rất lãng phí thời gian.

Cô nói thêm nhiều phụ huynh quá sốt sắng, vô tình gia tăng áp lực tâm lý lên con cái. Cô không khuyên phụ huynh thả lỏng vì trên thực tế, một số học sinh cần thúc ép mới học tốt.

Tuy nhiên, cô hy vọng các bậc cha mẹ thấu hiểu con mình hơn, thông qua kênh tin cậy như giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để nắm lực học của con, chứ không nghe đánh giá của người khác rồi ép con học thêm.

"Học quan trọng ở chất lượng. Nhiều phụ huynh cho con học thêm chỗ này, chỗ kia. Mỗi thầy một phương pháp khiến con bị loạn, mất hứng thú học tập. Cha mẹ ngày nay quan tâm con nhiều hơn. Nhưng nếu sai cách, họ vô tình gây áp lực lên con, tạo hậu quả đáng tiếc", cô Thu Hương chia sẻ.

Phương án thi 4 môn nhẹ nhàng, không quá tải Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT) khẳng định phương án thi 4 môn không quá tải và không ảnh hưởng đến việc dạy, học hiện nay.

Điểm thi môn Toán và Ngữ văn vào lớp 10 ở Hà Nội sẽ nhân đôi

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý vừa ký quyết định ban hành kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 với nhiều thay đổi.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm