Sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội chốt phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020, nhiều người lo ngại việc thi 4 môn sẽ tăng gánh nặng học tập lên học sinh.
Trước những băn khoăn này, trả lời VTV, ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội - khẳng định phương án thi mới không quá tải.
Ông lý giải theo chương trình giáo dục THCS hiện tại, học sinh phải học khoảng 14 môn, bao gồm Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý... Vì thế, thi 4 môn không nhiều.
Ông Toản khẳng định phương án thi 4 môn không quá tải đối với học sinh. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Tuy nhiên, để giảm áp lực cho các em học sinh, Sở có định hướng về các yêu cầu kiến thức, kỹ năng với đề thi, hình thức thi, thời gian dự thi.
Cụ thể, về nội dung thi, Sở yêu cầu đề đảm bảo theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD&ĐT. Các câu hỏi được phân chia theo cấp độ nhận biết, thông hiểu, một số câu thuộc vận dụng cấp độ thấp.
Nội dung hoàn toàn theo chuẩn chương trình sách giáo khoa. Các em chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa có thể làm tốt bài.
Về hình thức, môn Ngoại ngữ được triển khai theo hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm. Môn thi thứ 4 (công bố vào tháng 3 năm sau) thi trắc nghiệm 100%, rất nhẹ nhàng với học sinh.
Về thời gian, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình UBND thành phố, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 6 để thí sinh vận dụng kiến thức vừa học xong vào làm bài, đỡ phải đi học thêm hay ôn tập lại.
Về những lo ngại phương án thi này tác động đến cách học, ông Toản nhấn mạnh kế hoạch dạy và học không có gì thay đổi, bởi đề thi theo đúng yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 2008.
Kế hoạch dạy học của các trường bám sát theo đúng chuẩn kiến thức kỹ năng của bộ.
Ông nói thêm phương án này được đưa ra sau khi đã lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, giáo viên, học sinh, nhân dân TP Hà Nội.
Ngoài ra, những trường công lập tự chủ tài chính và trường ngoài công lập vẫn được phép tuyển sinh theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc THCS.