Tại buổi trao đổi với báo chí vào ngày 29/9 tại Vũng Tàu, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT - đã thông tin nhiều vấn đề về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với các điều chỉnh và giải pháp.
Không thể bỏ thi tốt nghiệp
Những năm qua, đã có nhiều ý kiến kêu gọi bỏ kỳ thi THPT quốc gia vì tỷ lệ tốt nghiệp mỗi năm đều gần đạt 100%, việc tổ chức kỳ thi để xét tốt nghiệp không mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, ông Trinh khẳng định không thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia.
"Điều 31 của Luật giáo dục cũng nêu rõ học sinh học hết lớp 12 phải dự một kỳ thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT. Do đó, không thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia được vì hai lý do chính: Thứ nhất là vi phạm luật giáo dục, thứ 2 là hiện nay khi kết thúc bậc tiểu học, kết thúc bậc THCS chúng ta không hề có kỳ thi nào, với đặc điểm văn hóa truyền thông của một số nước châu Á, đặc biệt là nước ta, nếu không thi thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của việc dạy và học", ông Trinh nói.
Do đó, việc tổ chức kỳ thi lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT vừa đáp ứng thực tiễn, vừa phù hợp với văn hóa truyền thống, đặc biệt là đúng quy định của Luật giáo dục.
Cục trưởng Mai Văn Trinh thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: M.N. |
Theo ông Trinh, ngoài mục đích xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở để các trường đại học tuyển sinh thì kỳ thi THPT quốc gia những năm qua đã điều chỉnh việc dạy và học theo hướng tích cực.
"Việc thí sinh lựa chọn bài thi khoa học xã hội ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước và việc đưa môn Giáo dục công dân vào tổ hợp các môn thi có ý nghĩa lớn trong việc giảm quan niệm môn chính, môn phụ. Nếu không thi thì chất lượng Giáo dục công dân và môn Lịch sử sẽ không thể được như năm vừa rồi", ông Trinh nói.
Hơn nữa, việc các trường đại học tự tổ chức một kỳ thi không đơn giản, rủi ro, ngân hàng đề thi, đội ngũ coi thi, việc tổ chức rất tốn kém. Do đó, Cục trưởng cho rằng khi nào kỳ thi THPT quốc gia còn chính xác, đảm bảo độ tin cậy thì các trường có thể yên tâm sử dụng kết quả để làm cơ sở tuyển sinh.
Không phải kỳ thi '2 trong 1'
Trước đó, tại phiên giải trình việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong cuộc họp do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ cho biết vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng không phục vụ mục đích " 2 trong 1" mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông.
Nhiều người cho rằng đây là thay đổi lớn của kỳ thi THPT quốc gia 2019. Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh khẳng định mục đích của kỳ thi vẫn không đổi.
Kỳ thi THPT quốc gia điều chỉnh việc dạy và học. Ảnh: Hải An. |
"Tôi xin khẳng định cách nói kỳ thi '2 trong 1' là chưa đầy đủ, chưa trọn nghĩa, chưa đầy đủ sứ mệnh của kỳ thi THPT quốc gia. Đây chỉ là cách nói nôm na của nhiều người nhưng lại không đúng với bản chất của kỳ thi", ông Trinh nhấn mạnh.
Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia được xây dựng dựa trên cơ sở của Nghị quyết 29 và Nghị quyết 44. Cụ thể, Nghị quyết 29 quy định đổi mới hình thức thi xét tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng đảm bảo độ trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh, lấy kết quả đết xét tốt nghiệp THPT đồng thời làm cơ sở để tuyển sinh đại học và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.
"Tại sao lại để xét tốt nghiệp THPT bởi vì luật giáo dục quy định rõ các em học sinh học suốt 12 năm phải dự một kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT. Còn luật giáo dục thì nói các trường đại học tự chủ trong tuyển sinh. Vì thế, nếu Bộ GD&ĐT đứng ra tổ chức kỳ thi đại học là phạm luật. Cho nên Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi đại học", Cục trưởng giải thích.
Thêm vào đó, ông Trinh cũng lý giải rằng việc xét tốt nghiệp THPT lại sử dụng điểm học bạ của 3 năm học phổ thông nhằm đánh giá kết quả của học sinh trong một quá trình liên tục từ khi xuất phát đến khi về đích. Việc sử dụng điểm học bạ kết hợp với điểm thi sẽ đưa đến một kết quả chính xác, công bằng cho việc xét tốt nghiệp THPT.
Sẽ sớm công bố đề thi tham khảo
Ông Mai Văn Trinh cho hay kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được duy trì ổn định nhưng điều chỉnh, bổ sung với 6 nhóm giải pháp được triển khai trong năm 2019. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng sẽ sớm công bố đề thi tham khảo để giáo viên yên tâm tổ chức hoạt động dạy học và sớm hoàn thiện ngân hàng đề thi.
- Rà soát tổng thể về toàn bộ quy chế, quy trình của kỳ thi để cụ thể hóa những quy định trong quy chế, hướng dẫn. Trong đó, vấn đề quan trọng là xác định rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan tham gia tổ chức kỳ thi và chế tài xử lý.
- Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo chất lượng, đảm bảo các yêu cầu để đề thi chính thức phù hợp với tính chất kỳ thi, thời gian làm bài của thí sinh.
- Hoàn thiện, củng cố ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của kỳ thi, hoàn thiện phần mềm kỳ thi, tăng cường bảo mật, hỗ trợ phát hiện gian lận.
- Nghiên cứu, xem xét tổ chức về việc chấm thi. Bộ GD&ĐT đang xem xét theo hướng cán bộ chấm thi sẽ không chấm bài của thí sinh tỉnh mình và chấm thi theo cụm.
- Chú trọng khâu lựa chọn nhân sự tham gia vào công tác kỳ thi. Đồng thời, sẽ tập huấn kỹ hơn về công tác thi cho đội ngũ nhân sự.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra, giám sát tại các cụm thi, địa điểm thi và tất cả các phòng thi.