Tại phiên giải trình việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong cuộc họp do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ cho biết vẫn sẽ duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng không phục vụ mục đích “2 trong 1” mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã. |
Ngoài ra, nhiều đại biểu băn khoăn về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hiện nay. Trong đó, có đại biểu đề xuất tốt nghiệp THPT nên giao địa phương xét, không nên thi. Cũng có ý kiến cho rằng thi tốt nghiệp THPT, nên cho thi vài lần cho đỡ căng thẳng.
Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Nguyên trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội về các vấn đề trên.
Nếu tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhiều lần trong năm, sẽ loạn?
- Thưa PGS, có đại biểu quốc hội đề xuất tốt nghiệp THPT nên giao địa phương xét, không nên thi. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức thi khi năm học kết thúc. Kỳ thi ấy sẽ đánh giá học sinh có qua được kỳ thi ấy không, có tốt nghiệp được hay không.
Đã là một chương trình đào tạo thì phải thi, không bỏ kì thi được. Mà thi thì phải có hàng rào vừa sức. Nếu thi để cho 98-99% đỗ cả thì không cần tổ chức thi nữa. Tổ chức thi tốt nghiệp mà cuối cùng người thi gần như đỗ cả, chỉ mấy phần trăm vứt đi, thì thi để làm gì.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT như là 1 barrier đánh giá học sinh lớp 12 có đủ khả năng kiến thức, tâm thức, sức khỏe để có thể tốt nghiệp THPT không chứ không phải chỉ dựa ở một vài môn thi.
Còn về kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thì thí sinh trượt năm nay có thể là thí sinh tự do của năm sau.
- Vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn cần được tổ chức? Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể tố chức nhiều lần trong một năm để đỡ căng thẳng?
- Nếu để các trường THPT tổ chức nhiều lần trong năm sẽ loạn. Tôi cho rằng sẽ không khả thi vì như thế sẽ gây sức ép cho các trường phổ thông nhiều quá. Trong khi, việc thi THPT phải giao trả lại cho các trường THPT, Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đừng ôm, đừng can thiệp vào kì thi này nữa.
Bỏ kì thi 2 trong 1 là đúng?
- Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ cho biết vẫn sẽ duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng không phục vụ mục đích “2 trong 1” mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Thi THPT quốc gia là phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông, điều này được nói lâu rồi. Đó là đúng!
- Năm 2019, kỳ thi '2 trong 1' sẽ không còn, vậy các trường đại học sẽ phải tự tổ chức thi, thưa ông?
Kỳ thi ĐH, CĐ nên giao trả cho các trường. Kỳ thi này phải thi một đợt, cùng ngày? Vì sao? Tại vì một lẽ, để cho học sinh không chạy thi được hai chỗ, để tránh ảo. Cùng một đề thi thì phải thi trong cùng một thời điểm. Nếu ở nước ngoài thi cả tuần, không đăng ký hôm nay thì mai, nhưng ở Việt Nam không làm thế được.
- Nhìn lại trong năm 2018 vừa qua, với gian lận thi THPT Quốc gia bị phanh phui ở nhiều địa phương và việc bài thi chủ yếu theo phương thức trắc nghiệm, năm tới, chúng ta cần thay đổi thi thế nào, thưa ông?
- Nhiệm vụ ấy là của các Sở GD&ĐT, họ phải tổ chức thi. Trường ĐH có trách nhiệm đào tạo nghề chứ không làm thay trách nhiệm của các trường phổ thông được. Việc của họ đào tạo ra kỹ sư, cử nhân, sao hà cớ gì về để họ kiểm tra kỳ thi THPT. Còn Bộ GD&ĐT phải là nhạc trưởng, chỉ huy làm đúng chức trách.
Xin cảm ơn ông!