Không ít doanh nghiệp đòi hỏi người lao động cần có kĩ năng sáng tạo cao. Ảnh minh họa: Polina Tankilevitch/Pexels. |
Theo Entrepreneur, nhu cầu về sự sáng tạo đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá tư duy sáng tạo, tìm tòi cái mới là một trong 5 kỹ năng quan trọng nhất của nhân viên tính đến năm 2025.
Với thực tế như vậy, nhiều người lao động ngày nay phải đối mặt với áp lực chứng tỏ khả năng sáng tạo để nổi bật so với đồng nghiệp. Các nhà quản lý cũng ngày càng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kỹ năng này ở nhân viên.
Sáng tạo là phẩm chất quan trọng trong doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Antoni Shkraba/Pexels. |
Tại sao cần sáng tạo?
Trong một cuộc khảo sát các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vào năm 2017, Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) xác định sáng tạo là một trong những kỹ năng "cần phải có để thành công" đối với người lao động.
Cuộc khảo sát khác vào năm 2016 của IBM, tập trung vào 1.500 CEO trên 60 quốc gia và 33 ngành công nghiệp khác nhau, cho thấy "sáng tạo hiện là phẩm chất lãnh đạo quan trọng nhất để thành công trong kinh doanh, thậm chí còn quan trọng hơn cả sự chính trực và tư duy toàn cầu".
Những ý tưởng hay, mới lạ và thiết thực thường không xuất hiện thường xuyên. Vì vậy, chúng rất được săn đón trong các doanh nghiệp. Do đó, những nhân sự khả năng nghĩ ra các ý tưởng sáng tạo sẽ có ảnh hưởng đáng kể.
Họ sở hữu một nguồn tài nguyên quý giá mà nhiều người khao khát. Những nhân viên như vậy thường khiến người khác tôn trọng và ngưỡng mộ vì thông tin họ mang lại có thể giúp nhân sự khác đưa ra quyết định. Họ sẽ làm việc chăm chỉ để duy trì ấn tượng của mọi người xung quanh về bản thân.
Các quản lý được kỳ vọng thúc đẩy sự sáng tạo ở nhân viên. Ảnh minh họa: Artem Podrez /Pexels. |
Vai trò của quản lý
Khi sự sáng tạo ngày càng được đề cao, cấp quản lý cũng chịu trách nhiệm thúc đẩy kỹ năng này ở đội nhóm của mình.
Để làm được điều này, theo Entrepreneur, trước tiên, những nhà quản lý cần chủ động hỗ trợ cho nhân viên các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, màn hình máy chiếu cảm ứng, nguồn tài liệu nội bộ... Được hỗ trợ về nguồn lực, nhân sự sẽ có đủ tài nguyên để phục vụ hữu hiệu cho việc tìm ra ý tưởng mới.
Ngoài ra, việc tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp mà ở đó các cá nhân được khuyến khích đưa ra ý kiến riêng là điều rất quan trọng.
Nhà quản lý cần có suy nghĩ phóng khoáng, cởi mở khi lắng nghe ý tưởng của cấp dưới cho dù có thể còn thiếu sót. Đôi khi các nhân sự tài năng cũng phải đề xuất một vài ý tưởng tồi. Sau đó, họ mới có thể tìm ra chiến lược thực sự hiệu quả cho công ty.
Một trong những cách dễ thực hiện là tổ chức các buổi bàn luận, cùng tư duy ý tưởng (brainstorming). Các dịp này là thời điểm tuyệt vời để nhân sự tìm ra các sáng kiến khác lạ, độc đáo.
Đặc biệt, từ những ý tưởng được đưa ra, các quản lý cần đánh giá từng thành viên trong nhóm để đưa họ vào vị trí phù hợp, giúp gia tăng sự sáng tạo của đội ngũ tới mức tối đa.
Nếu nhân viên đang quá tải khối lượng công việc, quản lý cần tuyển dụng thêm người để hỗ trợ. Mặt khác, cũng không nên ngần ngại điều chuyển hay sa thải những nhân viên yếu kém làm ảnh hưởng đến công việc chung.
Cuối cùng, các nhà quản lý cần chú ý đến những cố gắng và thành quả của nhân viên để có thể động viên và khen thưởng xứng đáng. Những món quà và lời công nhận từ cấp trên chính là "thần dược" giúp nhân viên nâng cao tính sáng tạo một cách đột phá.
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.