Tại cuộc họp trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K của Bộ Y tế sáng 12/5, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay hiện tại, Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19.
Tuy nhiên, để rà soát biện pháp chống dịch trên cả nước, đặc biệt là hai bệnh viện lớn, Bộ Y tế họp bàn với các lãnh đạo và hai cơ sở y tế này để đưa ra pháp giải tỏa cách ly sớm nhất.
Nhiều bệnh nhân chờ được chuyển tuyến
Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khu phong tỏa của cơ sở y tế này đang có 372 nhân viên, 305 bệnh nhân, 41 người nhà. Trong đó, 284 ca dương tính với nCoV đang điều trị tại bệnh viện, 21 bệnh nhân khác và 15 người nhà.
Ông Thạch đề nghị Bộ Y tế cho phép chuyển bớt bệnh nhân sang nơi khác, ví dụ khu vực Hà Nam.
"Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân Covid-19 đã âm tính 3 lần, muốn giải tỏa để tiếp nhận bệnh nhân nặng khác lên. Hiện tại, số bệnh nhân Covid-19 từ các tuyến khác như Lạng Sơn vẫn chuyển đến trong đêm. Hôm nay, 3 người mắc Covid-19 khác đang chờ chuyển tuyến", ông Thạch chia sẻ.
Cơ sở y tế này hiện có 9 nhân viên y tế và 3 học viên mắc Covid-19. Trong tổng số bệnh nhân Covid-19, 5 người trong tình trạng nặng, 14 ca phải thở oxy, 5 trường hợp nguy kịch, 4 ca phải thở máy, 2 người lọc máu, 1 trường hợp cần can thiệp ECMO.
“Trong đợt dịch này, chúng tôi rất bất ngờ. Vì tất cả nhân viên trong khu điều trị Covid-19 không ai dương tính. Tại đây, chúng tôi thực hiện các biện pháp rất nghiêm ngặt, song, lại vỡ ngay ở phòng khám - khu tiếp đón bên ngoài. Sau đó là khu kiểm soát nhiễm khuẩn và khu điều trị tích cực. Vỡ ở những khoa không ngờ tới", ông Thạch nói.
Dàn xe đặc chủng khử trùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Việt Linh. |
Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng chia sẻ giải trình tự gene cho thấy biến chủng virus từ Ấn Độ đã xâm nhập cơ sở y tế này. Đặc trưng khi nhiễm biến chủng Ấn Độ là đa số người mắc không có triệu chứng. Do đó, việc khám sàng lọc, đo nhiệt độ không thể phát hiện. Theo ông Thạch, đến nay, các khu mắc bệnh đều nằm ở khu kiểm soát, cách ly.
"Khả năng trong tuần này, chúng tôi sẽ cơ bản kiểm soát được bệnh nhân mắc Covid-19", ông Thạch khẳng định.
Bên cạnh đó, Giám đốc Bệnh viện K Lê Văn Quảng cho hay ngoài xét nghiệm lần 1 cho toàn bộ nhân viên, các khoa có nguy cơ cao đã xét nghiệm lần 2, lần 3. Hiện tại, khoa Gan - Mật - Tuy không phát hiện thêm ca bệnh nào trong viện. Người dương tính với nCoV là những trường hợp trong khu cách ly, F1.
"Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân Covid-19 đã âm tính 3 lần, muốn giải tỏa để tiếp nhận bệnh nhân nặng khác"
Ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Đến nay, số ca mắc Covid-19 liên quan ổ dịch này là 19 người, gồm 12 bệnh nhân, người nhà và 7 trường hợp trong khu cách ly. Ông Quảng cũng chia sẻ việc sàng lọc người vào viện rất khó khăn vì không có triệu chứng. Nếu chỉ đo thân nhiệt, hỏi dịch tễ, bệnh viện rất khó phát hiện người nhiễm nCoV. Trong khi đó, xét nghiệm trước khi vào viện cũng rất khó.
Đại diện Bệnh viện K cho hay cơ sở y tế này đang phải chịu áp lực rất lớn, đặc biệt là 15.000 bệnh nhân ung thư phải hoãn điều trị. Các bác sĩ đã trực tiếp gọi điện cho những trường hợp này để theo dõi sức khỏe.
Dự kiến cuối tuần này, bệnh viện hoàn thành xét nghiệm lần 2 với toàn bộ nhân viên ở 3 cơ sở. Nếu họ có kết quả âm tính, Bệnh viện K đề xuất Bộ Y tế xem xét mở cửa lại cơ sở 1 và 2.
Bệnh viện K cơ sở Tân Triều phải cách ly y tế do xuất hiện ca mắc Covid-19. Ảnh: BVCC. |
Rà soát việc khám sàng lọc tại bệnh viện
Tại cuộc họp, Thứ tưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị rà soát lại khâu tổ chức, điều hành chống dịch trong bệnh viện theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Các bệnh viện có trách nhiệm kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch. Trong đó, giám đốc bệnh viện phải là trưởng ban, phó giám đốc làm trưởng các tiểu ban. Đặc biệt, ông Tuyên nhấn mạnh các bệnh viện phải chú trọng hai tiểu ban tiền phương và hậu phương.
Với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tiểu ban tiền phương rất quan trọng bởi ngoài tiếp nhận bệnh nhân còn thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, cho các đội cơ động sẵn sàng lên đường hỗ trợ địa phương khác chống dịch.
Hiện nay, theo báo cáo đánh giá tình hình, trong tất cả địa phương có dịch, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc rất cần hỗ trợ về chuyên môn. Cục Y tế Dự phòng sẽ tham mưu lãnh đạo của bộ để có các đội hỗ trợ chuyên môn, hướng dẫn 3-5 ngày, không phải ở lại lâu như Hải Dương, Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải rà soát, bổ sung ngay kế hoạch phòng, chống dịch xem đã có quyết định thành lập ban chỉ đạo, bản kế hoạch chưa. Ông Tuyên cho rằng kế hoạch là điều quan trọng để dự trù khi tình huống dịch xảy ra. Trong đó, các cơ sở cần xây dựng tình huống chưa có ca bệnh và khi dịch xuất hiện. Sau khi khoanh vùng, dập dịch xong, bệnh viện sẽ làm gì tiếp theo.
Ông Tuyên cho rằng: "Phải có các kế hoạch cụ thể để đối phó. Khi có kế hoạch, phải thực hiện nghiêm theo phương châm '4 tại chỗ', kết hợp giữa phòng và tấn công, lấy tấn công làm chính trên nền phòng ngự".
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Hưng Yên chiều 30/4. Ảnh: Tuấn Dũng. |
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện cần rà soát công tác sàng lọc. Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết về phân luồng, khám sàng lọc những người đến viện. Bên cạnh đó, bộ cũng hướng dẫn khám sàng lọc định kỳ ít nhất 7 ngày xét nghiệm cho cán bộ nhân viên làm việc ở những nơi có nguy cơ cao như khu tiếp đón, khám bệnh, khoa hô hấp.
Trước mắt, điều này phải được thực hiện ngay ở những khu vực có nguy cơ cao, sau là toàn bộ bệnh viện. Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh: "Nếu làm tốt, có lẽ tình hình kiểm soát dịch đã tốt hơn. Chứ không phải như bây giờ".
Tất cả bệnh viện phải chuẩn bị cơ sở tiếp nhận điều trị người mắc Covid-19. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến cuối điều trị bệnh nhân do các bệnh viện ở vùng lân cận hoặc bệnh nhân nặng chuyển tuyến. Cơ sở y tế này phải rà soát lại quy chế, hướng dẫn quy trình thực hiện trong khu vực điều trị người mắc Covid-19 để tránh lây nhiễm chéo, lây trong viện và lan ra cộng đồng.
Với Bệnh viện K, khi có người dương tính với nCoV, họ phải được chuyển ngay đến khu vực điều trị cho người mắc Covid-19 trước khi chuyển sang bệnh viện khác.
Bệnh viện K cơ sở Tân Triều được phun khử khuẩn sau khi phát hiện ổ dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh. |
"Hiện nay, 80% bệnh nhân của Việt Nam chưa phải thở máy hay sử dụng biện pháp hỗ trợ khác. Điều trị bệnh nhân Covid-19 chủ yếu dùng thuốc, kết hợp chế độ ăn uống, luyện tập để nâng cao kháng thể chống lại virus. Khi kháng thể đủ điều kiện tiêu diệt virus, chúng ta sẽ khỏe mạnh", Thứ trưởng Tuyên cho hay.
Trước đây, các nghiên cứu đã chỉ ra thời gian để kháng thể tiêu diệt virus là 14 ngày. Tuy nhiên, với các biến chủng virus mới xuất hiện tại Việt Nam như chủng từ Anh, Nam Phi, Ấn Độ, chúng ta làm theo khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới là theo dõi trong 21 ngày.
Trong tình hình hiện nay, Thứ trưởng Tuyên yêu cầu các bệnh viện thường xuyên nhắc nhở nhân viên, người nhà, bệnh nhân. Mỗi cơ sở y tế cần có hệ thống phát thanh để nhắc nhở những nơi đông người như phòng khám, yêu cầu thực hiện 5K, tránh tụ tập. Đây là một trong những biện pháp phòng dịch tại Việt Nam được đánh giá cao. Trong đó, quan trọng nhất là đeo khẩu trang.
"Nếu làm tốt, có lẽ tình hình kiểm soát dịch đã tốt hơn. Chứ không phải như bây giờ"
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Mỗi bệnh viện cần rà soát quy chế ra, vào thăm bệnh nhân; có thời gian cụ thể, hạn chế người thăm bệnh. Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá ổ dịch ở Thuận Thành, Bắc Ninh, từng có tình trạng cả xã thuê xe 16 chỗ lên thăm bệnh nhân vào dịp lễ. Hiện tại, dịch Covid-19 tại Bắc Ninh rất phức tạp, nhất là ở xã Mão Điền.
Riêng với hai bệnh viện đang phong tỏa, ông chỉ đạo rà soát lại kỹ tất cả bệnh nhân, người khám chữa bệnh. Thời gian rà soát là 14 ngày trở lại đây với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và trong vòng 16 ngày với Bệnh viện K.
Các bệnh viện cần thông báo về địa phương, giao cho công an, y tế rà soát, giám sát những ca nghi ngờ để tìm ra F0.
"Bộ đã phong tỏa nên đề nghị tất cả viện chấp hành nghiêm các quy định, 'nội bất xuất, ngoại bất nhập', buồng bệnh nào ở buồng bệnh đó, khoa nào ở khoa đó", ông Tuyên nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp tục là nơi điều trị người mắc Covid-19, ca bệnh nặng. Bệnh viện K tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân ung thư nặng từ tuyến dưới. Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, đặc biệt là sàng lọc trong các bệnh viện.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.