RCEP, vốn chiếm 32% GDP của thế giới, có thể phát triển mạnh hơn nữa. Ảnh: Kyodo/TTXVN. |
Ngày 5/6, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Kao Kim Hourn cho biết hiệp hội này đang nỗ lực hướng tới mở rộng số lượng thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Điều này có nghĩa là RCEP, vốn chiếm 32% GDP của thế giới, có thể phát triển mạnh hơn nữa. Ngoài ra, ASEAN cũng có kế hoạch thành lập một đơn vị hỗ trợ cho thỏa thuận thương mại này.
Phát biểu tại Tuần lễ Kinh doanh ASEAN - Nhật Bản 2023 ở Tokyo, ông Kao cho biết hiện các bộ trưởng Kinh tế ASEAN đang nỗ lực hoàn tất thỏa thuận về đóng góp tài chính, đặc biệt để thành lập bộ phận hỗ trợ RCEP tại Ban Thư ký ASEAN, đồng thời đang làm việc hướng tới các giao thức gia nhập để cho phép các nền kinh tế khác tham gia RCEP.
RCEP quy tụ 10 thành viên ASEAN, cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Văn kiện RCEP nêu rõ rằng bất kỳ nước nào cũng có thể tham gia thỏa thuận thương mại này sau 18 tháng kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Tuy nhiên, Ấn Độ không cần phải đợi lâu như vậy vì đây là quốc gia đàm phán ban đầu. Các cuộc đàm phán RCEP đã được khởi động vào năm 2012, song Ấn Độ đã rút khỏi các cuộc đàm phán vào năm 2019.
RCEP vừa có hiệu lực hoàn toàn đối với tất cả 15 quốc gia thành viên sau khi chính thức có hiệu lực tại Philippines vào ngày 2/6 vừa qua. RCEP sẽ loại bỏ 90% thuế quan đối với hàng hóa được giao dịch giữa các bên ký kết trong vòng 20 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Đề cập đến mối quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản, ông Kao tiết lộ rằng thương mại song phương đã đạt 240,4 tỷ USD vào năm 2021, tăng 17% so với năm 2020. ASEAN cũng thu hút 11,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào năm 2021.
Theo ông Kao, ASEAN hiện là ngôi nhà chung của hơn 14.000 công ty Nhật Bản. Sự hiện diện của các mạng lưới kinh doanh Nhật Bản này đã tích hợp hiệu quả ASEAN với tư cách là một trung tâm lớn.
Tổng thư ký Kao nhấn mạnh, RCEP - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới - là sáng kiến quan trọng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời đa dạng hóa thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp này”.