Tờ New York Times cho rằng thời nay không phải là "thời của hậu truyện", mà là thời của mọi hình thức tái sử dụng nhân vật và cốt truyện có sẵn để làm ra tác phẩm mới. "Không còn cái gọi là kết thúc nữa", tờ báo khẳng định. Chúng ta đang chứng kiến một thị trường điện ảnh đầy ắp những loạt phim kéo dài bất tận.
Quan điểm đáng chú ý được đăng tải hôm 15/11.
Những loạt phim không bao giờ kết thúc
Thời của hậu truyện đã thúc. Đây là thời của "hậu truyện của hậu truyện" và của tiền truyện, tái khởi động, tái hợp, hồi sinh, tái sản xuất, phái sinh và các phim độc lập nhưng có gắn kết với một loạt phim nổi tiếng nào đó. Những phim truyền hình đã bị hủy nay được hồi sinh. Các nhân vật từng chết hoặc biến mất cũng được hồi sinh. Các bộ phim không thực sự có điểm bắt đầu và kết thúc nữa.
Tương ứng, mạng xã hội dung dưỡng cho những thao tác cuộn bất tận. Không còn gì thực sự kết thúc cả, điều đó khiến chúng ta phát điên.
Không thứ gì là được nghỉ ngơi cả. Không phải Jersey Shore, Twins hay Mr. Mom. Tập cuối của các loạt phim truyền hình Roseanne, Murphy Brown hay Will & Grace cũng chẳng có vẻ gì là tập cuối cả.
Thuật ngữ "hậu truyện" là quá hẹp đối với một phim tổng hợp như Avengers: Infinity War. Ảnh: Marvel. |
Tốc độ mở rộng và kéo dài của những loạt phim này đang vượt ra ngoài khả năng diễn đạt của ngôn ngữ. Thuật ngữ "hậu truyện" là quá hẹp để mô tả những phim như Avengers: Infinity War, một phần mở rộng và tiếp nối 18 phim trong vũ trụ Marvel suốt 10 năm qua. Đồng thời, trên màn ảnh nhỏ, sau khi khép lại mùa thứ 5 của loạt phim truyền hình Agents of S.H.I.E.L.D. (cũng của Marvel), mùa thứ 6 sẽ tiếp nối từ tháng 7/2019.
Gần đây, Chris Meledandri, nhà làm phim hoạt hình quyền lực bậc nhất, tuyên bố sẽ tái sinh loạt phim ăn khách một thời Shrek. Chính ông này cũng thực hiện loạt phim riêng Despicable Me dành cho hội Minions. Vấn đề là loạt Shrek mới dự định sử dụng lại dàn diễn viên lồng tiếng cũ và những nhân vật cũ. Giống như một sự tái phát hành chứ không phải sáng tạo mới.
Ý tưởng đưa Shrek trở lại màn ảnh bị nhiều người phản đối vì cảm giác không hợp thời. Ảnh: DreamWorks. |
Trong khi đó, mạng xã hội và cộng đồng hâm mộ góp phần làm lớn mạnh cỗ máy nội dung tự duy trì vĩnh viễn. Cộng đồng fan Harry Potter là một ví dụ.
Câu hỏi đặt ra là, nếu việc làm mới và làm lại phổ biến đến thế, từ "kết thúc" còn gì là ý nghĩa nữa?
Chữ "Hết" còn có nghĩa lý gì?
Một câu chuyện có thể kết thúc nhưng những luồng suy ngẫm về nó thì không. Đây dường như là quy luật thưởng thức nghệ thuật. Trong bài luận "The Storyteller" (Người kể chuyện), nhà phê bình Walter Benjamin cho rằng "nhà văn dẫn dắt người đọc đến với nhận thức thiêng liêng về ý nghĩa của cuộc đời khi ông ta viết chữ Hết".
Nhiều nhân vật đã tan biến trong Avengers được hy vọng hồi sinh nên khán giả không quá đau lòng. Ảnh: Marvel. |
"Điều thu hút độc giả đọc cuốn tiểu thuyết chính là hy vọng sưởi ấm cuộc đời lạnh giá của anh ta bằng cái chết trong cuốn sách", Benjamin viết. Chúng ta cần những câu chuyện có kết thúc vì chỉ như vậy, chúng mới có ý nghĩa. Chúng ta cần những nhân vật chết đi để chúng ta hiểu được tâm can mình.
Với vũ trụ Marvel, một nửa sinh linh trong vũ trụ đã chết đi sau cái búng tay của Thanos trong Infinity War nhưng dường như khán giả không có gì phải quá đau khổ, vì họ đoán rằng những nhân vật quan trọng sẽ được hồi sinh trong phần sau, Avengers 4.
Trong phim ảnh thời nay, người chết cũng chẳng có vẻ gì là chết thật. Điều đó vừa xảy ra trong Fantastic Beasts, tiền truyện của Harry Potter, khi một nhân vật có cảnh chết khá hoành tráng ở phần 1, đến phần 2 vẫn sống và đi lại bình thường như chưa có gì xảy ra, với cách lý giải đơn giản mà ai cũng nghĩ ra được.
Không chỉ trên Internet, mọi thứ mới tồn tại mãi mãi.
"Trói chặt người hâm mộ"
Trên mạng xã hội Instagram có một công cụ thú vị là Stories, những nội dung được cho là chỉ tồn tại trong 24 tiếng. Nhưng với những chức năng quá phổ biến như ghi hình, chụp màn hình, yếu tố "24 tiếng" này trở thành vô nghĩa. Ai cũng có thể lưu giữ chúng mãi mãi. Thế mới có chuyện, mẩu thông điệp xin lỗi khán giả Việt Nam vì hủy show, đăng trên Stories của nữ ca sĩ Ariana Grande vào năm 2017, trở thành nội dung chế bất tận trên mạng xã hội Việt Nam.
Tương tự, sự bất tử này đang càn quét thị trường điện ảnh thế giới. Vào thập niên 1980, chỉ có 6 trên tổng số 20 phim ăn khách nhất nước Mỹ là hậu truyện. Còn vào thập niên 2010 (tính đến 2018), tỷ lệ đã là 17 trên 20 phim.
Trên truyền hình, có một xu hướng rầm rộ về việc khai thác lại những chất liệu cũ. New York Times gọi điều cách làm này là "không biết xấu hổ". Với văn chương, một câu chuyện phải có điểm dừng vì lý do đơn giản là... hết giấy. Nhưng ngày nay, những câu chuyện đã trở thành "dữ liệu", được lưu trữ trên kho dữ liệu khổng lồ Internet. Netflix có thể lựa chọn tái khởi động những phim nào có bản gốc được nhiều người xem trên hệ thống. Amazon đo giá trị của bản gốc dựa trên số lượng đăng ký Prime của người dùng.
Đạo diễn Steve McQueen (phim 12 Years a Slave) gần đây lên án truyền hình Mỹ sản xuất nội dung như nhai lại, cốt để lấp chỗ trống. Cũng như Facebook, một mạng xã hội làm mọi cách để người dùng phải gắn chặt cuộc sống vào đó, các loạt phim ngày nay cũng được làm ra để cộng đồng hâm mộ phải dính chặt không rời.
Người hâm mộ nghĩ mình đang được chiều chuộng bởi được thưởng thức những sản phẩm mới liên tục, nhưng đồng thời họ cũng bị trói chặt vào loạt phim đó và liên tục chi tiền cho chúng.
Tồn tại vì nhiều bên cùng có lợi
Cách làm "bất tử" này vẫn sống khỏe vì mang lại lợi ích cho nhiều bên. Với người làm phim, nó tạo ra công ăn việc làm. Nếu một loạt phim bị kết thúc quá sớm mà còn dở dang, người ta sẽ lên kế hoạch mở rộng sang hình thức khác. Chẳng hạn, loạt phim truyền hình Deadwood được sản xuất phiên bản điện ảnh chiếu trên truyền hình.
Còn với những phim có phần kết hơi gây thất vọng như Gilmore Girls (kết thúc năm 2007), người ta tái sinh nó bằng loạt phim truyền hình ngắn Gilmore Girls: A Year in the Life vào năm 2016.
Loạt phim Fantastic Beasts đáp ứng nhu cầu của nhiều bên: người hâm mộ, tác giả, nhà sản xuất. Ảnh: Warner Bros. |
Còn khán giả được gì? Một cộng đồng? Nếu như Mark Zuckerberg biến Facebook thành cỗ máy quảng cáo dán mác "kết nối toàn cầu", thì Hollywood tái tạo các tác phẩm cũ như một cách phục vụ các cộng đồng hâm mộ và khiến họ vui vẻ chi tiền.
Sự an toàn của những nhân vật quen thuộc và được yêu mến sẵn, cùng một cộng đồng hâm mộ được xây nên từ trước có thể lấn át chất lượng nội dung. Fantastic Beasts tiếp tục là ví dụ cho điều này khi chất lượng phim khiến giới phê bình bị chia rẽ nhưng vẫn trên đà hốt bạc nhờ cộng đồng hâm mộ hùng mạnh của Harry Potter.
Các tác giả cũng được lợi. Những loạt phim ăn theo đưa tác giả trở lại với công chúng. Cái tên J.K. Rowling, tác giả Harry Potter, vẫn thường xuyên được nhắc đến qua một vở kịch ăn theo, qua loạt phim tiền truyện. Bà vẫn hiện diện trong những cuộc bàn tán của người hâm mộ, tên tuổi chưa bao giờ cũ.
Ngay cả cái gọi là trình tự thời gian cũng bị biến tướng. Trên Twitter hay Facebook, các dòng thông tin hiện ra đầu tiên luôn là những thứ được quan tâm, tương tác nhiều nhất chứ không phải là mới nhất. Như vậy, thuật ngữ "dòng thời gian" cũng mất dần ý nghĩa. Những thứ được chú ý nhất sẽ luôn được tái hiện, tái sinh, không khác gì những nhân vật hay câu chuyện ăn khách trên màn ảnh.