20 tuổi, khi bạn bè đang đi học, còn mơ mộng tình yêu ngọt ngào… thậm chí, nhiều người vẫn đang làm nũng bố mẹ, thì Trang trở thành bà mẹ đơn thân. Con Trang năm nay đã gần 2 tuổi.
Sinh ra ở tỉnh lẻ, học xong THPT, như bao bạn bè cùng trang lứa, Trang lên thành phố với bao mơ ước, dự tính cho tương lai. Trang theo học cao đẳng Y Phú Thọ. Tại đây, cô gặp người đã khiến cuộc đời cô rơi vào bế tắc.
Mẹ con Trang. (Ảnh: NVCC). |
Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang
Cô thuê trọ gần trường để thuận tiện cho việc đi học. Xóm trọ nơi cô sống có nhiều sinh viên cùng trường, trong đó có Khương. Hai người ở cạnh nhau, gặp mặt thường xuyên, thỉnh thoảng trò chuyện qua lại. Khi Trang gặp rắc rối nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày, Khương nhiệt tình giúp đỡ. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, sau thời gian quen biết, Khương và Trang yêu nhau.
Thời điểm đó, trong mắt Trang, Khương là người yêu hoàn hảo, biết quan tâm, chiều chuộng. Đối với cô gái chưa từng trải qua yêu đương, trước người con trai lớn hơn ba tuổi, luôn tỏ ra trưởng thành, có trách nhiệm, Trang nhanh chóng chìm sâu vào bể tình. Sau vài tháng yêu nhau, Trang và Khương “vượt rào”.
Kinh nghiệm không có, các bài học giới tính sơ sài thời học sinh không giúp ích được nhiều. Sau vài lần thân mật, Trang có thai lúc vừa bắt đầu năm thứ hai. Lúc đó cô sợ sẽ là tâm điểm cho người khác chỉ trỏ, sợ bố mẹ biết chuyện, sợ người yêu bỏ rơi, sợ việc học ảnh hưởng… Những suy nghĩ bủa vây tâm trí cô, chỉ sau vài ngày người gầy sụp đi trông thấy. Lo sợ, cô định đi phá thai. “Mình biết điều đó không tốt, nhưng nếu sinh con ra, mình lấy gì đảm bảo cho con cuộc sống đầy đủ”, Trang tâm sự.
Cũng may, chưa kịp làm gì thì Khương biết chuyện. Thời điểm đó, Khương rất có trách nhiệm. Anh an ủi Trang rất nhiều, còn đề nghị đưa cô đi khám thai để xem đứa bé có khỏe mạnh không. “Anh ấy tốt lắm. Mình không phải động tay vào bất cứ việc gì, anh ấy làm hết. Mình đi học về, anh ấy nấu cơm chuẩn bị sẵn; quần áo bẩn anh ấy giặt; mình muốn ăn gì, trong điều kiện cho phép, anh ấy đều mua cho;… Khi đó, mình cảm thấy hạnh phúc vì gặp được người đàn ông tốt như vậy”, Trang kể.
Vì chơi thể thao nên Trang thường mặc quần áo rộng, thói quen đó giúp ích trong việc che giấu bụng bầu. Ngoài những người trong xóm trọ, bạn bè trên lớp không ai biết cô đang có thai. Bản thân Trang khá hoạt bát, không có các biểu hiện ốm nghén, chỉ hay buồn ngủ hơn bình thường nên bạn bè cũng không nghi ngờ. Khi đó, tuy có thai ngoài ý muốn, Trang vẫn thấy hạnh phúc: người yêu biết săn sóc, việc học ổn định, không người gièm pha…
Bị người yêu bỏ rơi
Nhưng thời gian hạnh phúc không kéo dài. Sau khi kết thúc học kì, cô về quê nghỉ Tết. Khỏi phải nói cũng biết tâm trạng của bố mẹ Trang thời điểm nhìn thấy con gái về nhà với bụng bầu sáu tháng. Trang kể, mẹ cô nằm trong phòng ngủ khóc, luôn miệng “sao con dại thế?”, “mày bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ”… còn bố cô bỏ đi uống rượu, khi về vừa khóc vừa đòi chết, cả nhà ngăn cản mãi mới thôi. “Bố mẹ mình hiền lắm, đau lòng cũng chỉ tự hành hạ bản thân, không nỡ đánh con. Mình cảm thấy có lỗi với bố mẹ rất nhiều”, Trang kể lại, mắt ngấn nước.
Trang nói, khi về quê, bạn trai vẫn hay gọi điện hỏi han tình hình sức khỏe, em bé và gia đình. Sự quan tâm đó khiến Trang đỡ tủi thân. Tuy nhiên, hai tháng sau, Khương cắt đứt liên lạc. Ban đầu, Trang nghĩ người yêu bận việc. Nhưng mãi sau đó Khương vẫn bặt vô âm tín, cô rất lo lắng, suy nghĩ nhiều khả năng có thể xảy ra: Khương gặp chuyện không hay, Khương bỏ rơi mình,…
Cuối cùng, cô chủ động liên lạc với người yêu. Khương nói, gia đình anh không đồng ý chuyện của hai người, thậm chí họ còn đuổi anh ra khỏi nhà, đồng thời thu hết giấy tờ tùy thân, tiền bạc, ngăn anh đi tìm cô. Tin tưởng người yêu, cô tìm đến sự trợ giúp từ người lớn. Nhưng khi bố cô gọi cho gia đình Khương, họ từ chối chịu trách nhiệm với lý do: Cái thai không phải của Khương.
Trang kể, cô nghe tin mà như sét đánh ngang tai, không biết ai nói thật, ai nói dối. Cô chấp nhận điều tiếng từ xã hội để giữ lại đứa bé, cuối cùng chỉ nhận được sự chối bỏ từ phía gia đình đáng lẽ sẽ là nhà chồng của cô.
Bẵng một thời gian, Khương liên lạc lại với Trang, anh nói sẽ đi nước ngoài kiếm tiền nuôi vợ và con. Hi vọng vừa được lóe lên lại vụt tắt ngay, Trang nghe tin anh có bạn gái mới ở bên Nhật. Khi đó, cô tròn 20 tuổi. “Mình khóc rất nhiều, giận anh lắm, cũng giận cả bản thân vì quá ngây thơ. Nhiều lúc mình cũng muốn khiến cho anh ta khổ sở, chịu điều tiếng như mình, nhưng nghĩ lại, điều đó không thể khiến cho cuộc sống trở về thời điểm trướcđây nữa”, Trang chia sẻ.
Lỡ dở cuộc đời
Để tránh sự nhòm ngó của người làng, mẹ Trang gửi cô vào dưỡng thai ở nhà thờ công giáo. Tại đó, cô gặp nhiều người đồng cảnh ngộ, có người còn ít tuổi hơn cô. Hằng ngày, cô tham gia các hoạt động của nhà thờ, nói chuyện với những cô bé khác, nhờ vậy, cô tĩnh tâm hơn nhiều.
Theo Trang, lúc sinh con là thời điểm cô cảm thấy khó khăn nhất. Cô tủi thân vô cùng, từ lúc đau đẻ đến lúc đứa bé ra đời, cô phải một mình vượt qua. Sự đau đớn về thể xác không thể khỏa lấp được nỗi đau trong lòng. Rồi khi đứa bé chào đời, cô và con trai nằm trơ trọi giữa căn phòng xa lạ, không bóng dáng người thân. Nước mắt cứ thế tuôn trào. Buổi sáng hôm sau, mẹ cô mới hay tin và vào thăm.
Hết thời gian ở cữ, cô cùng mẹ ôm con trai về nhà. “Con mình đứt ruột sinh ra đương nhiên mình sẽ nuôi với tất cả tình thương yêu”, Trang nói. Sau khi trở về, cô ở nhà chăm con, phụ việc ở quán ăn sáng của gia đình. Trước lúc về quê, Trang đã bảo lưu kết quả học tập, dự định sau khi cưới hỏi, sinh con xong sẽ tiếp tục. Nhưng, đến bây giờ, dự định đó vẫn chưa thực hiện được.
Gia đình cô không dư dả, chị cả đã lấy chồng, bố mẹ còn phải nuôi hai em đi học, giờ thêm cả cu Tí, chi tiêu rất chật vật. Nhiều lần, Trang bàn với bố mẹ cho cô đi làm kiếm tiền trên thành phố. Tuy nhiên, hai người không đồng ý. “Bố mẹ bảo ở nhà chăm con. Cu Tí còn bé, xa mẹ thì tội lắm. Cả nhà chịu khó tiết kiệm chi tiêu, khi nào cu Tí cứng cáp hơn, bố mẹ sẽ vay tiền cho mình đi nước ngoài”.
Trang kể, bình thường, trừ những trường hợp cần thiết, cô rất ít khi ra khỏi nhà. Việc cô sinh con mà không có chồng khiến các mối quan hệ ở quê chệch sang một đường khác. Hàng xóm xung quanh mỗi người một kiểu: người vẫn trò chuyện bình thường, thỉnh thoảng hỏi han; người thì coi thường cô ra mặt. Bạn bè cũng vậy, nhiều bạn tỏ thái độ kì thị, nhiều người khi Trang bắt chuyện họ ngó lơ, không thèm trả lời. Thậm chí, người ta còn xa lánh cả em gái của Trang. Dần dần, cô ngại tiếp xúc với người khác. “Bây giờ, hình ảnh của mình trong mọi người đã khắc sâu một vết nhơ khó có thể xóa tan”, Trang cay đắng kể.
Buồn hơn, mỗi khi có đám cưới, mẹ Trang lại xuýt xoa: “Xem con nhà người ta cưới hỏi đàng hoàng, còn con mình thì…”, khi đó, cô cũng chỉ biết thở dài. “Buồn thật, nhưng nếu ở trong hoàn cảnh của bố mẹ, mình cũng sẽ rất buồn và thất vọng”, Trang tâm sự.
Điều an ủi duy nhất đối với Trang bây giờ là con trai cô, cu Tí ngoan, không quấy, không biếng ăn và còn biết làm nũng với mẹ. Theo Trang, nhiều đêm con ốm phải thức trắng chăm sóc, con ăn ít một chút lại lo lắng… Nuôi trẻ con rồi cô mới thấm thía công cha mẹ nuôi mình khôn lớn. “Mình và con sẽ sống với nhau, với mình, một người đàn ông tồi tệ đã là quá đủ”