Sáng 16/7, bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Công ty Phan Thị) bất ngờ có mặt tại phiên xử phúc thẩm tranh chấp tác quyền 4 hình tượng nhân vật trong truyện Thần đồng đất Việt.
Lần đầu đến tòa, bà Hạnh và người đại diện của công ty là ông Nguyễn Vân Nam cùng cho rằng họa sĩ Lê Linh chỉ là người "vẽ thuê", ý tưởng về 4 nhân vật trong Thần đồng đất Việt do bà nghĩ ra.
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị. Ảnh: Trương Khởi. |
4 hình tượng nhân vật thuộc sở hữu của Phan Thị?
Bà Hạnh cho rằng 4 hình tượng nhân vật Thần đồng đất Việt thuộc quyền sở hữu của Phan Thị vì công ty đầu tư tiền của, tài sản để xây dựng ra các nhân vật này; chứng nhận đăng ký quyền tác giả cũng ghi chủ sở hữu thuộc Công ty Phan Thị.
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh khẳng định tiêu đề và ý tưởng câu chuyện do bà đặt, còn ông Linh được thuê để vẽ. Việc ghi dòng chữ "truyện và tranh Lê Linh" ở bìa sách, theo bà Hạnh là để giúp họa sĩ Lê Linh nổi tiếng.
Tại tòa, Giám đốc Công ty Phan Thị nhiều lần khẳng định chính bà đưa ra cấu trúc nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Ông Linh là người cùng bàn luận rồi thay bà vẽ nhân vật từ đồ họa vi tính được thực hiện trước đó.
Luật sư Nguyễn Vân Nam (trái) là người bảo vệ quyền lợi cho cả Công ty Phan Thị và bà Hạnh. Ảnh: Trương Khởi. |
Ông Nguyễn Vân Nam (người đại diện của Công ty Phan Thị) cũng cho rằng ông Lê Linh không hội tụ đủ điều kiện để sáng tạo ra 4 nhân vật vì sự sáng tạo này nằm trong trong sự kiểm soát, giám sát của bà Hạnh.
"Nét vẽ ông Linh dày, cứng nhắc nên không thể nào vẽ được 4 nhân vật đang có tranh chấp. 4 nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo như biết nói, tinh nghịch, cách điệu, nét mảnh. Nét vẽ này chắc chắn không phải là của Lê Linh", ông Nam nhận định trước tòa.
Đại diện của Công ty Phan Thị cho rằng với yêu cầu công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất thì họa sĩ cần phải chứng minh mình là tác giả duy nhất và bà Hạnh không phải là tác giả.
Cơ sở duy nhất ông Linh dùng để chứng minh chỉ là lời tuyên bố của chính ông vì tên Lê Linh được ghi tên bìa sách Thần đồng đất Việt. Nhưng theo ông Nam, luật không quy định việc tác giả là người ghi tên trên tác phẩm.
"Bà Hạnh không có ý tưởng gì về nhân vật"
Đối đáp lại quan điểm của phía bị đơn, họa sĩ Lê Linh nói lúc đầu bà Phan Thị Mỹ Hạnh nghĩ ra một nhân vật có tên "U Bia" nhưng ông không đồng ý. Họa sĩ đề nghị được xây dựng mọi thứ về hình ảnh. Sau đó, ông Linh dùng bản phác thảo đã vẽ năm 2001 để thể hiện được hình tượng nhân vật.
Khẳng định bà Hạnh hoàn toàn không có ý tưởng gì về nhân vật, ông Linh nói đó chính là lý do tại tập truyện 24 Thần đồng đất Việt có ghi rõ quá trình sáng tạo ra một tập truyện. Theo họa sĩ, tên nhân vật là do ông nghĩ ra và đặt để sau này nối tiếp 12 con giáp, không có chuyện đó là ý tưởng của bà Hạnh.
"Tôi muốn tạo ra bộ truyện tranh thuần Việt không ảnh hưởng manga, bạn đọc dễ dàng nhận ra Thần đồng đất Việt không ảnh hưởng bất kỳ ai", ông Linh nói.
Họa sĩ Lê Linh. Ảnh: Trương Khởi. |
Họa sĩ Lê Linh khẳng định bà Hạnh chỉ cung cấp tư liệu cho ông sáng tạo. "Tôi viết trực tiếp lên bản thảo, tự nghĩ ra tất cả về tranh và lời thoại chứ hoàn toàn không phải ghi tên là hình thức lăng xê như bà Hạnh nói", ông Linh nói.
Luật sư Trương Thị Thu Hồng (người bảo vệ quyền lợi cho Lê Linh) thì phân tích quyền tác giả phát sinh từ khi tác giả sáng tạo ra tác phẩm, người góp ý kiến không được công nhận là tác giả. Ý tưởng không được bảo hộ nếu không thể hiện ra hình dạng vật chất nhất định.
"Giả sử ông Linh vẽ theo ý bà Hạnh thì chính ông Linh cũng là tác giả của 4 hình tượng nhân vật này. Người không biết gì về nét vẽ mà mô tả lại cho người khác vẽ thì phản khoa học", luật sư Hồng nói.
Phiên tòa sẽ tiếp tục vào chiều 29/7.