Có một số điểm chung giữa những cha mẹ nuôi dạy nên những đứa trẻ kiên cường, tự tin và thích nghi tốt. Ảnh: Freepik. |
Con đường nuôi dạy trẻ thành công có vẻ mơ hồ. Nhiều lời khuyên được đưa ra, một số dựa trên cơ sở khoa học, một số thì không. Cuối cùng, nó có thể trở thành sự áp đặt hơn là hướng dẫn.
Tuy nhiên, có một số điểm chung giữa những cha mẹ nuôi dạy nên những đứa trẻ kiên cường, tự tin và thích nghi tốt. CNBC đã trao đổi với các chuyên gia về nuôi dạy con và chỉ ra những điểm chung đó.
Họ dạy con sự đồng cảm
Bà Michele Borba - nhà tâm lý học giáo dục, chuyên gia nuôi dạy con cái - cho rằng một trong những đặc điểm giúp tách biệt những đứa trẻ thành công khỏi đám đông là cha mẹ chúng thường xuyên thể hiện sự đồng cảm với chúng.
Bà Borba gợi ý một số cách như:
- Giúp con xây dựng vốn từ vựng về cảm xúc bằng cách đặt tên cho cảm xúc như “bạn đang hạnh phúc”, “bạn có vẻ thấy phiền”...
- Hỏi con về cảm xúc của chúng. Điều này giúp trẻ nhận ra cảm giác của mình và thể hiện bản thân mà không xấu hổ. Cha mẹ hãy thử nói “Điều đó khiến con cảm thấy thế nào?” hoặc “Con có vẻ sợ hãi, mẹ nói đúng chứ?”.
- Chia sẻ cảm xúc của bạn với trẻ để chúng cảm thấy an toàn khi chia sẻ cảm xúc của bản thân.
- Yêu cầu con chú ý đến cảm xúc của những người xung quanh. Nếu đang ở công viên, phụ huynh có thể chỉ vào một người và hỏi “Con nghĩ người đó đang cảm thấy thế nào?”
Chia sẻ cảm xúc của cha mẹ với con cái để trẻ cảm thấy an toàn khi chia sẻ cảm xúc của chúng. Ảnh: Dailymom. |
Họ quan tâm đến sở thích của con
Bà Margot Machol Bisnow là một nhà văn, một bà mẹ và người tư vấn về nuôi dạy con cái. Bà cũng là tác giả của cuốn sách Raising an Entrepreneur: How to Help Your Children Achieve Their Dreams (Tạm dịch: Nuôi dạy doanh nhân: Cách giúp con bạn đạt được ước mơ).
Bà đã phỏng vấn 70 bậc phụ huynh có con thành đạt để tìm hiểu xem có bất kỳ phương pháp nuôi dạy con phổ biến nào không. Cuối cùng, bà nhận ra những đứa trẻ thành công đều có cha mẹ thể hiện sự quan tâm thực sự đến sở thích của con cái.
“Mọi đứa trẻ đều có niềm đam mê bên ngoài lớp học như thể thao, trò chơi điện tử, tranh luận, âm nhạc, ngắm chim… 70 bậc phụ huynh mà tôi trò chuyện không bao giờ ngăn cản con cái của họ hay ép chúng từ bỏ sở thích. Họ biết rằng điều đó giúp con cái hoạt động trí óc”, bà Bisnow nói.
Giáo sư, tiến sĩ Dana Suskind - chuyên gia về Nhi khoa tại Trung tâm Y tế, ĐH Chicago - cho biết ngay cả khi đó không phải là sở thích, việc thể hiện sự quan tâm đến những gì con cái đang làm hoặc nhìn thấy hàng ngày có thể có tác động to lớn.
Nó giúp xây dựng các kỹ năng nhận thức như đọc và ghi nhớ, các kỹ năng phi nhận thức như khả năng phục hồi và tính bền bỉ.
TS Suskind gợi ý chiến lược 3T, bao gồm 3 bước:
- Tune in (điều chỉnh): Cố gắng chú ý đến những gì con cái đang tập trung vào. Giả sử, bạn đang cùng con dùng bữa ăn nhẹ, bạn thấy trẻ đang nhìn ra ngoài cửa sổ. Hãy dõi theo hướng nhìn của trẻ và điều chỉnh những gì chúng đang tập trung vào. Sau đó, hãy hỏi chúng một câu khiến chúng nói về điều đó.
- Talk more (trò chuyện nhiều hơn): Cha mẹ nên trò chuyện về những gì trẻ thấy hấp dẫn. Trò chuyện nhiều chủ đề giúp trẻ xây dựng được nhiều kết nối não bộ, vốn từ vựng của chúng càng trở nên phong phú.
- Take turns (thay phiên nhau): Đảm bảo rằng cả cha và mẹ đều tham gia vào cuộc trò chuyện với con cái. Bên cạnh đó, các cuộc trò chuyện nên mở ra nhiều câu hỏi, khuyến khích trẻ mô tả thế giới xung quanh hoặc gợi cảm giác của chúng.
Họ lạc quan
Bà Roni Cohen-Sandler - nhà tâm lý học, chuyên gia về mối quan hệ giữa mẹ và con gái, sự phát triển của thanh thiếu niên - cho biết để nuôi dạy những đứa trẻ kiên cường, thông minh về mặt xã hội, cha mẹ cần dạy chúng cách nhìn tích cực. Điều này có thể khó khăn vì trẻ em có xu hướng tập trung vào những trải nghiệm hoặc cảm xúc tiêu cực.
“Trong khi đồng cảm với nỗi buồn của con, việc cha mẹ tập trung lại sự chú ý của trẻ vào những chiến thắng và niềm vui gần nhất sẽ giúp chúng có cái nhìn tích cực hơn”, nhà tâm lý học nói.
Bà Michele Borba đồng ý sự lạc quan là yếu tố then chốt dẫn đến thành công. Theo đó, những đứa trẻ lạc quan coi những thách thức và trở ngại là tạm thời, có thể vượt qua, vì vậy chúng có nhiều khả năng thành công hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần chú ý hơn đến hành vi của chính mình, liệu đang mô tả với con các tình huống theo cách tiêu cực hay tích cực. Nếu cha mẹ đang có suy nghĩ tiêu cực, đầu tiên, hãy thay đổi bản thân.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.