Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ba điều bất thường trong một bản công chứng di chúc

Sổ đỏ của căn nhà ở quận 1 đang được bà Tuyết lưu giữ tại Pháp nhưng phòng công chứng vẫn chứng nhận nó đang thế chấp ngân hàng. Sau 3 năm Tòa sơ thẩm vẫn chưa giải quyết vụ việc.

Bà Trần Thị Tuyết (Việt kiều Pháp) về nước chịu tang cha là ông Trần Văn Đạt (94 tuổi, ngụ tại 163 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM) vào tháng 3/2012. 

Sau ba ngày an táng, bất ngờ em trai bà Tuyết là Trần Văn Trương đưa ra bản di chúc số 88, do công chứng viên (CCV) Trần Anh Tuấn, xác nhận ngày 5/7/2007, nội dung: ông Đạt khẳng định tinh thần minh mẫn, sáng suốt, yêu cầu CCV ghi nhận: “Tôi là chủ sở hữu căn nhà 163 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số H00066 do UBND quận 1 cấp ngày 19/1/2006.

Căn nhà hiện đang thế chấp Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Nay tôi lập di chúc với ý nguyện nếu căn nhà trên vẫn thuộc sở hữu của tôi thì sau khi tôi qua đời sẽ thuộc quyền thừa kế của con trai tôi, với điều kiện ông Trương phải trả cho con gái tôi là Trần Thị Tuyết 350 triệu đồng số tiền mà tôi còn nợ”. 

Việc công chứng thực hiện tại căn nhà trên và chứng nhận ông Đạt đầy đủ năng lực hành vi dân sự phù hợp với quy định pháp luật, có nhân chứng là bà Nguyễn Thị Hường, tự nguyện lập di chúc như đã nêu. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có ba điều bất thường trong việc công chứng một bản di chúc. 

Thứ nhất, đó là cách CCV áp dụng Luật Công chứng để xác nhận. Trong di chúc, ông Đạt tự khai sổ đỏ đang thế chấp ở Ngân hàng ACB, công chứng không yêu cầu cung cấp bản sao có chứng thực hoặc bản gốc để đối chiếu, có nghĩa áp dụng trường hợp đặc biệt là ông Đạt đang bị đe dọa tính mạng, phải ghi nhận vào bản di chúc (Khoản 1 Điều 48). Thế nhưng bản di chúc không thể hiện điều này nên xét về hình thức đã vô hiệu.

Trong khi đó, CCV ghi nhận tình trạng ông Đạt sáng suốt, minh mẫn, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì phải yêu cầu cung cấp bản sao có chứng thực, bản gốc để đối chiếu với tài sản nhà nước bắt buộc phải đăng ký giao dịch (Khoản 1 Điều 35). Cụ thể, CCV phải mời phía Ngân hàng ACB đến để xác thực việc thế chấp tài sản. Thế nhưng CCV đã không làm.

Thứ hai, sổ đỏ ở bên Pháp sao lại thế chấp được ở Ngân hàng ACB? Vậy ông Đạt có thực sự thế chấp sổ đỏ ở Ngân hàng ACB để vay tiền? Theo trình bày của bà Tuyết, năm 2006 cha bà không có tiền hóa giá nhà 163 Lê Thánh Tôn, quận 1 theo Nghị định 61/CP, nên bà mượn tiền của Công đoàn Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM 350 triệu đồng để thực hiện việc này.

Sau khi có sổ đỏ, bà Tuyết đã trả số tiền trên và Công đoàn bàn giao hồ sơ, sổ đỏ căn nhà cho bà mang về Pháp cất giữ, thì ông Đạt lấy đâu ra sổ đỏ để thế chấp ngân hàng? Chưa kể, ông Đạt gần 90 tuổi mà thế chấp sổ đỏ vay tiền là điều không bình thường. Nếu CCV nghi ngờ những điều trên, từ chối công chứng để tiến hành xác minh, giám định (Khoản 2 Điều 48) thì chắc chắn bản di chúc khó ra đời.

Thứ ba, vụ việc có dấu hiệu bất thường nhưng tại kết luận giải quyết đơn tố cáo số 236 ngày 26/3/2014, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Trưởng phòng Công chứng số 3 - khẳng định việc CCV chứng nhận bản di chúc trên là có cơ sở pháp lý và hoàn toàn hợp pháp theo quy định, với lại hiện nay ông Trần Anh Tuấn đã nghỉ việc tại đây (!).

Thế nhưng ngày 7/4/2015, chúng tôi có buổi làm việc với ông Phan Thanh Tùng - Chánh thanh tra Sở Tư pháp - về việc công chứng bản di chúc trên có đúng quy định pháp luật không, thì nhân viên thụ lý giải quyết việc này cho biết đã xem xét bản di chúc rồi, việc CCV không yêu cầu cung cấp đầy đủ giấy tờ chỉ áp dụng trong trường hợp người lập di chúc bị đe dọa tính mạng nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng. Trong di chúc trên, CCV không ghi rõ điều này là chưa đúng quy định.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng vụ việc đang được tòa án thụ lý nên Sở Tư pháp không tham gia, chờ kết quả từ tòa án thế nào sẽ thực hiện như vậy. Sau đó, Bà Tuyết nộp đơn yêu cầu TAND TP HCM tuyên bố bản công chứng trên vô hiệu.

Ngày 20/5/2013, thẩm phán Phan Tô Ngọc đã ra Quyết định (QĐ) 547/QĐDS-VDS đình chỉ giải quyết việc bà Tuyết yêu cầu. Bà Tuyết tiếp tục kháng cáo vụ việc lên TAND tối cao. Ngày 27/11/2013, thẩm phán Trương Vĩnh Thủy - TAND tối cao ra QĐ 364/2013/QĐPT-DS chấp nhận kháng cáo của bà Tuyết đồng thời hủy QĐ đình chỉ số 547 chuyển hồ sơ vụ việc về tòa án cấp sơ thẩm tiếp tục giải quyết. Tuy nhiên, theo bà Tuyết cho đến nay tòa cấp sơ thẩm vẫn chưa xem xét.   

Không nên cho dâu, rể quyền thừa kế

Phụng dưỡng cha mẹ chồng hơn 30 năm nhưng đến khi họ mất cô con dâu trắng tay vì không thuộc hàng thừa kế. Chính quyền biết lòng hiếu thảo của bà này nhưng không giúp được gì.


http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=1101&id=536494

Theo Lê Ngân/Công an TP HCM

Bạn có thể quan tâm