Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người huyện Vĩnh Hồ (Hà Nội ngày nay). Năm sinh và mất của bà vẫn là điều bí ẩn. Có ý kiến cho rằng bà sinh năm 1805 và mất năm 1843. Vì có chồng làm quan tri huyện Thanh Quan, nên bà vẫn thường được gọi là Bà Huyện Thanh Quan.
Nữ thi sĩ nổi danh
Vốn xuất thân trong gia đình khoa bảng, cha đỗ đại khoa năm 1783 dưới thời vua Lê Hiển Tông, nên dù sống dưới chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ, bà vẫn được học hành tử tế ngay khi còn nhỏ.
Bà vốn là học trò của Phạm Phú Thích, người huyện Thọ Xương (Hà Nội), cũng là người rất tài năng. Ông đỗ tiến sĩ khi mới chỉ 19 tuổi, làm quan triều Nguyễn trải qua nhiều chức vụ khác nhau.
Nhờ học sâu hiểu rộng nên dưới thời vua Minh Mạng, bà từng được mời vào cung giữ chức Cung Trung Giáo Tập, dạy học cho công chúa và cung phi. Sau này, vì không may chồng mất sớm, bà đã lấy cớ xin về quê sống cho đến hết đời.
Bìa sách về Bà Huyện Thanh Quan của NXB Kim Đồng. |
Bà Huyện Thanh Quan nổi tiếng là nữ thi sĩ tài năng, đến nay, vẫn còn rất nhiều tác phẩm của bà được lưu lại như: Qua Đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhà, Thăng Long thành hoài cổ, Qua chùa Trấn Bắc, Nhớ nhà, Tức cảnh chiều thu…
Theo GS Dương Quảng Hàm, “những bài thơ Nôm của bà phần nhiều là tả cảnh, tả tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường nghĩ ngợi đến nhà, đến nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện”.
GS Thanh Lãng nhận xét: “Thơ Bà Huyện Thanh Quan đầy chất thơ. Lời thơ của bà điêu luyện, gọt giũa, đẹp như một bức tranh cổ”.
Thay chồng thăng đường xử án
Đến nay, dân gian lẫn sách vở vẫn còn lưu lại khá nhiều giai thoại khác nhau về Bà Huyện Thanh Quan, trong đó có những câu chuyện về chuyện bà thăng đường thay chồng xử án.
Tương truyền bấy giờ sâm cầm (loại chim thuộc họ gà nước) là loại quý. Từ thời vua Lê, chúa Trịnh, chúng đã được sử dụng trong những bữa tiệc của bậc đế vương và những nhà quý tộc ở kinh thành.
Đến đời các vua nhà Nguyễn, lệ vua quy định, hàng năm, mỗi giáp phải nộp năm chim sâm cầm từ bảy lạng đến một cân, béo đẹp, đến cuối tháng một phải nộp cho đủ số. Nhà nào không nộp bị phạt vào tội trốn lệ vua, thiếu một con chim phải phạt vạ bạc 10 nén, gà sống thiến một đôi, dây dưa thì phải đánh 100 roi trên phủ.
Dân làng Nghi Tàm năm nào cũng khốn khổ bởi lệ ấy. Trong khi quan lại địa phương cũng lợi dụng lệ tiến cống này mà bắt dân làng phải nộp thêm chim cho mình. Lý trưởng làng Nghi Tàm cũng đã bị quan trên đánh trăm roi vì lệ này.
Vốn là người nghĩa khí, thương dân, ông nhân chuyện này đã vào kinh, nhờ Bà Huyện Thanh Quan dâng đơn lên Vua Tự Đức, thưa việc xách nhiễu của quan trên và xin bỏ cho lệ tiến cống.
Cuối cùng, nhờ bà, vua đã ban chiếu chỉ bỏ lệ cống hàng năm cho dân làng. Cả làng Nghi Tàm sau đó đã ăn mừng, họp nhau cùng ghi tên Bà Huyện Thanh Quan vào Ngọc Phả chứng nhận công đức của những người có công với dân làng.
Theo sách Mười phụ nữ huyền thoại Việt Nam, một lần, cô Nguyễn Thị Đào đến công đường kiện cáo vì chồng có vợ bé, nên bỏ bê nhà cửa, phụ bạc vợ. Cô làm đơn xin bỏ chồng để đi lấy người khác.
Chồng đi vắng, Bà Huyện Thanh Quan đã phóng khoáng phê vào đơn: Phó cho con Nguyễn Thị Đào / Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai / Chữ rằng "Xuân bất tái lai"/ Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già.
Sau đó, người chồng của cô này kiện lên quan trên, nghe nói vì việc này mà ông Huyện Thanh Quan bị giáng chức .
Trong một lần khác, có ông đỗ hương cống tới xin mổ trâu để giỗ cha. Nhưng lúc bấy giờ, triều đình đã ban lệnh hạn chế mổ trâu, để phát triển việc canh nông. Tuy nhiên, cảm động trước hiếu hạnh của ông này, nhân lúc chồng đi vắng, Bà Huyện Thanh Quan đã cầm bút phê vào đơn câu thơ: Người ta thì chẳng được đâu / "Ừ" thì ông Cống làm trâu thì làm.
Biết bà huyện dùng chữ nghĩa để lỡm mình, nhưng vì được việc nên ông cũng vui vẻ ra về.