Lịch sử khoa bảng nước ta chính thức được bắt đầu vào năm 1075, khi nhà Lý cho tổ chức kỳ thi Minh kinh bác học và Nho học tam trường để tuyển chọn người tài phục vụ đất nước.
Tính từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức được tất cả 183 kỳ thi, có 2.898 người đã được lấy đỗ tiến sĩ.
Kỳ thi Nho học đầu tiên của người Việt
Theo sách Những người thầy trong sử Việt, bấy giờ, Thái tử Lý Càn Đức lên 10 tuổi, tinh anh hơn người, những đại thần được giao kèm cặp thái tử học đều bị dồn vào thế bí vì giới hạn kiến thức. Để giúp vị vua tương lai rèn giũa đạo trị nước, theo đề xuất của Thái sư Lý Đạo Thành, Linh Nhân Hoàng thái hậu (Nguyên phi Ỷ Lan) đã cho tổ chức kỳ thi Nho học đầu tiên trong sử Việt.
Dù là kỳ thi đầu tiên, triều đình đã tổ chức chu đáo, cẩn trọng. Có hơn 10 người được lấy đỗ, trong đó, đỗ đầu là Lê Văn Thịnh, quê ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Lê Văn Thịnh về sau được gọi là "trạng nguyên khai khoa", dù rằng kỳ thi năm 1075, triều đình chỉ lấy người đỗ đầu, chưa định thứ bậc (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa…).
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi khởi nguồn của nền giáo dục nước ta. Ảnh: Lao động. |
Ngay sau kỳ thi, triều Lý tiếp tục cho xây dựng Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu để vua Lý Nhân Tông ra học tập. Với sự kiện này, vua Lý Nhân Tông trở thành "học viên" đầu tiên của trường Quốc Tử Giám, còn Lê Văn Thịnh là thầy giáo đầu tiên được dạy vua.
Trong buổi đầu của nền khoa bảng nước nhà, cả Tam giáo (Nho, Phật, Lão) đều được coi trọng. Bởi vậy, về sau văn hóa, học thuật thời Lý - Trần phát triển rực rỡ.
Khoa thi khai sinh ra trạng nguyên
Phép khoa cử nước ta có từ năm 1075, nhưng dưới thời Lý và đầu thời Trần, triều đình chỉ lấy người đỗ đầu và chưa phân định các danh hiệu như trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Danh hiệu này chỉ bắt đầu xuất hiện vào kỳ thi 1247 - khoa thi đã khai sinh ra các vị trạng nguyên nước Việt.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đến năm Đinh Mùi (1247) mới có chế Tam khôi "Mùa xuân, tháng hai, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ thám hoa".
Cũng theo sách này, trước đây, hai khoa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239) chỉ chia người đỗ đạt thành các hạng Giáp, Ất, chưa có Tam khôi, đến khoa này mới đặt Tam khôi (tức trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa).
Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục cũng chép rằng "tháng hai, mùa xuân (1247), thi Thái học sinh. Trước đây, thi lấy học trò đỗ đạt, chỉ chia ra hai hạng Giáp, hạng Ất để phân biệt người đỗ cao, thấp. Nay mới đặt ra Tam khôi".
Như vậy, kỳ thi Tam khôi đầu tiên ở nước ta được tổ chức năm 1247. Trạng nguyên của kỳ thi này là Nguyễn Hiền. Tuy nhiên, lịch sử khoa bảng lại tính Nguyễn Quán Quang là vị trạng nguyên đầu tiên bởi vì Nguyễn Quán Quang đỗ đầu khoa thi "tiến sĩ" trước đó chỉ một năm (năm 1246).
Đường khoa cử từ nay dứt hẳn
Mùa hạ năm Kỷ Mùi (1919) đã đi vào lịch sử Việt Nam một sự kiện đáng nhớ: Kỳ thi hội và thi Đình được tổ chức lần cuối cùng theo lời chỉ dụ của vua Khải Định "kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử từ nay dứt hẳn".
Theo sách Khải Định chính yếu, tháng giêng năm 1919, sau khi bộ Lễ đọc đệ trình lên vua về thể thức kỳ thi Hội với những thay đổi, vua liền phê "lần này là kỳ thi Hội cuối cùng cho triều đình nên Trẫm muốn gia ân cho sinh viên, sĩ tử, khoa mục trong nước, hễ ai thông thạo hai thứ chữ Nho và chữ Pháp thì trình diện bộ Học để xin vào ừng thí".
Trường thi Nam Định năm 1912. Ảnh: Pháp luật. |
Lệ định khoa thi Hội cũng có nhiều thay đổi. Tại vòng thi thứ nhất, ngoài các bài thi về văn sách, kinh nghĩa, truyện và thời sự, thí sinh còn phải làm một bài về sử Việt Nam và một bài về sử phương Tây. Vòng thứ hai, ngoài toán còn phải làm một bài luận ngữ bằng chữ quốc ngữ. Vòng thứ ba, dịch một bài chữ quốc ngữ sang tiếng Pháp và một bài Pháp ngữ sang tiếng Hán, cùng một bài luận bằng Pháp ngữ bắt buộc.
Tháng tư năm 1919, kỳ thi Hội diễn ra tại kinh thành Huế. Sau thi Hội đến kỳ thi Đình, đề thi do đích thân vua ra, hỏi về thời cuộc, thí sinh trình bày quan điểm cá nhân về "văn minh".
Khoa thi Đình năm ấy không căn cứ vào điểm của các kỳ thi Hội để xếp hạng tiến sĩ mà chỉ dựa vào văn lí để định thứ bậc tân khoa, nhà vua đã ban đồ cho 7 tiến sĩ và 16 phó bảng.