Sinh thời, ngoài việc trị nước yên dân, cả 3 vị vua đều đã để lại nhiều giai thoại về đức tính hiếu học, không ít áng thơ văn, tác phẩm văn học có giá trị cho hậu thế.
Trần Nhân Tông - vua bén duyên đạo Phật
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Trần Nhân Tông (1258-1308) tên húy Trần Khâm, là vua thứ ba của nhà Trần, lên ngôi khi chưa đầy 20 tuổi.
Trị vì đất nước từ năm 1278-1293, Trần Nhân Tông được lịch sử ghi nhận là một trong những vị vua vĩ đại nhất. Đại Việt dưới thời ông là quốc gia thịnh trị, với nhiều chiến công hiển hách, hai lần đánh bại quân Nguyên xâm lược vào các năm 1287, 1287-1288.
Sinh thời vua Trần Nhân Tông là người rất thông minh và hiếu học. Ông đọc nhiều sách, thông suốt kinh điển, là vị vua có duyên với đạo Phật. Những khi nhàn rỗi, vua thường nghiên cứu thêm về phật pháp.
Sau khi nhường ngôi cho Trần Anh Tông, ông xuất gia, lập ra phái thiền của phật giáo Việt Nam. Về sau, khi qua đời, vua Trần Anh Tông được suy tôn là phật hoàng.
Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ảnh: Tư liệu. |
Vua Trần Nhân Tông để lại nhiều tác phẩm có giá trị to lớn, thấm nhuần tư tưởng phật giáo như Tăng già toái sự (Chuyện vụn vặt của sư tăng), Thạch thất mỵ ngữ (Lời nói mê trong nhà đá), Đại hương hải ấn thi tập (Tập thơ ấn chứng của biển lớn nước thơm), Trần Nhân Tông thi tập (Tập thơ Trần Nhân Tông).
Tiếc rằng, phần lớn tác phẩm của Trần Nhân Tông đều đã thất lạc, chỉ còn lại một số bài thơ còn sót lại.
Theo đánh giá của các nhà phê bình văn học, thơ Trần Nhân Tông là sự "kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách cỡ lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do thích thảng của một nhà nghệ sĩ".
Lê Thánh Tông - vị vua hiếu học
Lê Thánh Tông (1442-1497) tên húy Lê Tư Thành, là vị vua thứ năm của nhà Hậu Lê. Ông là con trai thứ tư của vua Lê Thái Tông.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vua có "thiên tư đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước".
Từ nhỏ, Lê Thánh Tông đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người, rất chịu khó đọc sách. Đức tính ham học đã theo ông đi suốt cả cuộc đời. Ngay cả khi lên ngôi, phải lo toan quốc gia đại sự, ông vẫn "Trống dời canh còn đọc sách / Chiều xế bóng chửa thôi chầu".
Vừa là nhà thơ, phê bình văn học, Lê Thánh Tông lập hội Tao Đàn do đích thân ông làm chủ soái, tập hợp các danh sĩ nổi tiếng đương thời. Tập thơ Hồng Đức quốc âm thi tập gồm 300 bài thơ do vua sáng tác là tác phẩm có giá trị rất lớn đối với lịch sử Việt Nam thời bấy giờ và các giai đoạn về sau.
Vua Lê Thánh Tông cũng là người nổi tiếng coi trọng sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Ông cho mở Nhà thái học để lấy chỗ học tập, lập Bí thư các để chứa sách, lập bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đều đặn tổ chức các kỳ thi tuyển chọn người tài.
Trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam, thời trị vì của Lê Thánh Tông chính là giai đoạn giáo dục, khoa cử được coi trọng bậc nhất. Vai trò của trí thức rất được đề cao. Hơn 5 thế kỷ đã trôi qua, những di sản tri thức trong 37 năm trị vì của vua Lê Thánh Tông vẫn còn ý nghĩa to lớn cho tới nay.
Tự Đức - ông vua hay chữ
Tự Đức (1829-1883) là vị vua thứ tư của triều Nguyễn, tên húy Nguyễn Phúc Hồng Nhậm. Tự Đức chính là ông vua hay chữ nhất trong số 13 đời vua triều Nguyễn.
Nói về đức tính ham học của vua Tự Đức, chính sử nhà Nguyễn cho biết đêm nào, vua cũng xem sách đến khuya.
Theo sách Chín đời chúa mười ba đời vua triều Nguyễn, ngoài các khoa thi được lập từ thời Gia Long, Tự Đức còn đặt thêm khoa Nhã sĩ và khoa Cát sĩ để chọn người giỏi văn ra làm quan.
Chân dung vua Tự Đức. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. |
Là ông vua hay chữ, Tự Đức thường xuyên tổ chức những cuộc bình thơ ngay tại Tử Cấm Thành, những nhân tài thơ phú thời kỳ này như Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu… thường xuyên có cơ hội đàm đạo với nhà vua về thơ phú. Trong cuộc đời của mình, vua đã để lại khoảng 600 bài văn, 4.000 bài thơ chữ Hán và khoảng 100 bài thơ chữ Nôm.
Theo sách Lễ tết ăn chơi trong cung Nguyễn, để thỏa mãn đam mê thơ phú, vào đêm 30 Tết hàng năm, vua Tự Đức chọn 4 vị quan hay chữ trong triều để chơi trò "họa ngự thi".
Sau lễ giao thừa, triều đình sẽ cho người mang một bài ngự thi (thơ của vua) đến nhà 4 vị đại thần để vẽ lại bằng giấy hoa tiên. Vua đợi trong cung để nhận 4 bài thi này, tự mình kiểm duyệt lại. Sau đó, ngày đầu năm mới, ông cho cận thần công bố trước văn võ bá quan. Vua sẽ làm giám khảo, chấm xem bài phụng hoa nào hay nhất và ban thưởng.
Ngoài thơ phú, Tự Đức cũng rất yêu sử học, đã chỉ đạo Quốc sử quán soạn bộ sử lớn Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, từ đời thượng cổ cho tới hết thời nhà Hậu Lê. Bộ sách có giá trị rất lớn đối với hậu thế sau này.
Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn, sinh thời, Tự Đức rất tự hào vào tài năng thơ phú của bản thân. Tầng lớp quan văn, giỏi chữ nghĩa rất được tin dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, việc "trọng văn khinh võ" cũng là hạn chế của vua Tự Đức, nhất là trong bối cảnh đất nước đang bị thực dân Pháp xâm lược.