Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Ba loại stress thường gặp và cách kiểm soát chúng

Nhận biết từng loại stress khác nhau sẽ giúp bạn dễ dàng tìm ra cách kiểm soát và giải quyết tình hình hiệu quả nhất.

Nhận biết từng loại stress khác nhau sẽ giúp bạn dễ dàng tìm ra cách kiểm soát và giải quyết tình hình hiệu quả nhất.

Việc cơ thể phản ứng lại với những áp lực hoặc sự thay đổi trong cuộc sống là một trong những nguyên nhân gây ra căng thẳng (stress). Theo ý kiến của các chuyên gia, không phải căng thẳng nào cũng là điều tiêu cực mà tùy vào tình huống sẽ quyết định điều này.

Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) cho biết, có ba loại căng thẳng thường gặp, bao gồm:

  • Căng thẳng cấp tính (Acute stress)
  • Căng thẳng cấp tính kéo dài (Episodic acute stress)
  • Căng thẳng mạn tính (Chronic stress)

Có nhiều cách để giải tỏa căng thẳng khác nhau. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, bạn cần xác định được loại căng thẳng mình đang gặp phải và hướng giải quyết phù hợp với tính cách, tình huống của bản thân.

Dưới đây là cách giải quyết cho ba loại căng thẳng khác nhau, theo Verywell Mind.


Căng thẳng cấp tính (Acute stress)

Nhà trị liệu tâm lý Alena Gerst cho rằng, căng thẳng cấp tính có thể hiểu là tình trạng căng thẳng nhất thời. Cảm giác này sẽ khiến bạn bị mất cân bằng trong một thời gian ngắn.

Nó thường xuất hiện trong những khoảnh khắc bất ngờ như đột ngột bị cấp trên hỏi về công việc hay khi phát biểu trước đám đông.

Một số dấu hiệu của tình trạng căng thẳng cấp tính là nhịp tim tăng, thở gấp, hồi hộp, cơ thể căng cứng hoặc run lên,... Các triệu chứng này xuất hiện nhanh và thường không kéo dài lâu.

Cách kiểm soát

Để giải quyết tình trạng này, bạn cần điều chỉnh lại nhận thức. Bạn có thể thực hiện một số gợi ý như sau để đưa cơ thể về trạng thái bình thường như: thả lỏng người, hít thở sâu, thiền và đi dạo.

Căng thẳng cấp tính chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chính vì vậy việc đối phó với nó cũng khá đơn giản. Nếu không có điều kiện thực hiện những điều trên, bạn có thể nghe nhạc hoặc tận hưởng mùi tinh dầu yêu thích.


Căng thẳng cấp tính kéo dài (Episodic acute stress)

Các triệu chứng của căng thẳng cấp tính kéo dài tương tự như căng thẳng cấp tính. Nó xảy ra khi chúng ta thường xuyên trải qua cảm giác căng thẳng và phải đảm nhiệm thêm quá nhiều công việc, nhiệm vụ khiến bản thân trở nên quá tải.

Nếu không được giải quyết kịp thời và đúng cách sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Cách kiểm soát

Để giải quyết được tình trạng này, bạn đòi hỏi phải thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt. Điều gì làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi và bản thân không thể thích nghi thì hãy từ bỏ chúng.

Một điều mà bạn không nên bỏ qua để có sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái hơn là có một chế độ sinh hoạt lành mạnh.

Hãy bắt đầu bổ sung những món ăn tốt cho não bộ vào trong khẩu phần ăn khi cơ thể bạn xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Bên cạnh đó, việc tập luyện thể dục và ngủ đủ giấc cũng góp phần trong việc phục hồi của cơ thể.


Căng thẳng mạn tính (Chronic stress)

Theo APA định nghĩa, căng thẳng mạn tính là loại căng thẳng xảy ra thường xuyên và kéo dài. Loại căng thẳng này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức.

Một số yếu tố gây ra tình trạng này như: lo lắng về tiền bạc, cuộc sống không hạnh phúc, bất ổn xã hội,... Căng thẳng mạn tính có thể dẫn đến một loạt vấn đề về sức khỏe như: tim mạch, hệ tiêu hóa, trầm cảm,...

Cách kiểm soát

Để đối phó với tình trạng này, APA đề xuất một số cách như sau:

  • Thực hiện cam kết với bản thân: Bạn có thể đặt ra một ngưỡng nhất định cho riêng mình như: chỉ nhận tối đa bao nhiêu đầu việc một ngày, cắt giảm bớt lượng caffeine, không lạm dụng chất kích thích,... Đảm bảo cơ thể không rơi vào trạng thái căng thẳng quá mức.
  • Duy trì chế độ sống lành mạnh: Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, không tập trung vào một nhóm chất bất kỳ. Thường xuyên tập thể dục và ngủ đủ giấc để nâng cao sức khỏe.
  • Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi: Tránh tình trạng xử lý nhiều công việc một lúc. Bạn có thể thực hiện phương pháp Pomodoro để cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Trong thời gian nghỉ, bạn có thể nghe nhạc, xem phim hoặc thiền.

Vân Khanh

Bạn có thể quan tâm