Zing trích dịch bài đăng trên New York Times, đề cập đến hành trình nữ sinh viên ở Trung Quốc quyết tâm khởi kiện nhà xuất bản vì viết sách giáo khoa nói đồng tính là triệu chứng tâm thần.
Bước chân vào đại học, Ou Jiayong (Quảng Châu, Trung Quốc) tự đúc kết cho bản thân hai điều.
Một là sách giáo khoa có thể dạy những kiến thức sai. Hai là rất khó để thay đổi chúng, nhất là những chủ đề nhạy cảm như đồng tính.
Năm 2016, khi theo học tại Đại học Nông nghiệp ở quê nhà, cô tình cờ đọc được chi tiết trong giáo trình Tâm lý học mô tả đồng tính là một chứng rối loạn tâm thần.
Là một người đồng tính nữ, Ou cảm thấy không thể chấp nhận nội dung như vậy. Nhưng những lời phàn nàn cô đưa ra chẳng đi đến đâu.
Sau khi phát hiện cụm từ không chính xác, cô gửi email đến nhà xuất bản của nhà trường nhưng không nhận được hồi âm. Lá thư cô gửi thẳng đến văn phòng đơn vị này với hơn 300 chữ ký yêu cầu sửa đổi cũng chung số phận tương tự.
Sau đó, cô liên hệ với Cục Xuất bản của tỉnh Giang Tô và nhận được câu trả lời rằng nội dung “không có gì sai lầm và thiếu logic”.
Không dừng bước, Ou khởi kiện, đòi nhà xuất bản xóa chi tiết sai lệch và xin lỗi công khai.
Ou Jiayong, ngồi bên trong phòng ngủ của mình ở Hong Kong. Ảnh: NY Times. |
"Đồng tính là bệnh"
Cuộc kiện tụng đến nay đã kéo dài 3 năm. Tháng trước, tòa án tỉnh Giang Tô ra phán quyết có lợi cho nhà xuất bản, cho rằng những nội dung đề cập trong sách “không sai thực tế”.
Peng Yanzi, lãnh đạo của nhóm bênh vực nhân quyền cho giới LGBT tại Trung Quốc, cho biết trường hợp của Ou đã khiến nhiều người nhận ra đồng tính vẫn bị mô tả theo cách xúc phạm trong các cuốn sách phổ thông.
Nhóm này đã tiến hành một khảo sát vào hai năm 2016 và 2017, chỉ ra hơn một nửa trong số 91 cuốn giáo trình Tâm lý học được sử dụng trong các trường đại học ở Trung Quốc nói đồng tính là một căn bệnh. Chỉ một vài cuốn được chỉnh sửa lại, bỏ đi chi tiết này.
Hashtag kêu gọi ủng hộ Ou phổ biến trên mạng xã hội Weibo khiến nhiều người chú ý đến vụ việc hơn. Một số tờ báo trong nước bắt đầu đưa tin về phiên điều trần diễn ra hồi tháng 7.
Ba tuần sau phán quyết, một trường học ở Giang Tô cho biết sẽ sửa đổi lại sách giáo dục sức khỏe, sau khi một người dùng mạng phát hiện trong sách có nói: Đồng tính luyến ái đi ngược lại quy luật tự nhiên.
Dù Trung Quốc đã loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách các hội chứng tâm thần từ lâu, vẫn có nhiều cuốn sách đề cập đến điều này như một loại bệnh. Ảnh: AP. |
“Nhiều người ngưỡng mộ Ou vì đã theo đuổi vụ kiện suốt 3 năm. Những người đồng tính cảm thấy được khích lệ và trở nên dũng cảm hơn nhiều”, ông Peng nói.
Những năm gần đây, cộng đồng LGBT tại Trung Quốc đang đấu tranh mạnh mẽ cho quyền bình đẳng của họ. Họ sẵn sàng kiện các phòng khám tự xưng là chữa bệnh đồng tính nam, cho đến các công ty kỳ thị nhân viên là người đồng giới và thậm chí kiện cả chính quyền.
Dù không thành công khi đòi chính phủ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, những nhà hoạt động cũng khiến bộ phận lập pháp phải chú ý đến mong muốn của họ khi có hơn 230.000 thư và kiến nghị trực tuyến gửi về.
Năm 1997, Trung Quốc chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi các hành vi vi phạm pháp luật. Năm 2001, đồng giới được xóa khỏi danh sách những chứng rối loạn tâm thần.
Song, sau chừng đó năm, sự phân biệt đối xử đối với cộng đồng này vẫn len lỏi ở khắp mọi nơi, từ môi trường làm việc cho đến các dịch vụ khác như chăm sóc sức khỏe. Thực tế ấy dẫn đến một điều dễ hiểu là nhiều người đồng tính chọn sống trong bóng tối, không dám công khai giới tính.
Cộng đồng LGBT và những người ủng hộ đang tích cực vận động để thay đổi định kiến xã hội, khiến chính quyền thừa nhận sự tồn tại của mình. Ảnh: BBC. |
"Dù bạn có nói gì cũng vô nghĩa, sách mới đúng"
Trước Ou, một sinh viên từng kiện Bộ Giáo dục Trung Quốc về việc sách giáo khoa nói đồng tính là “nỗi đau đớn”, với lập luận rằng các nhà chức trách chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng sách và nên tiết lộ quy trình phê duyệt.
Năm 2014, tòa án Bắc Kinh kết tội một phòng khám về tội lừa đảo và yêu cầu bồi thường cho nạn nhân. Phòng khám này trước đó điều trị sốc điện cho một nam bệnh nhân, với lời khẳng định làm vậy để “chữa trị bệnh đồng tính”.
Tuy nhiên, theo kiện với cáo buộc phân biệt đối xử lại khó nhằn hơn vì luật pháp Trung Quốc vốn không có điều luật cụ thể bảo vệ một người dựa trên giới tính của họ.
Giống như trường hợp phòng khám, vụ kiện của Ou đưa ra tòa với lý do “vi phạm quyền người tiêu dùng”. Ngoài chi tiết gây tranh cãi, các luật sư của cô còn lập luận quyển sách có nhiều lỗi chính tả, văn phong khác, không nên được sử dụng rộng rãi như hiện tại.
“Vì đồng tính đã bị loại bỏ khỏi danh sách chứng bệnh tâm thần từ lâu nên những gì trong sách đề cập không còn chính xác và nhà xuất bản cần chịu trách nhiệm”, Leon Ge, luật sư của Ou, nói trước tòa.
Bản sao cuốn sách "Giáo dục sức khỏe tâm thần cho sinh viên đại học", tâm điểm của vụ kiện. Ảnh: NY Times. |
Do vụ kiện liên tục bị trì hoãn, Ou đã ra trường với tấm bằng cử nhân ngành Xã hội học và chuyển đến Hong Kong, nơi cô làm việc cho một tổ chức quyền lao động.
Ou bắt đầu hoạt động trong các trường đại học, tham gia các khóa học về bình đẳng giới và gia nhập các nhóm sinh viên LGBT.
Tại đó, Ou kể lại cho mọi người về khoảnh khắc khi cô còn là sinh viên năm nhất, tranh luận với một bạn học trong lớp về việc các cặp đồng tính nam có nên lập gia đình.
Người bạn cùng lớp trích dẫn những gì trong sách nói để phản đối lập luận của cô. Một người khác hỏi Ou rằng cô cảm thấy thế nào khi xung quanh mình là người đồng tính.
Cả lớp ồ lên cười khi Ou đáp lại cô chính là một người thuộc giới LGBT. “Dù bạn có nói gì về cuộc sống của chính mình đi nữa cũng vô nghĩa, sách giáo khoa mới đúng”, nam sinh viên đáp trả.
Khi phiên điều trần cuối cùng được lên lịch vào tháng 7, Ou không kịp về tham dự vì lệnh hạn chế đi lại trong lúc có dịch. Thay vào đó, cô thức suốt đêm để viết hai bức thư cho thẩm phán, trong đó có một bức cô yêu cầu được đọc trước tòa.
Trong đó, Ou lập luận rằng thẩm phán và nhà xuất bản cần phải xem xét công tâm về việc bị chế giễu chỉ vì những đặc điểm cá nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của chính bản thân họ.
“Tôi tin rằng quý tòa có thể đồng cảm với những bất công hàng ngày mà học sinh thiểu số phải đối mặt trong khuôn viên trường: bị cô lập, chửi bới, đánh đập và thậm chí bị tấn công tình dục. Chúng ta không nên dung thứ cho sự phân biệt đối xử. Chúng ta phải thay đổi ”.
Song, kết quả không được như cô gái mong muốn. Ou cho biết cô đang kháng cáo.
“Cuộc chiến này giống với thói quen đi bộ đường dài của tôi. Làm sao bạn có thể bỏ cuộc, bạn chỉ có lựa chọn đứng dậy đi tiếp”, cô nói.